Làm nên nghiệp tướng bằng máu người Việt
(Sự nghiệp tướng Phùng Quang Thanh: 2.2.1949 – 11.9.2021)
Phạm Đình Trọng
1. Sức nóng mặt trận Đường 9 – Nam Lào
Từ tiếng súng mở đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp ngày 23.9.1945 đến tiếng súng cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh chống Tàu Cộng xâm lược ở biên giới phía Bắc, tháng Chín, 1989, bốn mươi bốn năm. Gần nửa thế kỉ chiến tranh, máu người Việt, máu người Pháp, máu người Mỹ, máu lính Pôn pốt, máu quân Tàu Cộng thấm đẫm đất đai Việt Nam, làm nên sự nghiệp nhiều ông tướng Việt Nam.
Trong những ông tướng chiến trận của quân đội Nhân dân Việt Nam, Phùng Quang Thanh là người lính làm nên nghiệp tướng không phải từ máu lính Pháp, máu quân Tàu Cộng xâm lược, không phải từ máu những tên giặc cỏ Pôn pốt, cũng không phải từ máu đội quân Mỹ chiếm đóng, mà từ chính máu người Việt.
Đầu năm 1971, khi tiếng súng chiến trận ở Đường 9 – Nam Lào vang rền trên hệ thống truyền thông nhà nước, tôi là thượng sĩ, học viên trường sĩ quan Thông tin, đang đi dã ngoại diễn tập trong rừng Yên Thế, Hà Bắc, bây giờ là Bắc Giang, thực hành bảo đảm thông tin chỉ huy cho Trung đoàn bộ binh trong bốn hình thức chiến thuật thì Phùng Quang Thanh cũng là thượng sĩ, trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 9, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64, sư đoàn 320A đang tham chiến ở Đường 9 – Nam Lào.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào kết thúc khi cuộc dã ngoại diễn tập của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Nhưng sau đó, những chiến thắng vang dội trên đồi Không Tên, trên điểm cao 543 bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 nhảy dù quân đội Việt Nam Cộng hòa trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã trở thành bài học chiến lệ bổ sung cho khóa học của chúng tôi.
Một giáo viên chiến thuật của Trường Sĩ quan Thông tin trở về đơn vị chiến đấu cập nhật sự vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật trong thực tế cuộc chiến đã tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, có mặt ở Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A. Trở về trường, giáo viên chiến thuật đã viết ngay thành giáo án giảng dạy. Sau diễn tập dã ngoại, chúng tôi lại được học ngay bài học từ thực tế chiến trận nóng bỏng trên bản đồ.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971 có ý nghĩa tối quan trọng với cả hai phía tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Phía quân đội Việt Nam Cộng hoà phát động chiến dịch với tên gọi Chiến dịch Lam Sơn 719, hành quân trong chiến lược đã hoạch định “Việt Nam hoá chiến tranh”. Phía quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai thế trận chống trả cuộc hành quân Lam Sơn 719 với tên gọi Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Cuộc chiến này không chỉ bẻ gãy cuộc hành quân Lam Sơn 719 mà còn đánh đòn quyết định làm thất bại mưu đồ Việt Nam hoá chiến tranh.
2. Việt Nam hoá chiến tranh
Việt Nam hoá chiến tranh là chủ trương lớn của Mỹ nhằm rút quân Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam đẫm máu sau khi đã hỗ trợ chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hoà đủ sức giữ vững nền Cộng hoà Việt Nam và ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ba nội dung chính của Việt Nam hoá chiến tranh là:
Một - Chính trị. Tăng viện trợ kinh tế, giúp chính quyền Việt Nam Cộng hoà vững mạnh. Tiến hành chiến tranh với nửa triệu quân Mỹ có mặt ở Việt Nam, mỗi năm Mỹ phải chi 30 tỉ đô la. Việt Nam hoá chiến tranh, quân Mỹ rút. Hàng năm Mỹ chỉ cần viện trợ cho Việt Nam Cộng hoà 5 tỉ trong số 30 tỉ đô la cũng đủ giúp Việt Nam Cộng hoà phồn vinh, vững mạnh. Cùng với củng cố chính quyền Việt Nam Cộng hoà là ráo riết bình định nông thôn, dồn dân vào ấp Tân Sinh vừa không để nông thôn bao la là hậu phương của lực lượng kháng chiến, vừa là kho máu người Việt vô tận cho Việt Nam hoá chiến tranh.
