Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – Phần 10: Bệnh ngu lâu
Khi nhìn thấy bức tường Mexico của Trump bị sụp đổ do mưa lũ [1] rồi cảnh Mỹ và NATO tháo chạy khỏi Afghanistan, tôi tính viết thêm về đề tài “Đế quốc bàn trướng rồi tàn lụi”. Nhưng rồi bận và mệt quá tôi phải gác lại. Cuốn sách “Peril” (Hiểm họa) [2] của Bob Woodward và Robert Costa mới công bố khiến tôi phải viết bài này.
Nhiều người phản đối việc Trump bắt tay với Taliban trên lưng người Afghanistan từ 2018, cam kết rút quân vào tháng 2.2020. Họ hy vọng Biden sẽ chặn đứng thỏa thuận này. Điều đó đã không xảy ra. Cuộc tháo chạy ra khỏi Afghanistan của Biden không khác gì cuộc rút quân không trống không kèn của Trump ra khỏi Kurdistan tháng 10.2019, chỉ có hậu quả thì nặng nề hơn. Những người bênh Biden đổ tội cho quyết định của Trump trước đó. Nhưng trước khi Talban vào Kabul, ông Biden và CIA đã sai toét, khi coi Taliban yếu, không đáng sợ như quân đội Bắc Việt [3].
Ai kỳ vọng nước Mỹ sau Trump sẽ có một chính sách nhập cư nhân đạo hơn, khi nhìn ảnh biên phòng Mỹ dùng ngựa chiến xua đuổi người nhập cư chắc thất vọng, mặc dầu ông Biden rất tức giận về hình ảnh đó.
Người Việt sợ Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc hơn, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Điều đó không xảy ra. Chính quyền Biden vẫn coi Trung Quốc là cừu địch. Biden đi xa hơn Trump, lập ra NATO phương Đông, lúc đầu là Úc, Anh, Mỹ (AUKUS), tới đây có thể thêm cả Nhật, Ấn Độ để chặn Trung Quốc (Người Việt chửi nhau vụ này như hát hay).
Nhiều người mong Biden sẽ hàn gắn vết thương của nước Mỹ do Trump để lại. Nhưng điều đó đã khó xảy ra. Đảng Cộng hòa từ bỏ vai trò đối lập, trở thành lực lượng đối kháng. Họ đang từng bước thay đổi luật pháp ở những nơi họ cầm quyền để chống lại đảng Dân chủ bằng mọi giá. Những gì nước Mỹ đạt được trong bình đẳng chủng tộc và giải phóng phụ nữ đang dần bị xóa bỏ một cách khôn khéo tại Texas và Florida. Nước Mỹ giàu có, thừa vaccine, nhưng có đến 1/3 dân chúng thà chết, không chịu tiêm chủng covid-19, trong đó phần đông là vì chống chính sách phòng dich của chính quyền Biden.
Tôi nêu vài sự thật trên không nhằm phê phán ai hoặc so sánh chính khách chuyên nghiệp Biden với tổng thống phổi bò Trump.
Tôi muốn nói chuyện khác:
– Dù phê phán “America First” của Trump, nhưng Biden cũng không thoát khỏi lộ trình đó (Chính vì vậy mà những lời chỉ trích ông ta về vụ tháo chạy khỏi Afghanistan sẽ tan trong gió. Đa số dân Mỹ ủng hộ việc rút quân, bằng mọi giá.)
– Trump chỉ là một sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Bốn năm sau họ thấy không ổn, phải lọai bỏ. Nước Mỹ sau Trump vẫn đang gặp nhiều thử thách nghiêm trọng.
Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Trump, nước Mỹ đã trải qua một cuộc khủng hoảng toàn diện. Không chỉ kinh tế đình trệ, thất nghiệp ngút trời, người chết phải chôn tập thể, bạo lực tràn lan, mà lòng tin con người bị tàn phá. Nước Mỹ bỗng trở thành một nước cộng hòa chuối, đầy rẫy những chuyện thối nát. Nhiều người vì quá yêu Trump đã mong một cuộc nội chiến xảy ra để quét sạch các thế lực ma quỷ nào đó đang ngự trị nước Mỹ. Có người còn mừng rỡ đồn rằng Trump đã vác cái va-ly có nút đỏ kích hoạt hạt nhân về nhà. Họ mong ông sẽ hành động để đặt nước Mỹ trong tình trạng chiến tranh.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Trump không mất trí như một số fan của ông. Mà kể cả nếu ông làm liều thì theo như sách Peril, tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng liên quân đã không để điều đó xảy ra. Những người như Miley trong chính quyền Trump nhiều lắm, từ các bộ trưởng quốc phòng như Mattis, Espen, các bộ trưởng tư pháp Session, Barr đến bộ trưởng ngoaị giao TIllerson, cố vấn an ninh quốc gia Bolton v.v. Tất cả họ đều đã ngăn cản Trump bằng cách này hay cách khác và chấp nhận mất chức.
