Học cái gì và giảm tải bao nhiêu?
Minh Tuấn
Thực tế đang buộc ngành Giáo dục phải giảm tải, câu hỏi đặt ra là giảm cái gì và giảm bao nhiêu? Mà giảm tải không chưa đủ, quan trọng là phải xây dựng được “một nền giáo dục hạnh phúc” cho học sinh và cho cả thầy cô.
Áp lực nội dung, kiến thức, thi cử khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng. Nguồn: báo Lao động
Trong tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp, bên cạnh việc lựa chọn hình thức trực tuyến và dạy học trên truyền hình thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chính thức lên tiếng về kế hoạch cắt giảm, tinh giản chương trình cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Cắt giảm những nội dung bị cho là trùng lặp hay không cần thiết là hợp lý rồi, nhưng chưa đủ, vì chúng ta còn quá e dè. Dạy học trực tuyến có đặc thù và khó khăn riêng, nếu chỉ cắt giảm một cách thủ công, cơ học thì vẫn khó lòng mà đảm bảo được tiến độ cũng như chất lượng. Qua thực tiễn dạy học và cả việc tham khảo từ các giáo viên đang thực hiện hình thức trực tuyến này, chúng tôi nhận thấy một tiết học hiện tại có thể phải cần nhiều thời gian hơn gấp vài lần so với dạy học trực tiếp, đó là chưa nói tới câu chuyện chất lượng.
Để giải quyết bài toán này, có thể có 2 cách cơ bản: một là cắt giảm thật mạnh tay (khoảng 50% chương trình), hai là cấu trúc lại bài học (có kết hợp với cắt giảm).
Câu hỏi đặt ra là có thể cắt giảm một cách mạnh tay như vậy được không? Được. Rất nhiều kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông của ta là quá nặng và không thiết thực. Một học sinh cấp 3 có định hướng đi theo khoa học xã hội thì hầu hết các môn tự nhiên sẽ trở thành gánh nặng. Cũng như thế, những kỹ sư, dân IT hay kế toán ngân hàng thì chẳng cần nhớ đến diễn biến tâm lý của nhân vật Mị để làm gì cả. Mà thực tế là có muốn cũng không thể nhớ được, vì đặc thù công việc vốn không sử dụng đến những kiến thức ấy thì như một tất yếu, họ sẽ quên. Tôi, một thầy giáo dạy văn thì cả đời đâu có xài tới lượng giác, tích phân, cân bằng phương trình hóa học hay tính toán gia tốc để mà làm gì, và cũng như thế, tôi quên.
Với thực tế trớ trêu như vậy nhưng suốt nhiều chục năm qua học sinh Việt Nam vẫn đang phải è cổ để trả bài.
Vậy nên, “Giáo dục hướng nghiệp” cần phải được hiện thực hoá một cách rõ ràng, mạnh mẽ, quyết liệt, đi kèm là giảm mức độ khó đồng thời phân luồng sớm. Và dịch bệnh chính là một “cơ hội” để làm việc ấy!
Khái niệm “phổ thông” phải được định nghĩa lại để không những trang bị cho người học tri thức và năng lực đúng theo cái tên mà nó đã gọi, đồng thời đắp vững những nền tảng chung. Dù là nhà báo, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, hay bất kỳ ngành ngề nào thì năng lực tư duy độc lập, phát triển cá tính và khả năng biểu đạt/diễn đạt cũng cần thiết như nhau. Đây mới đúng là thứ cần thành tựu cho học sinh. Việc dạy học chuyên sâu một cách "đổ đầu", cào bằng không những không giải quyết được các đòi hỏi trên mà còn vô hình chung làm thui chột học sinh đi bởi sự phân tán và lối học mẹo mực.
Khi mà mức độ khó của môn Toán lớp 12 trong nhà trường Mỹ chỉ tương đương với lớp 8, lớp 9 trong nhà trường Việt Nam thì chúng ta phải suy nghĩ. Và càng phải suy nghĩ khi mà họ lại trở thành cái nôi của khoa học kỹ thuật, là cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Sở dĩ họ phát triển như vậy là vì ngoài đào tạo được những năng lực cơ bản như chúng tôi đã nói đến ở trên thì những nền giáo dục như giáo dục Mỹ đã phân luồng từ rất sớm, tôn trọng năng khiếu, sở thích và thiên tư của người học, từ đó có sự đầu tư theo hướng chuyên sâu theo tinh thần cá biệt hóa – chứ không có chủ trương "giỏi toàn diện" như cách chúng ta đang làm.
Hãy để học sinh được chơi nhiều hơn, phải học ít đi và học thật vui. Chỉ học những gì thật cần thiết và phải học đúng cách. Nỗ lực của ngành giáo dục bây giờ không nên là cố dạy làm sao cho đủ, cho nhiều mà ngược lại, phải tìm cách để giảm cho sâu, cho mạnh.
Nền giáo dục của chúng ta không thiếu sự chăm chỉ mà chỉ thiếu tiếng cười, không thiếu bài tập mà chỉ thiếu thời gian, không thiếu kiến thức mà chỉ thiếu tư duy… Mạnh dạn cắt giảm đi 50%, cấu trúc lại và tổ chức dạy học bằng một phương pháp tích hợp hơn và tích cực hơn. Toàn bộ sứ mệnh của một nền giáo dục là TẠO ĐIỀU KIỆN cho người học trưởng thành chứ không phải ép họ trưởng thành.
M.T.
Nguồn: VietTimes
Đường dẫn ảnh
https://photo-cms-viettimes.zadn.vn/w800/Uploaded/2021/zazagt/2021_09_13/2-tkts-581758-4-4579.jpg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.