Trung Quốc họp quốc hội: Những chuyển động lớn
9-3-2023
Kỳ họp Quốc hội và Mặt trận tổ quốc thường niên năm nay là một dịp đáng nhớ đối với giới quan sát Trung Quốc. Không chỉ bởi đây là lần cuối ông Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ sau 10 năm triển khai Likonomics mà còn bởi mọi người đều muốn có những thông tin ban đầu về việc Trung Quốc sẽ phát triển theo phương hướng nào sau khi bước vào nhiệm kỳ 3 của ông Tập Cận Bình với nhóm thường vụ Bộ Chính trị đều là các thành viên do ông lựa chọn.
CHÍNH TRỊ: Cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước nói lên điều gì?
Năm 2018, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc ngay sau Đại hội 19 đã thông qua hang loạt quyết định quan trọng liên quan đến bộ máy tổ chúc, trong đó đáng chú ý nhất là việc nâng cấp hang loạt Tiểu ban lãnh đạo (Small Leading Group) lên thành các Uỷ ban trung ương trực thuộc sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trrung Quốc. Trong đó bao gồm:
– Uỷ ban Đi sâu cải cách toàn diện trung ương (nâng cấp từ SLG)
– Uỷ ban Kinh tế tài chính trung ương (nâng cấp từ SLG)
– Uỷ ban Đối ngoại trung ương (nâng cấp từ SLG)
– Uỷ ban Không gian mạng trung ương
– Uỷ ban An ninh quốc gia trung ương
– Uỷ ban Kiểm toán trung ương (mới thành lập)
– Uỷ ban Tích hợp quân sự và dân sự (mới thành lập)
– Uỷ ban Quản trị toàn diện bằng pháp luật (mới thành lập)
Năm nay, HNTW2 khoá 20 ĐCSTQ cũng đã có thảo luận và thông qua “Phương án cải cách bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước”, trình lên Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 3/2023 này. Trong đó có một số dự kiến thay đổi đáng chú ý:
+ Uỷ ban An ninh nội địa: thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ công an và Bộ an ninh quốc gia
+ Uỷ ban Khoa học và Công nghệ: thành lập trên cơ sở tái cấu trúc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) để củng cố quyền hạn và trách nhiệm đồng thời chuyển giao một số trách nhiệm cho các bộ, ngành khác.
+ Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA): thành lập trên cơ sở giải thể Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và nhận chuyển giao một số lĩnh vực nghiệp vụ từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). NFRA sẽ chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ ngành tài chính, ngoại trừ chứng khoán, sẽ vẫn thuộc thẩm quyền của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Vị trí chính thức của NFRA và CSRC cũng sẽ được điều chỉnh để trở thành do Quốc vụ viện trực tiếp quản lý. Sự thay đổi này nâng cao thứ bậc của các cơ quan này và được cho là giúp củng cố quyền lực và chức năng giám sát của chúng. Theo kế hoạch cải cách, NFRA được thành lập “nhằm giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề tồn tại lâu nay trong lĩnh vực tài chính”. Kế hoạch cải cách cũng nêu rõ rằng một số nhiệm vụ của PBOC và CSRC đã được chuyển giao cho NFRA nhằm “tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính, đồng thời tiêu chuẩn hóa hành vi của các sản phẩm và dịch vụ tài chính một cách thống nhất”. Tuy nhiên, vấn đề quản lý hệ thống tài chính sẽ được đặt vào tay Chu Hạc Tân – Thống đốc mới của PBoC – người chỉ có kinh nghiệm làm việc trong hệ thống NHTM Trung Quốc (Ngân hang Xây dựng và Ngân hang Trung Quốc) trước khi chuyển về PBoC. Thành tích nổi bật nhất của ông có lẽ là xử lý các vấn đề nợ xấu và tài sản của tập đoàn bảo hiểm Huarong sau khi tiếp quản.