Hai - Quân sự. Nâng cao sức mạnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà cả số lượng và chất lượng. Mỗi năm tăng từ năm mươi ngàn đến một trăm ngàn quân. Đến cuối năm 1971 Việt Nam Cộng hoà phải có triệu mốt tay súng. Mỹ trang bị vũ khí hiện đại nhất cho triệu mốt tay súng. Quân Mỹ sẽ có hai bước chuyển giao chiến trường cho quân đội Sài Gòn. Bước một, đến giữa năm 1970, chuyển giao toàn bộ tác chiến trên bộ. Bước hai, đến cuối năm 1971, chuyển giao toàn bộ tác chiến trên không, trên sông, biển. Quân Mỹ chỉ còn cố vấn quân sự và sĩ quan chỉ huy tác chiến.
Ba - Ngoại giao. Cô lập lực lượng kháng chiến Nam Việt Nam. Quân đội Việt Nam Cộng hoà đảm trách toàn bộ chiến trường Việt Nam tổ chức ngay những cuộc hành quân chặt đứt nguồn tiếp tế từ Bắc vào Nam. Đẩy mạnh ngoại giao cô lập lực lượng kháng chiến Việt Nam. Chuyển đổi chính trị để Campuchia và Lào có chính quyền cùng chống cộng sản với Việt Nam Cộng hoà.
Ngày 18.2.1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon công bố chính sách Việt Nam hoá chiến tranh. Chỉ một tháng sau, ngày 18.3.1970 lực lượng Lon Nol, Sirik Matak thân Mỹ trong chính quyền Campuchia đảo chính lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk khi ông hoàng Sihanouk đang đưa bà hoàng Monique đi mua mĩ phẩm ở Lafayette Paris, Pháp.
Trong nhiều năm, Hà Nội cố giữ mối quan hệ thắm thiết với Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk. Nhờ vậy hơn bảy mươi phần trăm hàng chi viện của Hà Nội cho Trung ương Cục miền Nam được tàu buôn hối hả chở từ cảng Hải Phòng đến cảng Sihanoukville. Từ Sihanoulville, hàng lên ô tô tải lớn bon bon theo đường số 4 trên đất Campuchia qua Phnom Penh rồi theo đường số 1 về Tây Ninh, Việt Nam. Norodom Sihanouk bị lật đổ. Cảng Sihanoukville lập tức bị đóng cửa. Dòng chảy chính tiếp viện cho lực lượng kháng chiến Nam Việt Nam bị cắt.
Từ tháng Tám, năm 1970, quân Việt Nam Cộng hòa phối hợp với quân Lon Nol mở liên tiếp hai cuộc hành quân lớn Chenla 1 và Chenla 2 đánh vào các kho hậu cần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở vùng rừng phía Đông và Đông Bắc Campuchia. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 là bước tiếp theo Chenla 1, Chenla 2, cắt con đường hậu cần còn lại từ Bắc vào Nam. Cảng Sihanoukville đóng cửa. Lam Sơn 719 kết thúc thắng lợi như Chenla 1, Chenla 2. Nguồn dinh dưỡng nuôi lực lượng kháng chiến miền Nam bị cắt đứt hoàn toàn. Lực lượng kháng chiến sống sót cũng chỉ là cái bóng mờ nhạt. Việt Nam hoá chiến tranh là vậy.
Từ tiếng súng kháng chiến đồng khởi ở Bến Tre 17.1.1960 đến khi quân Mỹ vào Việt Nam, quân đội Việt Nam Cộng hoà chỉ có những cuộc hành quân nhỏ, cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Quân Mỹ vào, những chiến dịch lớn của quân Mỹ mở ra, quân Việt Nam Cộng hoà chỉ hành quân phối hợp. Lam Sơn 719 là cuộc hành quân lớn nhiều sư đoàn, lữ đoàn, nhiều quân, binh chủng hợp thành đầu tiên của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Lần đầu ra quân lớn, quân đội Việt Nam Cộng hòa tác chiến độc lập, không có bộ binh Mỹ trong đội hình hành quân. Quân Mỹ chỉ yểm trợ tối đa hỏa lực phi pháo và không vận chuyển quân cho quân đội Việt Nam Cộng hoà.
Đây cũng là trận đánh lớn đầu tiên chỉ có người Việt bắn giết người Việt trên đất Việt Nam. Và Phùng Quang Thanh trở thành người hùng trong cuộc chiến đẫm máu người Việt.
