Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Xa lạ…

 

Xa lạ…

Thái Hạo

13-3-2023

Tôi nhận thấy rằng, phần đông người Việt còn xa lạ với những điều hết sức thông thường, thử nêu vài thứ.

1. Quên mất rằng con cái mình là Con Người. Người ta mặc nhiên rằng đó là vật sở hữu, là “của mình”, “thuộc về mình”, là “không biết gì”. Trẻ con dù là do mình trực tiếp sinh ra và nuôi dưỡng thì cũng dứt khoát không phải là “của mình”. Đứa bé chỉ thuộc về chính nó. Cho nên trong văn bản pháp luật người ta mới gọi cha mẹ là “người giám hộ” chứ không phải “chủ sở hữu”.

Mỗi đứa trẻ là một Con Người với tất cả những quyền và sự thiêng liêng bất khả xâm phạm của nó. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ. Tất cả những cái này đều phải làm theo pháp luật, chứ không phải “chuyện riêng nhà chúng tao”.

Là một Con Người nghĩa là đứa trẻ phải được tôn trọng. Tôn trọng là đòi hỏi căn bản và cũng là cao nhất trong mối quan hệ này. Vì sao lại là tôn trọng? Bởi tình yêu thương con cái là một bản năng mà tạo hóa phú cho muôn loài. Con chó cũng yêu con, yêu đến liều mạng và sẵn sàng chết để bảo vệ những đứa con. Con người không cao hơn con vật ở phương diện này, chỉ có sự tôn trọng mới làm cho người thành người. Cho nên, chớ nhân danh tình yêu con cái để biện minh cho bất kỳ điều gì.

Mỗi đứa trẻ không phải chỉ là con cái của cha mẹ nó; đó còn là một thành viên của xã hội, là một công dân tương lai của quốc gia, cho nên, trách nhiệm được chia ra. Khi cha mẹ không đủ điều kiện hay vi phạm quy định về nuôi dưỡng và bảo vệ thì họ sẽ bị tước quyền nuôi con và trao vào tay xã hội. Đến lúc này nhà nước phải gánh lấy trách nhiệm.

2. Quên mất rằng vợ là một đối tác trong một bản khế ước mang tên hôn nhân. Vợ không phải “của tao”, và tất nhiên chồng cũng không phải “của tôi”. Không ai có quyền sở hữu ai, và vì thế, không ai có quyền áp đặt ai, càng không có quyền “vợ tao tao đánh”.

Khi một trong hai phạm lỗi lầm, nếu không thể bỏ qua thì chấm dứt bản khế ước kia (ly hôn), chứ tuyệt đối không có quyền đánh đập hay bạo hành tinh thần. Dù người ta có sai mười mươi nhưng anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì chính quyền phải có nghĩa vụ bắt giữ anh, và tòa án sẽ làm việc với anh.

Phụ nữ không được nghĩ như Mị, rằng “mình đã là ma nhà nó rồi”. Cũng như trẻ em, phụ nữ chỉ thuộc quyền sở hữu của chính họ (thậm chí điều này cũng chưa chắc lắm, vì quyền tự sát thường không được pháp luật công nhận).

Và cũng như đối với trẻ em, vợ chồng phải tôn trọng nhau, không ai có quyền cai trị kẻ còn lại.

3. Bảo vệ thân thể, danh dự và tự do cho mỗi cá nhân trong xã hội là trách nhiệm của chính quyền. Hãy yêu cầu họ có mặt và thực thi nhiệm vụ nếu mình bị xâm phạm, dù kẻ đó là cha hay chồng. Họ phải làm việc ấy, nếu họ không làm thì đuổi cổ đi. À, nhưng ở VN thì đây phần nhiều là trên lý thuyết, thực tế khác lắm! Tuy vậy, vẫn phải căn cứ trên lý thuyết này để đòi hỏi, ít ra thì cũng lột được chiếc mặt nạ của kẻ nắm quyền vô trách nhiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.