Trẻ con nên đọc sách thế nào?
26-9-2021
Chuyện cháu bé 10 tuổi đòi đọc Lenin toàn tập thực ra không có gì ghê gớm khiến mọi người quan tâm, nếu bố mẹ cháu không khoe là cháu “thích” đọc bộ đó.
Là người cũng từng đọc nhiều sách từ bé và bắt đầu già, mình có thể chắc chắn rằng trẻ con đọc nhiều là do tò mò và… rảnh, chứ hiểu không được bao nhiêu đâu. Vì thế cũng chả cần rùm beng chuyện tương tự.
Mình bắt đầu đọc tiểu thuyết cũng từ khoảng lớp 4-5 gì đó, tranh giành sách, truyện với bố mẹ. Hồi đấy thì toàn tiểu thuyết kinh điển kiểu Chiến tranh và Hoà bình, Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy… Hầu hết tiểu thuyết dạng này mình cày trong giai đoạn từ lớp 5-8.
Sách lịch sử cũng vậy, giai đoạn này mình đọc tạp nhất, tất nhiên nhà mình cũng có 1 đống sách kiểu Lenin toàn tập, nhưng mình không hứng thú lắm. Nói thật là đến tầm cấp 3 mình cũng “húng chó” là đọc được nhiều. Nhưng phải đến khi học Đại học và đi làm mới ngộ ra rằng việc đọc sách vượt tuổi (sách của người lớn) từ bé chủ yếu là để luyện trí nhớ và kỹ năng đọc, để không sợ đọc, chứ thực tế không hiểu gì mấy và cũng không nhớ được lâu.
Kiến thức mà mình nhớ được sâu sắc nhất và nó thực sự là của mình lại chủ yếu là từ sách mình đọc được khoảng sau 20 tuổi. Chính thế nên người ta phân biệt ra sách thiếu nhi là như thế, cho nó phù hợp với nhận thức và nhân sinh quan của những đứa trẻ. Các bố mẹ bây giờ đừng thấy con mình đọc sách vượt tuổi quá nhiều là mừng, khoe con là thần đồng, nhiều khi lại làm hại nó.
Đọc sách kiểu đó là làm hại con vì tất nhiên để đọc được những cuốn sách ngàn trang như vậy thì con mình sẽ còn ít thời gian để chơi, để học nhạc, để tập thể thao, để vẽ tranh… Một đứa trẻ muốn thành người toàn diện thì không phải chỉ cần có kỹ năng đọc sách. Thường đứa nào đọc sách quá nhiều thì lại dễ bị đụt về các hoạt động thân thể hoặc kém về nghệ thuật. Có nghĩa là năng lực của con người là có hạn mà tập trung toàn bộ vào một hướng thì nó sẽ giỏi kiểu gà chọi và thành gà công nghiệp với các hướng khác.
Mình đọc rất nhiều sách lịch sử và chính trị nên đủ tư cách để nhận xét về việc đọc sách dạng này. Lenin toàn tập cũng là một dạng sách lịch sử lồng ghép với chính trị Mác Lê nin. Nó là dạng sách viết một chiều không hề khách quan như hầu hết các bộ sách tương tự do các nhà nước Cộng sản biên soạn.
Trẻ con đang cần tìm hiểu kiến thức đa chiều, càng rộng càng tốt, để chúng nó có sự chuẩn bị cho tương lai, xem có thể đi sâu theo hướng nào. Vì thế dạy trẻ nên theo hướng mở, nên chọn các loại sách khách quan, trung tính, không nên cho đọc nhiều sách tuyên truyền một chiều. Sau này khi có nhận thức đầy đủ thì người ta sẽ tự biết chọn con đường nào để theo, theo đảng CS hay theo TB giãy chết, làm bò đỏ hay đấu tranh dân chủ.
Hãy để bọn trẻ tự chọn dựa trên kiến thức đa chiều được đọc từ nhỏ. Không nên nhồi sọ chúng nó quá sớm, bất kể theo hướng nào. Trẻ bị nhồi sọ sớm nó sẽ bị ám ảnh rất lâu, sau khó tẩy não. Nhà trường đã nhồi sọ rồi lại thêm bố mẹ nhồi tiếp là có tội với con mình. Mình dám chắc là không có đứa trẻ nào tự nhiên thích đọc Lenin toàn tập đâu, mà là do do bố mẹ nó định hướng, rồi đem khoe. Không hay ho gì chuyện đó cả.