3. Trận chiến trên đồi Không Tên
Hai cuộc hành quân Chenla 1 và Chenla 2 của quân đội Việt Nam Cộng hoà cùng với quân Lon Nol đã phá tung nhiều kho hậu cần dự trữ, xua đuổi quân kháng chiến Nam Việt Nam không còn đất bám trụ ở ngay căn cứ lâu đời của họ là thắng lợi mĩ mãn mang lại niềm lạc quan lớn vào cuộc hành quân Lam Sơn 719 và vào chương trình Việt Nam hoá chiến tranh cho cơ quan đầu não chiến tranh ở Washington và Sài Gòn.
Ngày 9. 2. 1971 Tiểu đoàn 3 cùng sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3 quân miền Nam do Đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy nhảy dù xuống chiếm điểm cao 543, phía Bắc Đường 9.
Đã ém quân chờ trong cánh rừng đại ngàn Bắc Đường 9, ngay tối hôm đó, trung đội 1 của Phùng Quang Thanh trong đội hình Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 quân miền Bắc chiếm đồi Không Tên nhìn sang điểm cao 543 ở phía Nam với khoảng cách chưa đến 3 km. Hai ngày sau, từ sáng sớm máy bay phản lực Mỹ đã đến rải bom phá công sự, bom sát thương băm nát cây cỏ trên đồi Không Tên. Bom pháo vừa dứt, máy bay lên thẳng xuất hiện quần đảo bắn rốc két và đạn 20 mm vào những mỏm đất, những lùm cây mà bom phá chưa san bằng.
Dứt tiếng súng, trung đội trưởng Phùng Quang Thanh vừa chui ra khỏi hầm đã thấy máy bay lên thẳng vè vè bay rợp trên đầu. Từ chiếc máy bay đã táp xuống mỏm đồi rộng trước mặt, lính đổ bộ đang túa ra. Vừa lệnh cho trung đội vào vị trí chiến đấu thì Thanh cũng nhận được lệnh của đại đội trưởng cho xuất kích đánh bật quân đổ bộ ra khỏi đồi Không Tên.
Thấy mỏm đồi sát sở chỉ huy tiểu đoàn 9 đã bị quân đổ bộ chiếm và những chiếc mũ sắt đang lò dò tiến về sở chỉ huy Tiểu đoàn, Thanh liền lệnh cho trung đội xuất kích. Vừa chạy vừa xả đạn về hướng những chiếc mũ sắt nhấp nhô, Thanh bỗng thấy máu ướt đẫm tay áo trái. Bị thương rồi. Thanh định dừng lại coi vết thương. Nhưng một loạt đạn quất tới. Người lính ngay bên trái Thanh khựng lại, đổ vật xuống. Dừng lại là chết. Không diệt địch thì dịch sẽ diệt mình. Thanh vội lao lên, không quan tâm đến vết thương nữa. Những người lính của Thanh cũng đang hút theo những chiếc mũ sắt và những loạt đạn từ những chiếc mũ sắt đang rát rạt quất trả.
Quét sạch những chiếc mũ sắt, làm chủ được mỏm đồi, Thanh mới thấy đau ở tay trái và khát khô cổ. Vừa mở bi đông ra chưa kịp tợp ngụm nước thì những làn đạn lại quất tới tấp vào trung đội và những chiếc mũ sắt từ phía điểm cao 543 lại tràn tới đánh bật trung đội của Thanh khỏi mỏm đồi. Cho đến khi Tiểu đoàn 9 hoàn toàn làm chủ dải đồi lúp xúp quanh đồi Không Tên, trung đội của Thanh phải hai lần giành đi giật lại mỏm đồi, hi sinh hơn nửa trung đội. Chín tù binh bị bắt cho biết lực lượng nhảy dù xuống đồi Không Tên là Tiểu đoàn 6 cùng một trung đội công binh thuộc Lữ đoàn dù số 3.
Từ đồi Không Tên, Trung đoàn 64 đánh thốc lên điểm cao 543. Ngoài sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, trên điểm cao 543 còn có Tiểu đoàn 3 nhảy dù, trận địa pháo 105 mm, đơn vị công binh, thông tin đều là lực lương tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất của quân miền Nam. Quân tinh nhuệ cùng với hầm hào kiên cố, ba lớp rào thép gai bịt bùng và hỏa lực phi pháo Mỹ yểm trợ dày đặc tạo ra sức mạnh như bất khả khuất phục của 543.