+ Cục Dữ liệu Quốc gia (National Data Bureau): được thành lập để điều phối và thúc đẩy sự phát triển và sử dụng tài nguyên kỹ thuật số cũng như nền kinh tế kỹ thuật số. Văn phòng mới, sẽ nằm dưới sự quản lý của Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) thuộc Quốc vụ viện. Mặc dù nằm trong hệ thống cơ quan chính phủ nhưng NDB sẽ tiếp nhận các trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban An ninh mạng Trung ương, bao gồm điều phối việc phát triển và chia sẻ các nguồn thông tin quan trọng cũng như thúc đẩy kết nối các nguồn thông tin.
Việc tái cấu trúc hành chính sẽ tiếp tục thể chế hóa sự giám sát của ĐCSTQ đối với việc hoạch định chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực (i) chính sách tài chính, (ii) an ninh quốc gia. Sự xuất hiện của các Uỷ ban trung ương Đảng mới và một số cơ quan bên Chính phủ có thể cho thấy ba tín hiệu chính sách quan trọng:
1. Tăng cường hơn nữa quyền lực, sự giám sát và điều phối của Đảng đối với khu vực chính phủ, nâng tổng số Uỷ ban trung ương lên con số 11 nếu Uỷ ban Sự vụ Hong Kong – Macau được thành lập;
2. Những quan ngại về bất ổn trên thị trường tài chính, đặc biệt là lĩnh vực fintech và bất động sản;
3. Bản chất của những lo ngại này đều liên quan đến sử dụng và kiểm soát dữ liệu.
KINH TẾ: Đâu là rủi ro lớn nhất?
Trong báo cáo công tác năm 2023, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ khoảng 5%. Con số này ít có ý nghĩa về mặt thực tế bởi 5-5,5% dường như đã trở thành mục tiêu chung cho lộ trình tăng trưởng mới của Trung Quốc kể từ năm 2020. Nhưng ngay cả khi tăng trưởng chỉ với 2%/năm thì đến năm 2030, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ có thêm một Indonesia của năm 2021, còn nếu tăng với tốc độ 5% thì lúc đó Trung Quốc sẽ có thêm một Indonesia và Ấn Độ cộng lại. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng không còn là bận tậm chính. Trong khi đó, tốc độ già hoá dân số và suy giảm năng suất lao động đang tạo ra áp lực mới đòi hỏi Trung Quốc phải có một hệ thống đổi mới sáng tạo tốt hơn nữa.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng buổi Học tập tập thể gần đây của 24 Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị nhất để nhắc nhở Bộ Chính trị rằng việc tăng cường nghiên cứu cơ bản là một điều tuyệt đối cần thiết nếu Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường khoa học và công nghệ tự lực cánh sinh. Ông cũng kêu gọi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cơ bản, nhấn mạnh các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an toàn sinh học và công nghệ vũ trụ. Kinh phí nghiên cứu có khả năng tăng lên để Trung Quốc có thể tăng chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản từ 6,3% tổng chi tiêu nghiên cứu vào năm 2022 lên mục tiêu 8% trong Kế hoạch 5 năm hiện tại. Trung Quốc cũng sẽ tài trợ nhiều hơn cho các nhà nghiên cứu nước ngoài và khuyến khích các dự án được thực hiện bởi các chuyên gia ở các quốc gia khác nhau. Một dự thảo ngân sách do Bộ Tài chính trình vào Chủ nhật vừa qua đã đề xuất tăng 2% chi tiêu cho khoa học và công nghệ lên 328 tỷ Nhân dân tệ (47,5 tỷ USD).
Nút thắt cổ chai trong chiến lược phát triển của Trung Quốc là không tự chủ được về công nghệ, chẳng hạn sản xuất chip. Vì thế, sau khi cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung gia tăng, Trung Quốc đã phải đề cao tự chủ công nghệ và tự lực cánh sinh. Nhưng chiến thuật này ngày càng khó triển khai khi Mỹ cũng ráo riết bủa vây Trung Quốc bằng các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ và gần đây nhất là hình thành các liên minh giữa các quốc gia sản xuất chip.
