Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Uk đối mặt cùng lúc hai cuộc chiến

 

Ukraine đối mặt cùng lúc hai cuộc chiến

Vũ Hoàng (Theo Guardian)

Trong khi dồn sức đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Ukraine còn phải tiến hành cuộc chiến cam go không kém, đối phó nạn tham nhũng trong nước.

Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/2 công bố sắc lệnh cách chức Phó tư lệnh Vệ binh Quốc gia Ruslan Dzyuba. Đây là động thái thay đổi lãnh đạo mới nhất trong chính quyền của ông Zelensky và được cho là nỗ lực chống lại nạn tham nhũng, cải cách thể chế để tạo điều kiện cho đất nước gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chiến dịch quân sự Nga đang phát động là mối đe dọa đối với Ukraine, nhưng nạn tham nhũng nội bộ cũng là thách thức rất lớn, bởi nó vừa làm suy yếu sức mạnh đất nước, vừa cản trở mục tiêu gia nhập EU của Kiev. Để được kết nạp vào liên minh, Ukraine phải tiến hành những cải tổ lớn, trong đó chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu.

"Diệt trừ tham nhũng thực sự là vấn đề sinh tử với Ukraine", Orysia Lutsevych, người đứng đầu Diễn đàn Ukraine tại Chatham House, tổ chức nghiên cứu hàng đầu nước Anh, trụ sở tại London, nhận định.

Giới quan sát cho rằng làm xói mòn lòng tin quốc tế đối với chính phủ Ukraine là một trong những mục tiêu chính của Nga, với hy vọng rằng điều này có thể kìm hãm hỗ trợ về cả vật chất lẫn chính trị mà phương Tây dành cho Kiev.

Một số quan chức cấp cao của Ukraine, trong đó có Kyrylo Tymoshenko, phó chánh văn phòng tổng thống, đã bị cách chức tháng trước, chủ yếu do tham nhũng. Nhiều quan chức cấp thứ trưởng đã bị yêu cầu từ chức trong những tuần gần đây.

clip_image001

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 25/1. Ảnh: Reuters.

Những câu chuyện rằng chính quyền Ukraine là một mớ hỗn độn, không thể cải tổ và hoàn toàn thất bại từ lâu đã là thông điệp tuyên truyền chính mà Điện Kremlin phát đi. Trong bài phát biểu trước khi phát động chiến dịch quân sự hồi tháng hai năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói bất chấp nỗ lực của chính quyền Ukraine, "tham nhũng vẫn tràn lan và đang nở rộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui gần đây đã gây chấn động dư luận Ukraine. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy một hợp đồng mua sắm thực phẩm trị giá 350 triệu USD do Bộ Quốc phòng Ukraine ký đã bị "thổi giá". Ở một cơ quan khác, Thứ trưởng Phát triển Cộng đồng, Lãnh thổ và Hạ tầng Vasyl Lozynkiy bị cáo buộc tội bòn rút tiền từ ngân sách viện trợ mùa đông.

Theo giới quan sát, giờ đây, mọi ánh mắt ở cả trong Ukraine và nước ngoài đều sẽ đổ dồn vào phản ứng của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky và các cơ quan thực thi pháp luật đối với tình trạng tham nhũng.

clip_image002

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Vyacheslav Shapovalov, người từ chức hôm 24/1 vì bê bối tham nhũng tại Bộ Quốc phòng. Ảnh: AP.

Việc Thứ trưởng Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov từ chức được coi là một khởi đầu tốt cho chiến dịch chống tham nhũng, và cũng là động thái chưa từng có tiền lệ ở Ukraine. Shapovalov quyết định từ chức dù quan chức cấp trung phụ trách hợp đồng đã bị sa thải và ông nhiều khả năng không dính líu đến vụ tham nhũng tại cơ quan của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cũng đã phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội về vụ bê bối. Cục Chống Tham nhũng Quốc gia (NABU) đã bắt đầu điều tra từ trước khi sự việc được công khai. Nếu các cáo buộc là đúng, vụ án sẽ được chuyển lên Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao (HACC) để xét xử.

Trong sự việc này, phản ứng của Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov được cho là kém quyết liệt hơn. Nhà báo điều tra Yuri Nikolov, người phanh phui vụ tham nhũng, cho biết ông đã liên hệ với cả Văn phòng Tổng thống và Bộ Quốc phòng hồi đầu tháng một, nhưng đều không nhận được câu trả lời.

Sau khi thông tin về vụ tham nhũng được công khai, ông Reznikov đã viết một bài đăng trên Facebook, giải thích rằng hợp đồng bị thổi giá này là do "lỗi kỹ thuật" và tuyên bố rằng việc nhà báo Nikolov công bố thông tin về vụ tham nhũng đã "làm xói mòn đoàn kết trong nước cũng như lòng tin của các đối tác quốc tế".

