Vì sao Hồ Duy Hải lại bị tình nghi?
Ngô Ngọc Trai
13-3-2023
Khi suy nghĩ đến việc Hồ Duy Hải có thể bị oan, tôi cũng đặt vấn đề ngược lại rằng, vậy thì vì sao Hồ Duy Hải lại bị tình nghi để rồi bị bắt, hẳn là phải có một lý do nguyên cớ nào đấy cho thấy một chút dính dáng liên quan mới khiến cho Hải bị cơ quan điều tra để ý đến.
Theo như thông tin về vụ án thì cơ quan điều tra khi ấy đã căn cứ vào những số điện thoại liên lạc đến bưu điện Cầu Voi thông qua tra cứu danh bạ cuộc gọi của một chiếc máy di động mà hai nữ nhân viên bưu điện vẫn thường sử dụng, khi liên hệ với số máy của một thuê bao thì người này nói rằng Hồ Duy Hải đã cho cậu ta chiếc sim điện thoại đó, khi cho thì trong sim vẫn còn 80 nghìn đồng.
Có thể ai đó cho rằng vì Hải là người gây án cho nên sau đó đã cho đi chiếc SIM điện thoại từng liên lạc tới hai cô gái ở bưu điện như một cách xóa bỏ dấu vết liên quan. Xem những thông tin về vụ án thì tôi chỉ thấy có mỗi lý do này là nguyên cớ dẫn tới việc triệu tập Hồ Duy Hải, ngoài ra không thấy có manh mối nào khác dẫn đến Hồ Duy Hải.
Đến đây tôi lại muốn nói về việc sử dụng sim thẻ điện thoại của những người lứa tuổi của tôi như sau, tôi bắt đầu sử dụng điện thoại di động đâu đó chừng năm 2006 (trong khi vụ án của Hải xảy ra năm 2008) khi ấy như còn nhớ thì các sim thẻ điện thoại được bày bán rất dễ dàng phổ biến ở những cửa hiệu nhỏ gần ngay vỉa hè đường phố.
Khi một người sử dụng muốn mua một chiếc SIM điện thoại thì sẽ được đưa cho một list danh sách các số điện thoại muốn chọn, sau đấy thì người bán sẽ kích hoạt cho mình và chỉ việc sử dụng.
Còn nhớ thời điểm ấy đám thanh niên đôi khi mua một chiếc SIM điện thoại mới chỉ để thực hiện những cuộc gọi miễn phí của nhà mạng rồi sau đó vứt bỏ, nhiều năm sau mới có quy định việc kích hoạt sử dụng sim điện thoại sẽ gắn liền với chứng minh thư nhân dân của chủ thuê bao sử dụng.
Nói như thế để muốn nói rằng ở thời điểm năm 2008 việc sử dụng sim thẻ điện thoại của đám thanh niên là rất thoải mái, cho nên việc cho tặng nhau chiếc SIM điện thoại là điều bình thường và giá trị của sim điện thoại nằm ở số tiền còn sử dụng được, nếu như sim không còn tiền thì cho, không ai người ta thèm nhận.
Cho nên việc Hồ Duy Hải cho đi chiếc SIM điện thoại vẫn còn tiền thì không có gì đặc biệt, nhưng đặt trong bối cảnh khi ấy cơ quan điều tra đang truy tìm thủ phạm thì đó đúng là một dấu hiệu khả nghi dẫn tới việc cần phải triệu tập thẩm vấn. Nhưng cũng nên biết rằng quá trình điều tra một vụ án sẽ có nhiều đối tượng có những dấu hiệu khả nghi và không nhất thiết cứ người nào có dấu hiệu khả nghi thì đúng là thủ phạm.
Tới đây tôi xin kể lại câu chuyện về dấu hiệu khả nghi đã đưa tới việc bắt giữ gây oan trong vụ án của ông Hàn Đức Long như sau.
Tháng 6 năm 2006, vào một buổi chiều ngày hè, một cháu bé 5 tuổi đã bị bắt cóc đưa ra cánh đồng trước nhà hãm hiếp và dìm chết tại mương nước cánh đồng. Sau khoảng 4 tháng điều tra dù đã triệu tập thẩm vấn hàng chục đối tượng tình nghi nhưng vẫn không xác định được thủ phạm, lúc ấy cơ quan điều tra nhận được đơn thư tố cáo của hai mẹ con bà cụ người cùng thôn cùng tố cáo một người hàng xóm là Hàn Đức Long đã từng hiếp dâm mình.
Từ đó ông Long bị triệu tập bắt giam, quá trình điều tra đã khai nhận từng hiếp dâm cả hai mẹ con bà cụ, đồng thời ông Long cũng khai nhận mình là thủ phạm hãm hiếp và giết hại cháu bé 5 tuổi.
Trước đấy, khi mà cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm thủ phạm giết hại cháu bé, mọi động tĩnh bất thường ở địa phương đều được nắm bắt, thì xảy ra một chuyện là vụ xô xát giữa ông Hàn Đức Long và gia đình của hai mẹ con bà cụ kia. Do mâu thuẫn đổ đất ngõ đi chung ông Long đã hành hung ném đá vào người nhà hai mẹ con bà cụ hàng xóm, sự việc này nghiêm trọng đã được công an xã xử phạt buộc ông Long phải bồi thường cho gia đình hai mẹ con bà cụ, sau vụ xô xát này thì hai mẹ con bà cụ đã có đơn thư tố cáo ông Hàn Đức Long hiếp dâm.
Đứng ở góc độ cơ quan điều tra đang truy tìm thủ phạm thì nghi vấn thủ phạm là đàn ông ở địa phương, trong bối cảnh ấy mà ông Long lại gây ra sự vụ xô xát thì không khác nào thu hút sự chú ý vào mình.
Ông Hàn Đức Long đã được xác định là bị oan sau khi đã bị tuyên 4 bản án tử hình trong các giai đoạn xét xử khác nhau. Qua vụ việc này cho tôi kinh nghiệm rằng, việc nắm bắt những dấu hiệu bất thường là một biện pháp nghiệp vụ quan trọng mà trong nhiều trường hợp hẳn đã đưa tới hiệu quả chất lượng trong việc tìm ra được thủ phạm, nhưng điều đó cần được củng cố bổ trợ bằng các chứng cứ xác thực khác cho thấy nghi phạm đúng là thủ phạm.
Thủ phạm chỉ có một trong khi đối tượng tình nghi có những dấu hiệu bất thường thì có nhiều, như thế thì cần hiểu là nhiều trong số đó chỉ đơn thuần là những sự việc độc lập trùng hợp ngẫu nhiên và nhiều người tình nghi không liên quan tới vụ án đang điều tra.
Trở lại với vụ án Hồ Duy Hải, đúng ra khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở việc cho đi chiếc SIM điện thoại, thì đưa Hồ Duy Hải vào diện tình nghi và thẩm tra, nhưng sau khi đối chiếu dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu thập được ở hiện trường thì khi ấy cần xác định [Hải] là người không liên quan, có thể loại bỏ ra khỏi danh sách những đối tượng tình nghi và cần mở ra những hướng điều tra khác để tìm ra thủ phạm.
N.N.T.
Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.