Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Cơn thịnh nộ của Đại Vương

 

Cơn thịnh nộ của Đại Vương

Khuya nọ, họ quyết định mang trả lại vật thể mà họ đã đánh cắp dưới bệ đá. Chiếc xe cẩu xoay tới xoay lui một lát, canh cho ngay ngắn, rồi hạ vật thể mà chính nó từng cẩu đi, trả lại vào đúng với vị trí cũ.

Vật thể ấy lạnh ngắt, nó từ chối là chính nó. Đã lâu nó không được làm công việc đúng với chức năng của nó, không được hiện diện ở đúng với cái vị trí mà lẽ ra nó phải ngự.

Ông trừng mắt ngó xuống. Ông nổi cơn thịnh nộ. Chúng đâu thể lén lút tước đoạt vật dụng của ta, lén lút tịch biên tài sản của ta, mà mang đi, đến khi chán chê thì mang trả lại bất cứ lúc nào cũng được. Ta đâu phải trẻ con để chúng hỗn xược, trêu đùa.

Ông bước xuống khỏi bệ, co chân đá, như ngày xưa đã đá bọn xâm lược phương Bắc khỏi đất nước này. Vật thể bằng đồng bay vèo trong không trung, lao đi trên mặt nước, qua bên kia sông, rồi rớt xuống giữa khu đất giải tỏa hoang tàn, đang bị giăng dây rào chắn, thuộc phường Thủ Thiêm. Mặt đất rùng mình, chấn động, tiếng vang to như sấm dậy, mọi người kinh sợ không biết chuyện gì vừa xảy ra. Ông rút thanh gươm cắm xuống bệ đá, không bước lên đó mà lại đi băng qua đường, vượt những hàng rào thấp, bước thẳng xuống giữa dòng nước, ra giữa sông. Biến mất, dưới lòng sông.

Sáng hôm sau, một bà buôn ve chai phát hiện ra một phần của vật thể nhô lên khỏi đám lau cỏ sình lầy. Bà mừng quá, ngỡ là trúng mánh lớn, nhưng loay hoay mãi mà không thể nào bỏ nó lên xe đạp để chở đi. Bà đành hô hoán, khai báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không phương tiện cơ giới nào có thể nâng vật thể lên khỏi mặt đất. Nó nằm lại mãi mãi. Về sau, nơi đó thành địa danh lịch sử: Lư Thánh, tức là cách gọi tắt cái lư bị đánh cắp của Thánh Trần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.