Tổng thống Zelensky đã trấn an người dân Ukraine rằng sự việc sẽ được điều tra kỹ lưỡng nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới tất cả cả bên. Dù vậy, theo chuyên gia Lutsevych từ Chatham House, công chúng Ukraine và các đối tác nên theo dõi hành động cụ thể của chính phủ Ukraine, chứ không phải các tuyên bố.

"Họ phải cho thấy bản thân có thể ngăn chặn nạn tham nhũng nếu muốn duy trì động lực của mình trong xung đột với Nga", ông lưu ý. "Bất kỳ nhận thức nào cho rằng Ukraine đang quay trở lại những ngày xưa tồi tệ với tình trạng tham nhũng tràn lan đều sẽ đe dọa nguồn viện trợ, cả về kinh tế lẫn quân sự".

"Tin tốt là, ngay cả giữa xung đột, các cơ quan, tổ chức ở Ukraine vẫn làm việc để vạch trần nạn tham nhũng. Chúng ta có thể chắc chắn rằng họ sẽ theo dõi tiến trình điều tra và các phán quyết của tòa án", ông nói thêm.

Là một phần trong nỗ lực cải cách chống tham nhũng, Ukraine từ năm 2014 thành lập các cơ quan mới như NABU và HACC, do những chuyên gia được bổ nhiệm độc lập với cơ quan hành pháp đứng đầu. Từ đó đến nay, liên minh ủng hộ cải cách của Ukraine đã nỗ lực để bảo vệ các cơ quan trên khỏi những tác động không đáng có.

Hệ thống mua sắm công kỹ thuật số ProZorro đã được Ukraine xây dựng, cho phép các nhóm chống tham nhũng xem chi tiết mọi hợp đồng mua sắm để phát hiện dấu hiệu tham nhũng. Ukraine cũng đã ngừng mua khí đốt từ Nga thông qua các trung gian tư nhân, từ lâu đã được coi là nguồn tham nhũng chính.

"Gót chân Achilles" của các nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine vẫn nằm ở hệ thống tòa án chưa được cải cách. Tình hình được cải thiện một phần sau khi Ukraine thành lập một tòa án chống tham nhũng. Năm 2022, tòa án này đã kết án 33 vụ và chuyển gần 33,4 triệu USD tiền thu hồi được cũng như tài sản bị tịch thu để hỗ trợ lực lượng vũ trang.

clip_image004

Thứ trưởng Phát triển Cộng đồng, Lãnh thổ và Hạ tầng Ukraine Vasyl Lozynkiy. Ảnh: RBCU.

Dù vậy, xung đột quân sự với Nga cũng đặt ra hàng loạt hạn chế mới đối với những người chống tham nhũng. Thiết quân luật hạn chế quyền tiếp cận thông tin công khai và chính phủ đã hủy những cuộc đấu thầu mua sắm. Việc công khai thông tin bắt đầu bị hạn chế trên tất cả các cơ quan chính phủ, làm suy yếu nỗ lực minh bạch hóa. Với khoảng 50% ngân sách được Ukraine phân bổ cho quốc phòng, an ninh, nguy cơ thất thu ngân sách ngày càng cao, chuyên gia đánh giá.

Cho đến nay, người dân Ukraine vẫn tin tưởng Tổng thống Zelensky trong nỗ lực dẫn dắt cuộc chiến chống Nga, nhưng họ cũng ủng hộ việc giám sát các quỹ viện trợ từ nước ngoài. 

Một cuộc thăm dò hồi tháng 11 cho thấy 55% người Ukraine cảm thấy rằng các dự án tái thiết nên được giám sát bởi các nhà tài trợ bên ngoài. Họ cũng tin rằng các quan chức đã quen với lề lối cũ phải được thay thế bằng những công chức mới, vô tư và nghiêm chỉnh tuân thủ quy định.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine còn lâu mới kết thúc. Tuy nhiên, giống như nhiều người đã đánh giá thấp khả năng kháng cự của Kiev trước Moskva, không ít người cũng đang nhận định sai sức mạnh phong trào chống tham nhũng cũng như quy mô những thay đổi trong 8 năm qua tại nước này, Lutsevych lưu ý.

"Những người dân Ukraine đã quyên góp cho lực lượng vũ trang trong nỗ lực kháng cự Nga sẽ không khoan dung với tham nhũng. Đơn giản bởi họ không thể để các nguồn lực công bị lãng phí. Họ sẽ cổ vũ các quan chức chính phủ trên mặt trận chống tham nhũng", ông nhấn mạnh.

V.H.

Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.