Nhìn các cuốn sách mà cháu bé được đọc mình có thể đoán là nó có từ thời ông bà cháu! Giống hệt nhà mình. Nhưng thấy bố mẹ cháu cho cháu đọc sách dạng đó, có thể là tái bản, thì có thể suy ra là gia đình có nòi đỏ rực. Từ nhà mình mà suy ra thôi. Nhưng mình khác bố mẹ cháu kia là không để con đọc sách dạng đó nữa, vì không còn hợp thời và không còn khách quan, trừ 1 số thiểu thuyết ít bị chính trị hoá.
Mình cho con đọc mấy cuốn về lịch sử thế giới, soạn cho thiếu nhi, hay cuốn Sapiens phiên bản tranh… tức là người ta đã biên soạn cho trẻ em rồi. Tuy nhiên, song song với việc cho con đọc sách thì mình vẫn phải giải thích cho nó hàng ngày về những gì nó đọc được, thì nó mới hiểu được sách chứ không phải học vẹt.
Xem clip trên VNExpress có ông thày hỏi cháu bé về lịch sử, mình thấy cháu trả lời y chang như sách dạy! Nhất là đoạn về Điện Biên Phủ. Những lý giải kiểu đó là lý giải kiểu tuyên truyền một chiều mà sách dạy, là kiểu của Học sinh, sinh viên học vẹt, chứ không phải của người đọc sách có tư duy độc lập. Tất nhiên học kiểu đó thì sau này đi thi môn sử sẽ được điểm cao! Vì dạy và học sử theo cách chính thống bây giờ chủ yếu chỉ là vẹt già dạy vẹt trẻ thôi.
Đọc sách lịch sử và chính trị cần rất nhiều vốn sống và kiến thức phải rộng mới hiểu được hết, nhất là sử cận hiện đại. Vì thế các bố mẹ hãy thận trọng khi chọn sách cho con. Con Ngô nhà mình cũng bằng tuổi cháu kia và nó cũng thích đọc sách, nên chuyện này mình nhận xét là rất thực tế.
***
Mạc Văn Trang: Về bé 10 tuổi quyết tâm đọc hết Lê Nin toàn tập
Có một bạn hỏi tôi, nhà tâm lý học nghĩ gì về chuyện này? Tôi thấy có mấy điều nên chia sẻ.
Xã hội ta thấy có cháu bé ham đọc sách thì vui quá, nhất là sách Lịch sử thì càng quý vô cùng. Trường hợp của cháu bé này là đặc biệt, cứ coi là thần đồng về lĩnh vực lịch sử – xã hội đi. Nhưng cháu bé 10 tuổi chưa có Ý thức đầy đủ về bộ Lênin toàn tập nó đồ sộ như thế nào, nội dung nó chứa đựng những gì và thời gian để đọc nó là bao lâu…?
Thứ hai là, sợ nhất chữ “Quyết tâm”. Chữ này có thể người lớn gán cho cháu, đeo vào cổ cháu rồi làm khổ nó. Cháu 10 tuổi chưa lượng được sức mình đâu. Thấy người lớn bê được hòn đá, hỏi nó có bê được không, nó sẵn sàng bảo được. Nhưng Cho nhấc thử thì không nhấc nổi; Thấy đám mây trên đỉnh núi cao hiểm trở, rủ nó trèo lên trên đó chui vào đám mây đi, nó cũng sẵn sàng háo hức đi ngay…! Nên người đời hay nói, đừng xui trẻ con ăn cứt gà!
Chỉ vì chữ “quyết tâm” lập thành tích phi thường rồi ép cháu đọc cho hết 54 cuốn sách, mỗi cuốn chừng 500 trang, với những nội dung rối bời thì liệu có đầy đọa đứa bé không?
Hãy chọn cho cháu những cuốn sách bổ ích và lý thú hợp với xu hướng của cháu để phát triển lành mạnh, hữu ích.
Hơn nữa cháu mà đọc hết Lênin toàn tập là phạm thượng, dám khinh thường các bác ở bộ chính trị và trung ương đảng Ta, vì chắc rằng chưa bác nào đọc hết được từng ấy sách của Lênin đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.