Hà Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tham gia nỗ lực này của Mỹ. Thông báo của Hà Lan được đưa ra chỉ hơn một tháng sau một thỏa thuận với Washington nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chất bán dẫn, sau nhiều tháng vận động hành lang của phía Mỹ. Trong một tuyên bố, ASML – nhà sản xuất máy quang khắc hàng đầu thế giới – cho biết các hạn chế mới sẽ yêu cầu công ty phải xin giấy phép xuất khẩu để vận chuyển các hệ thống DUV “tiên tiến nhất” của mình. Trung Quốc chiếm khoảng 15% doanh số bán hàng của ASML vào năm 2022. Công ty đã bán được số máy DUV trị giá hơn 8 tỷ euro (8,44 tỷ USD) cho khách hàng ở Trung Quốc kể từ năm 2014. ASML và Tokyo Electron của Nhật Bản đều là những nhà xuất khẩu máy sản xuất chip lớn tới Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 1/3 doanh số bán thiết bị do Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài vào năm ngoái. Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc đã giảm 27% về số lượng trong hai tháng đầu năm nay. Mức giảm 15% trong nhập khẩu năm ngoái là mức giảm hàng năm đầu tiên trong hai thập kỷ.
Những lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ chắc chắn khiến nhiều đồng minh châu Âu và châu Á lâm vào tình thế bối rối và thiệt hại về mặt thương mại, nhưng đối với Trung Quốc, một chiến lược tự chủ hoàn toàn về chuỗi cung ứng chip cũng là một vạn lý trường thành.
Bởi lẽ, chi phí quá lớn và độ phức tạp về công nghệ khiến việc tự chủ một chuỗi cung ứng bán dẫn là điều bất khả thi. Trung Quốc đã thành lập hẳn một quỹ đầu tư cho lĩnh vực này (The Big Fund) nhưng không ai đảm bảo rằng nguồn vốn từ quỹ sẽ đi đúng vào các trọng tâm của lĩnh vực chế tạo chip. Kể từ năm 2014, trong số 98,72 tỷ NDT do Big Fund huy động được thì có 30 tỷ dành cho việc mở rộng các xưởng đúc và 20 tỷ dành cho thiết kế mạch tích hợp, cả hai đều vẫn dựa vào các công nghệ phương Tây sẵn có để phát triển. Chỉ một phần nhỏ của khoản đầu tư dành cho thiết bị và vật liệu. Theo danh sách chi tiết các khoản đầu tư từ giai đoạn đầu của Big Fund, chỉ có khoảng 1,3 tỷ NDT dành cho các công ty thiết bị và khoảng 1,4 tỷ NDT dành cho các công ty nghiên cứu về khoa học vật liệu. Tương tự, vào tháng 3 năm 2020, một cuộc điều tra toàn diện hơn sử dụng nền tảng điều tra dữ liệu của Trung Quốc Tianyancha (天眼查) đã phát hiện ra rằng chỉ 6% vốn Big Fund được dùng cho nghiên cứu vật liệu và thiết bị còn 70% được dùng cho chế tạo, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài cho các sản phẩm cao cấp. Làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu từ năm 2019 dường như cũng không coi trọng nghiên cứu cơ bản. Nó đã đầu tư vào việc tích hợp các nhà cung cấp thượng nguồn và các ứng dụng hạ nguồn, thường ở dạng kết nối các khu vực của ngành công nghiệp bán dẫn (chẳng hạn như Vành đai kinh tế sông Dương Tử) và các khu công nghiệp. Tóm lại, Big Fund chủ yếu dành cho khía cạnh ứng dụng và sản xuất của chất bán dẫn, trái ngược với khía cạnh khoa học cơ bản sẽ nắm giữ chìa khóa cho sự đổi mới ban đầu và những đột phá bản địa.
Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), công ty chip lớn nhất của Trung Quốc, đã đạt được bước đột phá trong quy trình gần 7nm bằng cách sử dụng các máy sản xuất công cụ tia cực tím sâu (DUV) cũ mua lại từ Hà Lan. Nhưng những hình thức đổi mới cấp thấp hơn này thường xuyên gặp phải các nút thắt cổ chai vì chúng là những giải pháp tạm thời cho vấn đề cơ bản là không có đủ công nghệ cơ bản. Các chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu bước đột phá của SMIC có thể được duy trì hoặc mở rộng quy mô sản xuất bằng DUV cho chip thương mại hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.