Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Gắng sao cho cửa ải đừng thành cửa tử?

 

Gắng sao cho cửa ải đừng thành cửa tử?

Vũ Kim Hạnh

Bản tin "Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.500 học sinh mồ côi do Covid", gây rúng động nhân tâm hôm nay.

Một bạn doanh nhân gọi cho tôi, nghẹn ngào: tang tóc đến quá nhanh, chắc chúng ta phải nhờ các luật sư lo cho tụi nhỏ những vấn đề pháp lý lâu dài, về thừa kế chẳng hạn. Một bạn khác bàn làm sao xoa dịu tâm lý hoảng loạn hay rũ buồn của “tụi nhỏ”. Tôi kể cho các bạn doanh nhân nghe là Vòng Tay Việt cũng đang bàn với Thành đoàn và cơ quan giáo dục về việc này từ suốt tuần qua...Họ nhắc, đừng quên họ. Rau cháo gì cũng đừng bỏ “tụi nhỏ”.

TRONG CÁI KHÓ LÓ NHỮNG CÁI TÂM SÁNG VÌ CỘNG ĐỒNG

Thương quá các bạn doanh nhân của tôi, họ đang hết sức khó khăn lao khổ mà vẫn dốc hết lòng, trút hết túi lo cho người không may, nhất là với những nạn nhân dịch bệnh là “tụi nhỏ”. Lá rách đùm lá nát. Rồi ai lo cho họ, khi sức lực chịu đựng của họ cũng đã chạm ngưỡng?

Hơn ba tháng rồi, mà không, đúng ra là cả gần 2 năm rồi, chuyện sản xuất kinh doanh luôn bất trắc, xáo trộn. Chừng 30% doanh nghiệp làm nổi 3 tại chỗ, và huề được, giữ khách, nuôi lính là may còn hầu hết đều thua lỗ. Công suất còn 30% mà chi phí tăng 50%.

Nặng nề, ám ảnh nhất trong các khoản chi là gì, bạn biết không? XÉT NGHIỆM. Ai có 1.000 công nhân, nay thời giãn cách giỏi lắm còn 400, 3 ngày xét nghiệm một lần, tháng 8 lần, mất 8 ca làm việc và mất luôn 960 triệu đồng. Nhiều xí nghiệp may xuất khẩu hay chế biến thực phẩm như Vissan, 5000 công nhân, là bay 2,5 tỷ mỗi tháng. Khủng khiếp.

Ông bạn làm khoa học và cùng lúc là doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ của tôi cũng đồng cảnh ngộ vậy. Không thể cam chịu, anh cùng tập thể kỹ sư trẻ nghĩ cách tự cứu mình và giúp bạn bè. 

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng, ngoài trời và văn bản cho biết 'Kinhte365'

Ông nói: “Hơn nữa, nghị quyết 105 động viên tụi tôi nhiều”. 

Vâng, giờ tôi xin bật mí. 

Cách đây 4 hôm tôi viết bài không cam tâm...là giải pháp hữu ích của Rynan đang nằm ở Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH và CN và luật sư của anh khuyên anh khoan đưa công thức ra. Trưa nay anh gửi cho tôi bản tóm lược về giải pháp và thúc giục tôi: 

“Chị Hạnh, tôi tặng công trình này cho công đồng doanh nghiệp, tặng phần mềm tính toán luôn, miễn sao bạn bè doanh nhân mình vượt được cái “cửa ải” xét nghiệm”. Mình cứ nói, rằng xong thủ tục với Cục SHTT nhanh nhanh để doanh nghiệp áp dụng, để...cửa ải khỏi thành cửa tử. Và anh Thanh Mỹ đã ký cóp viết xong đây. Tôi đặt hàng là viết sao gọn chỉ một trang A4. Anh Thanh Mỹ nói sẵn sàng livestream hay hội họp trực tuyến hướng dẫn mọi người sử dụng giải pháp này, giảm chi phí giật mình luôn. Sáng mai tôi bật mí tiếp buổi hướng dẫn đầu tiên qua mạng của anh, ngay tối thứ Bảy cuối tuần này:

CNOK - PHƯƠNG THỨC LẤY MẪU XÉT NGHIỆM VIRUS SARS-COV- 2 (Ts. Nguyễn Thanh Mỹ, RYNAN® Technologies Vietnam)

CNOK (C= chính xác, N= nhanh chóng, O= ổn định tâm lý người lao động và K= kinh tế) là phương thức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người bị nhiễm Covid-19 với phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus Sars-CoV-2 dựa trên cơ sở toán học xác suất thống kê nhằm giúp doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “ba tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” phát hiện nhanh với độ chính xác tương đối cao và doanh nghiệp không phải dừng sản xuất để thực hiện.

Để thực hiện phương thức CNOK, doanh nghiệp nên chia người lao động ra thành từng phân tổ (PT) theo công thức dưới đây:

PT ≥ N/C

Trong đó N là số lượng người lao động trong doanh nghiệp và C= 28 ngày là chu kỳ xét nghiệm.

Tiêu chí để chọn người trong mỗi phân tổ là dựa trên mức độ thường xuyên tiếp xúc với nhau hoặc khoảng cách khi làm việc và nghỉ ngơi gần hơn 3 mét.

Bảo vệ, tài xế và những người có mức độ bị lây nhiễm cao nên xếp vào cùng phân tổ gọi là PTHR. Những người còn lại xếp vào những phân tổ có mức độ lây nhiễm bình thường gọi là PTLR.

Mỗi ngày, PTHR sẽ có 2 người được xét nghiệm, chu kỳ lặp lại là 14 ngày. PTLR sẽ có 1 người được xét nghiệm, chu kỳ lặp lại là 28 ngày. 

Nếu xét nghiệm với mẫu gộp 2 (mỗi 1 test kit xét nghiệm 2 người), mỗi ngày PTHR sẽ có 4 người, chu kỳ lặp lại là 7 ngày. PTLR sẽ có 2 người được xét nghiệm, chu kỳ lặp lại là 14 ngày.

Ví dụ 1: doanh nghiệp có 350 người lao động:

PT = 350/28 = 12.5 hay 13, có thể chia thành 12 PTLR và 1 PTHR. 

Như vậy có 12 PTLR chứa tất cả là 336 người. Còn lại, 1 PTHR chứa 14 người.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp có 2,215 người lao động:

PT = 2,215/28 = 79.1 hay 80, có thể chia thành 78 PTLR và 2 PTHR.

Như vậy có 78 PTLR chứa tất cả là 2,184 người. Một PTHR chứa 15 người và 1 PTHR còn lại chứa 16 người.

Nếu số lượng người trong doanh nghiệp có mức độ lây nhiễm cao, có thể tăng số lượng PTHR và giảm số lượng PTLR.

Chúng tôi đã phát triển phần mềm phục vụ TCOVI Web và ứng dụng trên điện thoại di động TCOVI App có thể giúp tự động làm lịch xét nghiệm và thông báo đến người lao động thời gian xét nghiệm thông qua điện thoại di động. Danh sách người đã được xét nghiệm sẽ được cập nhật tự động lên cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Nếu quan tâm, vui lòng liên hệ qua email: rynanvietnam@gmail.com.

(Bởi công thức tính toán rắc rối nên mình không dám viết mà nhờ anh Thanh Mỹ viết. Và rồi chắc mình sẽ post luôn clip hướng dẫn của anh Mỹ luôn).

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.