Cuộc chiến người Việt xả súng vào người Việt trên điểm cao 543 diễn ra vô cùng ác liệt. Hai bên giành đi giật lại từng gò đất, từng đoạn hào. Đất điểm cao 543 đẫm máu của cả quân miền Bắc và quân miền Nam và đều là máu người Việt. Cho đến khi một đại đội xe tăng với bốn chiếc T54 phối thuộc với Trung đoàn 64 miền Bắc, thế giằng co mới chấm dứt. Vừa tiến vừa bắn trả máy bay Mỹ, xe tăng nghiến nát hàng rào thép gai đưa lính Trung đoàn 64 đến trước những căn hầm trên đỉnh 543 để quân miền Bắc bắn đạn khói vào trong hầm, xua quân miền Nam đưa hai tay lên trên đầu chui ra khỏi hầm. Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 nhảy dù Nguyễn Văn Thọ là người cuối cùng đưa những ngón tay múp míp giơ cao trên đầu.
Chiến trận trải dài theo trục Đường 9 từ Khe Sanh trên đất Việt Nam tới Xê Pôn trên đất Lào, nơi nào trận chiến cũng diễn ra gần như cuộc chiến ở đồi Không Tên. Được tình báo cung cấp kế hoạch hành quân Lam Sơn 719, Quân miền Bắc chủ động bày thế trận đánh trả. Quân miền Nam ầm ầm bão táp đổ quân xuống thế trận quân miền Bắc đã giăng sẵn. Những chiếc máy bay lên thẳng như đổ quân miền Nam ngay trên đầu quân miền Bắc. Quân đổ bộ chân chưa chạm đất đã bị đạn quất tới. Dù tướng tài, quân tinh, dù vũ khí tối tân cũng mất thế chủ động làm chủ chiến trường, phải bị động chống trả, đành mở đường máu tháo chạy. Phùng Quang Thanh lập công trong thế trận như vậy.
Báo Dân Trí ngày 11.9.2021, trong bài Tướng Phùng Quang Thanh Và Trận Chiến Đeo 17 Quả Lựu Đạn Lao Vào Địch viết theo sách của ông tướng công binh Hoàng Kiền, ông tướng công binh mang niềm tin thần thánh rằng anh hùng ảo Lê Văn Tám là có thật.
Sách của ông Hoàng Kiền thêu dệt rằng: “Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch”. Một sự bịa đặt ngớ ngẩn, sản phẩm của tư duy tuyên giáo, thiếu thực tế cuộc sống, thiếu kiến thức quân sự, bịa đặt lấy được.
Kiểu bịa đặt Lê Văn Tám tẩm xăng vào người, tự đốt mình, lao vào kho bom đạn giặc. Kho bom đạn phải đặt sâu trong căn cứ quân sự, trong không gian rộng, xa khu dân cư. Kho bom không thể ở ngay sát hàng rào, ngay cổng bảo vệ để ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Ngọn lửa bùng lên trùm kín người, đốt hết ô xy. Không còn ô xy, con người thở không được, bước một bước không nổi, làm sao chạy hàng trăm mét vào đốt kho bom đặt sâu trong cứ điểm quân sự.
Lựu đạn chỉ sử dụng trong phòng ngự giữ đất, chỉ dùng trong tấn công khi đã áp sát mục tiêu cố định trong công sự. Cuộc chiến đường 9 Nam Lào không phải cuộc chiến phòng ngự giữ chốt mà là vận động tấn công, phải vừa chạy vừa đánh địch. Thời gian và tốc độ di chuyển quyết định sống chết, thắng thua. Một tay đã treo bất động lại đeo 17 quả lựu đạn quanh người, khi chạy, lựu đạn xóc lên xóc xuống, nhảy tưng tưng đập vào người, làm sao chạy được.
Lựu đạn không thể vừa chạy vừa ném. Đang vận động tấn công, phải dừng lại, giật kíp, ngả người lấy đà, vung tay ném. Ném bằng sức cánh tay, lựu đạn không thế bay nhanh. Thời gian thao tác tung lựu đạn thừa thời gian cho đối thủ nếu không thoát khỏi tầm lựu đạn cũng kịp hạ gục người lính ngu ngơ, lạc lõng vận động tấn công bằng lựu đạn.
Chiến công Phùng Quang Thanh tay bị thương treo trước ngực, đeo lỉnh kỉnh 17 quả lựu đạn quanh người, truy kích diệt gọn một đại đội địch vừa hoang đường như Lê Văn Tám tẩm xăng tự thiêu lao vào kho bom, vừa hài hước như truyện tiếu lâm.
