“Pháo đài” hay “Ấp chiến lược”?
27-9-2021
Khi thủ tướng vi hành ở phường Thanh Xuân Trung – TP Hà Nội, chủ tịch phường nói sai khẩu hiệu: “Mỗi phường xã là một lô cốt chống dịch”, đã bị VTV mắng mỏ bằng tựa đề: “Thủ tướng vô cùng ngỡ ngàng trước câu trả lời của Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung”.
Tôi thấy phường, xã bị rào chắn kẽm gai chẳng giống “pháo đài” hay “lô cốt”, mà nó y chang “ấp chiến lược”. Từ khi phong tỏa Sài gòn (19/6/2021), tôi thắc mắc Bên thắng cuộc “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” rất tài tình, tại sao lại “đánh giặc Covid” theo cách của ông Ngô Đình Diệm, biến từng khu phố thành “ấp chiến lược”?
Để dễ hình dung, xin nhắc bối cảnh miền Nam trước năm 1963: Ngoài khu vực đô thị như Sài gòn, Chợ lớn, Gia định và các tỉnh lỵ, từ các quận ngoại thành đến vùng xa, nhà dân (kể cả mỗ mã) phân tán rải rác trên những cuộc đất thuộc sở hữu của họ. Thậm chí, họ không màng cất nhà dọc quốc lộ, liên tỉnh lộ để tiện bề đi lại.
Sự phân bổ dân cư như vậy vô hình trung thành “hậu phương vững chắc” cho du kích quân MT Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN được thành lập ngày 15/2/1961, do Cục “R” lãnh đạo (VNCH gọi là Việt cộng).
Tháng 3/1962, ông Diệm xây dựng kế hoạch ấp chiến lược để bốc tách VC ra khỏi cộng đồng dân cư, ở gần biên giới Campuchia như Bình Long, Phước Long, Hậu Nghĩa, (gần Cục R) nên gặp sự phản kháng của dân – do du kích giật dây. Lính Ngô Đình Diệm phải cưỡng chế dân dời nhà vào ấp chiến lược bằng súng, đạn, đốt nhà cũ… gây thất nhân tâm!
Nhiều ấp chiến lược bị tấn công ở vùng xôi đậu, nhưng khá an ninh ở vùng do VNCH kiểm soát. Dân chúng rời cổng ấp chiến lược đi làm đồng, lính dân vệ xét thúng, giống, gánh chỉ cho mang đủ nước và cơm ăn, chiều về lính xét xem có mang vũ khí vào ấp không? VC bị cô lập.
Sau khi đảo chánh ông Diệm, Dương Văn Minh xóa ấp chiến lược, lập “ấp dân sinh” cho dân trong ấp chiến lược trở về ruộng, vườn cũ của mình cất chòi giữ đất và canh tác. Việt cộng được dân miền Nam tái tiếp tế từ năm 1964.
Bên thắng cuộc rất tài tình về dụng binh cơ động, tập họp nhiều đại đội du kích tứ tán thành một trung đoàn đánh úp chi khu cấp tiểu đoàn, tịch vũ khí rút lui nhanh, rồi phân tán mỏng. Quân trù bị VNCH mở trận càn quét không tìm ra VC.
Thế mà trong trận chiến chống giặc Covid, bên thắng cuộc lại áp dụng cách “phòng thủ co cụm” của ông Diệm. Họ rào từng khu phố để tách F0 ra khỏi dân. F0 tạm coi như “kẻ thù cơ hội” (occasional enemy) của dân!
Vừa tách xong F0, khu phố dán ngay ở đầu đường “vùng xanh”, giống như hồi xưa dân vệ bắt hai VC nằm trong bồ lúa, thì buộc nhà chứa chấp VC phải treo cờ vàng! Nhưng tối hôm sau, VC đột nhập vào, giật cờ vàng, treo cờ nửa xanh nửa đỏ, kèm trái lựu đạn gài chốt!
Khu phố đang màu xanh, sau khi quệt mũi lòi F0, toàn khu phố dán màu cam.
Bên chống “giặc Covid” tự hỏi, không lẽ một công nhân F0 cả nhà máy đóng cửa? Một F0 trong cộng đồng chả lẽ phong tỏa cả phường? Nhưng nếu chỉ đóng phân xưởng có F0 hoặc chỉ phong tỏa mấy nhà liền kề F0 thì liệu có an toàn không?
Không biết chừng nào có “Dương Văn Minh” tái thế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.