Ta có nên tin các chuyên gia nữa không?
Câu trả lời là có, nhưng các chuyên gia và thường dân đều cần phải thay đổi.
Trịnh Hữu Long
Giữa vô vàn tiếng kêu ai oán về dịch bệnh suốt gần hai năm qua, không khó để nhận ra những lời nặng thì giận dữ, nhẹ thì nghi hoặc được ném về phía các chuyên gia, nhà khoa học.
Tiến sĩ Anthony Fauci trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2020. Ảnh: Kevin Dietsch/ Associated Press.
Ở ta thì có tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh và “nhóm Fulbright” bị mang lên giàn hỏa thiêu của Facebook. Ở Tây thì có tiến sĩ dịch tễ Anthony Fauci người Mỹ, vốn xưa giờ được cho là “đại sư phụ” của ngành này, cũng bị luộc chín không chỉ trên “Phây” mà còn ở các phiên điều trần của Quốc hội.
Cái “tội” của ông Tự Anh là có tên trong một hội đồng tư vấn cho Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vào thời điểm thành phố hứng chịu đợt bùng dịch lớn nhất mà đến nay vẫn chưa ngớt. Còn cái “tội” của ông Fauci là hồi mới có dịch thì bảo thế này, vài tuần vài tháng sau lại bảo thế nọ, rồi rốt cục dịch bùng vẫn bùng, người chết vẫn chết, việc làm ăn kinh doanh đình đốn thì vẫn đình đốn.
Vậy ta có nên tin giới khoa học nữa không?
Một cuốn sách ra mắt hồi tháng Mười năm ngoái, “Ten lessons for a post-pandemic world” (Mười bài học cho thế giới hậu đại dịch), có thể giúp trả lời câu hỏi này. Tác giả là một cái tên quen thuộc với những ai quan tâm tới chính trị học và thời sự quốc tế, hoặc những ai xem CNN: Fareed Zakaria.
Với những ai biết Zakaria, chớ vội đoán là tác giả sẽ bênh chằm chặp những người như Tiến sĩ Fauci. Trái lại, Zakaria dành một chương sách để phân tích một cách có tính phê phán về giới khoa học.
Khoa học là một hành trình khám phá và phủ định liên tục
Để giải thích cho những khuyến cáo y khoa “sáng nắng, chiều mưa” của y giới Mỹ từ đầu đại dịch đến nay, tác giả đưa ra mấy lý do:
Một, nhận định của giới khoa học bị giới hạn trong lượng dữ liệu có thể tin cậy được vào thời điểm họ phát ngôn. Với những dữ liệu ban đầu, ông Fauci cho rằng con virus này không đáng ngại, nhưng khi dịch bệnh tiến triển và có thêm nhiều dữ liệu hơn, ông thay đổi quan điểm của mình và bắt đầu đưa ra những khuyến cáo nghiêm trọng. Đây là điều hoàn toàn bình thường trong khoa học: rất nhiều khi sai và luôn luôn thay đổi dựa trên những dữ liệu mới.
Hai, giới khoa học nhiều khi phải tỏ ra chắc chắn về một thứ chính họ vẫn còn mù mờ. Họ phải nhận định vấn đề và đưa ra khuyến cáo một cách nhanh chóng, gần như ngay lập tức, để chính phủ và công chúng có thể lựa chọn chính sách và cách hành xử phù hợp nhất có thể. Cách tiếp cận này được cho là để đáp ứng những mục đích y tế công cộng như khuyến khích công chúng thực hiện các hướng dẫn phòng dịch nghiêm túc hơn. Khi đó, những phát ngôn của họ đóng vai trò là phương tiện phục vụ cho một mục đích, và họ phải lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
Đến đây, ta thấy chính sách y tế, hay bất kỳ chính sách nào khác, là kết quả giao thoa giữa khoa học và chính trị. Khoa học vốn dĩ phức tạp, tinh vi, nhiều lớp lang, trong khi truyền thông chính trị cần phải đơn giản để đạt được một mức độ đồng thuận cao trong xã hội. Zakaria dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, nói rằng để đạt được mục đích cảnh tỉnh thường dân – vốn chẳng mấy khi quan tâm tới chuyện gì bên ngoài biên giới – về Liên bang Xô-viết, họ đã tuyên truyền về Liên Xô như một mối đe dọa toàn cầu mang tính sống còn với người Mỹ, và rằng phải ngăn chặn mối đe dọa này bằng mọi giá, kể cả phải đảo chính hay gây chiến tranh.
Cách tiếp cận này, theo Zakaria, có thể mang lại những lợi ích ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ làm xói mòn uy tín của khoa học nói chung trong lòng công chúng. Hậu quả là công chúng sẽ bớt tin khoa học và sẽ nhận định tình hình, ví dụ tình hình dịch bệnh, qua nhãn quan chính trị. Đến đây, khoa học sẽ trở thành nạn nhân của một cuộc chiến ý thức hệ, đặc biệt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở khắp nơi trên thế giới.
Nhưng, giới khoa học không hoàn toàn vô tội trong cuộc chiến này.
Sự thống trị của giới tinh hoa
Tác giả Zakaria cho rằng nhìn khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, ta thấy giới chuyên gia, khoa học gia, giới khoa bảng đang thống trị xã hội.
Họ học đại học, nhiều người còn học cao học, học tiến sĩ.