4. Đồi Không tên viết lên tên Phùng Quang Thanh nhưng Phùng Quang Thanh đã tự xoá tên mình trong lòng người dân Việt Nam
Nhập ngũ năm 1967, là lính sư đoàn chủ lực cơ động của bộ Tổng tư lệnh, liên tục có mặt trong những trận đối mặt với quân Mỹ ở vành đai lửa Quảng Trị. Bốn năm tắm trong máu lửa chiến trận mới là trung đội trưởng thì Phùng Quang Thanh chỉ là người lính mờ nhạt.
Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh dẫn trung đội vào trận đánh ở đồi Không Tên và điểm cao 543 trong đội hình Trung đoàn 64. Hơn nửa trung đội hi sinh làm nên chiến thắng ở đồi Không Tên, chiến thắng trên điểm cao 543, làm nên chiến thắng Đường 9 – Nam Lào, chiến thắng bước đầu đánh sập chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh.
Chiến thắng vang dội thì phải có những anh hùng chói lọi chiến công. Người lính bỏ xác ở đồi Không Tên, ở điểm cao 543 không thể kể công. Công của người chết được tính cho người sống. Phùng Quang Thanh trở thành anh hùng đồi Không Tên, anh hùng Đường 9 – Nam Lào. Phong anh hùng cho người lính Đường 9 – Nam Lào là khẳng định và tôn vinh chiến thắng Đường 9 – Nam Lào với xã hội, với lịch sử.
Sau trận đánh trên đồi Không Tên, Phùng Quang Thanh liền được nhận cấp bậc, chức vụ mới: thiếu úy, đại đội trưởng và được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Những nhà trường, học viện quân sự trong nước, ngoài nước mở rộng cánh cửa đón anh hùng Phùng Quang Thanh. Những trường quân sự từ cấp thấp đến cấp cao: Trường Sỹ quan Lục quân, Học viện Quân sự Việt Nam, Học viện Quân sự Voroshilov, Liên Xô. Học viện Quân sự cao cấp Việt Nam đã cung cấp kiến thức khoa học quân sự cho Phùng Quang Thanh, đưa Phùng Quang Thanh lên cấp tướng. Và ông tướng Phùng Quang Thanh trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Người lính đi dép cao su hay người lính đội mũ sắt bỏ xác trên đồi Không Tên, trên điểm cao 543 đều có họ Ngô, họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê… những người lính quân đội Việt Nam Cộng hoà hay quân đội Nhân dân Việt Nam đều là con cháu của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, những người lính của nòi giống Việt Nam. Máu những người lính đi dép cao su và cả máu những người lính đội mũ sắt đã mang lại danh hiệu anh hùng cho Phùng Quang Thanh, đã đưa Thanh lên cấp tướng, lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phải nhớ điều đó để ở vị trí người đứng đầu lực lượng vũ trang của đất nước phải quyết cùng toàn dân giữ gìn, bảo vệ mảnh đất đã thấm đẫm máu trăm dòng họ Việt Nam.
Nhưng thật thất vọng. Trong khi người dân bừng bừng phẫn nộ trước việc Tàu Cộng trắng trợn cướp biển, cướp đảo của lịch sử Việt Nam. Trong khi giặc Tàu Cộng xâm lược hung hãn bắn giết dân Việt Nam dong thuyền đánh cá trên biển Việt Nam thì ông tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm nên nghiệp tướng bằng máu người Việt lại không dành tình cảm cho người Việt Nam giữ nước mà dành tình cảm cho kẻ cướp nước. Ông than thở: “Tôi thấy lo lắng lắm. Không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già đều có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó nguy hiểm cho dân tộc!”.
Chỉ không yêu nước mới không căm thù giặc cướp nước. Tình cảm nồng nàn yêu nước đã cho người dân Việt Nam một thái độ rõ ràng căm phẫn kẻ xâm lược lãnh thổ Việt Nam, một tư thế hiên ngang và một ý chí giữ nước của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi. Máu những người lính Việt Nam đã đưa Phùng Quang Thanh lên hàm tướng, lên Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Phùng Quang Thanh đã làm nhiều việc bộc lộ tâm thế đớn hèn sẵn sàng làm chư hầu cho mưu đồ lăm le xâm lược Việt Nam của Tàu Cộng.
Tên tuổi những anh hùng của đất nước sẽ còn mãi trong lòng người dân Việt Nam, trong tình yêu và lòng tự hào về Tổ quốc Việt Nam. Nhưng Phùng Quang Thanh đã tự xoá tên mình trong lòng người dân Việt Nam.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.