Nhiều người nhìn thấy trong câu chuyện này sức mạnh của nền dân chủ Mỹ. Tôi coi đây là một tiền lệ nguy hiểm cho nước Mỹ. Dù cảm phục lòng yêu nước và trách nhiệm công dân của tướng Milley cũng như các chính khách khác, tôi e rằng việc các quan chức cấp dưới vượt quyền tổng thống, lập âm mưu ngăn cản tổng thống, đã làm cho uy tín nước Mỹ suy yếu nghiêm trọng. Việc tướng Milley tự tiện liên hệ với đồng cấp Trung Hoa để xoa dịu họ trước những biến động có thể xảy ra từ Mỹ là một điều nguy hiểm.
Hành động của tướng Milley trong những giờ phút khủng hoảng đó là công hay tội, chắc sẽ còn nhiều tranh cãi. Nhưng chắc chắn là, khi chọn Trump là cứu tinh của dân tộc, đa số người Mỹ đã tự đặt số phận đất nước họ vào hoàn cảnh khiến cho bản hiến pháp hơn 200 năm tưởng như bất hủ, nay bỗng mất thiêng bởi một vụ đảo chính ngầm. Và nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì vụ đó.
Nếu là bạn của tướng Milley, tôi sẽ khuyên ông từ chức ngay sau khi Biden nhậm chức. Ông sẽ đi vào lịch sử như một công bộc vừa trung thành tổ quốc, vừa tôn trọng hiến pháp.
Nền dân chủ Mỹ, phản ánh qua bản hiến pháp, vốn là cảm hứng cho nhiều phong trào dân chủ, đang dần dần bị méo mó trước những biến cố của thời đại mà nó đã không còn theo kịp nữa.
Thất bại của Phương Tây ở Afghannistan, Syria, Lybia khiến người ta lo ngại cho tương lai của Iraq, của Mali và các điểm nóng khác, nơi mà quân NATO vẫn còn ngồi canh các thùng thuốc súng chưa phát nổ.
Phương Tây luôn nhầm lẫn. Tưởng rằng họ đã hiểu: 100 năm thực dân hóa của Pháp đã không ngăn cản được những người nông dân Bắc Việt Nam tố cáo cha mẹ mình trong CCRĐ. Tiếp theo 20 năm có mặt của Mỹ cũng không đưa đám tướng lĩnh miền Nam thoát khỏi chủ nghĩa quân phiệt. Họ liên tục dùng xe tăng, máy bay đảo chính nhau, giết cả anh em Ngô Đình Diệm, là người đã nuôi nấng họ.
150 năm sau khi được biết thế nào là nhân quyền, dân chủ, trong đó có 70 năm luôn nghe ca ngợi nền dân chủ của mình, nhiều người Việt vẫn ủng hộ việc công an Bình Dương phá cửa lôi một bà mẹ trẻ ra đường thử test covid, trước tiếng gào thét của những đứa con. Tâm lý nô lệ phục tùng vượt qua lòng nhân đạo chỉ là một trong muôn vàn trở ngại của nếp sống văn minh.
Như vậy mặc dù có đổ bao nhiêu tiền của, mất bao nhiêu sinh mạng thì 20 năm có mặt của phương Tây ở Afghanistan đã chỉ đem lại cảm giác tự do, dân chủ cho vài triệu thị dân. Phụ nữ được làm việc, các bé gái được đi học, báo chí được tự do viết… Tất cả chỉ là “cảm giác”. Khi lính phương tây rút đi, Taliban chưa vào, nhiều phụ nữ đã vội trùm burka lên đầu, nhiều cha mẹ không dám cho con gái ra phố , mặc dù Taliban lúc đầu không bắt như vậy. Nếu hàng triệu người dân Kabul, Kandahar, Kundus vẫn đàng hoàng sống như trước ngày 15.8, chắc gì vài chục nghìn anh Talib mù chữ dám manh động.
Nhiều Facebooker cứ tưởng mình tự do, nhưng không dám còm hay like, tránh những chuyện “tế nhị” cũng đang sống như vậy. Chính họ đang tự kiểm duyệt mình và cổ vũ những kẻ kiểm duyệt. Chúng biết là họ sợ.
Người ta chỉ thật sự tự do khi dám sống vì niềm tin của mình. Tỷ lệ người dám sống vì niềm tin trong cộng đồng chính là mức độ phát triển một của dân tộc.
Do vậy việc dùng súng hay tiền để tạo dựng dân chủ ở các nước nghèo, hay ngược lại, để duy trì chế độ độc tài ở các nước đã phát triển (như ở Đông Âu), là trò ảo tưởng. Dân tộc nào cũng sẽ hưởng cái mà nó đáng được hưởng.
Từ bước nọ lên bước kia của văn minh là một quá trình khổ luyện mà mọi dân tộc phải trải qua. Đốt cháy giai đoạn là căn bệnh của những kẻ “ngu lâu” (nhưng muốn khôn nhanh hoặc bắt người khác khôn nhanh).
(Còn tiếp)
*Ghi chú:
[1] https://gizmodo.com/trumps-border-wall-torn-apart-by-arizona-monsoon-rains-1847535174
[2] https://edition.cnn.com/2021/09/14/politics/woodward-book-trump-nuclear/index.html
[3] https://www.independent.co.uk/asia/south-asia/taliban-vietnamese-army-biden-video-b1903276.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.