Họ nắm giữ những vị trí béo bở nhất trong các công ty, tổ chức, chính quyền. Thời nay chẳng mấy nơi tuyển những vị trí hấp dẫn mà không đòi ứng viên phải có bằng tối thiểu là đại học.
Họ hưởng mức thu nhập vượt xa mức thu nhập trung vị (median income) của xã hội.
Hay nói cách khác, họ vừa có tiếng, vừa có miếng; họ là lực lượng, là giai cấp có thế lực nhất trong xã hội. Và họ chỉ chiếm cao lắm là 1/3 dân số. Điều đó có nghĩa là 2/3 dân số còn lại có địa vị thấp hơn, thu nhập kém hơn, chịu nhiều khó khăn hơn, và phải phục tùng 1/3 thiểu số tinh hoa.
Điều đó khiến cho đa số 2/3 không vui vẻ gì. Nhưng đó chưa phải là vấn đề duy nhất.
Giới khoa bảng, những người có ăn học trong xã hội, do có một cuộc sống dư dả và thoải mái hơn, hầu hết là ở thành thị, có xu hướng quên mất những nỗi khổ, nỗi đau, nỗi chật vật mà phần còn lại của xã hội phải gánh chịu, chủ yếu là rơi vào dân nghèo thành thị và người ở nông thôn.
Giàu kiến thức nhưng lại nghèo tinh thần thấu cảm, theo tác giả Zakaria, là bệnh phổ biến trong những tầng lớp có ăn học hiện nay ở rất nhiều quốc gia.
Dĩ nhiên, không phải ai trong giới 1/3 cũng vô cảm như vậy, nhưng điều đó không ngăn được phần đông công chúng duy trì một cái nhìn ác cảm với họ.
Và đây là mỏ vàng chính trị của các chính trị gia dân túy.
Ở rất nhiều nơi, các nhà dân túy tranh thủ tâm lý này để gây dựng một phong trào chính trị lật đổ sự thống trị của giới tinh hoa, trong đó có cả các nhà khoa học. Đó là lý do vì sao “đại thần y” Fauci bị rất nhiều chính trị gia, báo, đài lẫn công chúng tấn công trên đủ các loại diễn đàn. Ông đại diện cho giới tinh hoa đang thống trị trong xã hội.
Liên hệ với Việt Nam, ta thấy cách giải thích này không phải không có lý, mặc dù nó ở một chiều kích rất khác so với Mỹ. Giới khoa bảng, có học hàm học vị ở ta lâu nay hầu như làm việc cho các cơ quan chính quyền, phục vụ mục đích của Đảng Cộng sản cầm quyền, có được địa vị, danh tiếng và lợi lộc từ chính quyền, nhưng lại không đóng góp được gì nhiều cho khoa học và gần như hoàn toàn im lặng trước những nỗi oan khiên của công chúng. Mặc dù một số người trong số đó đã can đảm đứng về phía thường dân thấp cổ bé họng và phản biện chính quyền, nhưng điều đó không ngăn công chúng nuôi giữ mối ác cảm đã tích lũy từ nhiều thập niên qua với giới hay được gọi là trí thức này. Đó là một loại ẩn ức. Khi có dịp, ẩn ức đó sẽ biến thành gạch và đá.
Mặc dù nhiều chuyên gia đã tích cực phản biện chính sách chống dịch trong suốt thời gian qua, trong đó có TS. Vũ Thành Tự Anh, nhưng ẩn ức của công chúng với giới khoa bảng Việt Nam dường như quá lớn và sau cùng đẩy ông cùng nhiều đồng nghiệp vào thế bị công kích oan.
Lời giải cho cuộc khủng hoảng của tri thức
Lời giải được nhà báo kiêm học giả Zakaria đưa ra ngay trong tựa đề của chương Bốn của cuốn sách: “Người dân nên lắng nghe chuyên gia – Và chuyên gia cũng nên lắng nghe người dân.”
Trích:
“Thế giới đã trở nên rất phức tạp. Chúng ta sẽ cần nhiều chuyên gia hơn, chứ không phải là ngược lại, để quản lý xã hội – từ đại công ty cho tới các quận hạt nhỏ – đi qua những thời kỳ này. Điều không tránh khỏi là việc này sẽ biến họ thành một kiểu tinh hoa, một nhóm người mà tri thức mang lại cho họ quyền uy lẫn quyền lực.
Giải pháp thay thế [cho các chuyên gia] là không tưởng trong thời hiện đại: quản lý xã hội bằng trực giác và sự vô minh. Điều này đã được thử nghiệm gần đây – ở Mỹ, Brazil, và nhiều nơi khác – với kết quả thảm hại.
Nhưng các chuyên gia và giới tinh hoa nên cố gắng hơn nữa để nghĩ cách kết nối với người dân và đặt nhu cầu của họ ở trước mắt, ở trung tâm. Thất bại lớn nhất về mặt đạo đức của chế độ thực tài là niềm tin rằng thành công của bạn, địa vị cao hơn của bạn trong xã hội, khiến cho bạn cao cấp hơn theo bất kỳ nghĩa nào.”
Lời giải nghe có vẻ… hòa cả làng. Tóm lại là thường dân vẫn phải chịu giới chuyên gia, còn giới chuyên gia thì phải thấu hiểu thường dân hơn.
Bạn có đồng ý với chuyên gia Zakaria không thì tùy. Tôi chỉ sợ rằng khó mà có cách nào hay hơn.
T.H.L.
Nguồn: Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.