Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Trịnh Xuân Thanh vẫn là “nghi phạm kép“ về rửa tiền tại Đức

 

Trịnh Xuân Thanh vẫn là “nghi phạm kép“ về rửa tiền tại Đức

Diễn đàn Thế Kỷ

Võ Thị Hảo

8-2-2023

Mỹ, Đức…là “thiên đường“ cho quan tham Việt Nam?

Quan tham Việt Nam thời toàn cầu hóa“ đã khác hẳn trước đây. Mức độ táo tợn, tàn bạo và năng lực hủy diệt đất nước của chúng tăng lên đến hàng triệu lần. Nguyên do là vì khả năng thoát thân của chúng rất lớn. Khi các cơ quan hữu trách phòng chống tội phạm cố tình bỏ qua hoặc do thiếu năng lực, đám quan tham thừa khả năng để liên kết thành các nhóm lợi ích, các tổ chức tội phạm rửa tiền trong nước và quốc tế. Chúng biến những nước như Mỹ, Đức, Canada…trở thành “thiên đường“ cho riêng chúng và gia đình an vui tận hưởng thậm chí đến nhiều đời chưa hết số tiền chúng trộm cướp được của người dân VN.

Trang báo VOV online đưa tin tổng kết từ chuyên gia Interpol cho biết: một số tội phạm – đặc biệt tội phạm liên quan về chức vụ, tham nhũng, kinh tế…, trước khi bỏ trốn ra nước ngoài đã mang theo khối tài sản rất lớn. Những đối tượng này tẩu tán tài sản dưới danh nghĩa lập các công ty, ký các hợp đồng làm ăn với nước ngoài (rửa tiền).

Hiện nay với nguồn thông tin đa dạng về dịch vụ hỗ trợ cách chuyển tiền, hướng dẫn đầu tư để xin thẻ định cư, cách bảo mật thông tin… các đối tượng khi có dự tính ra nước ngoài sẽ có chuẩn bị trước.

Các đối tượng tẩu tán tài sản thường lợi dụng việc mua sắm quốc tế, đầu tư ra nước ngoài để núp bóng chuyển số tiền lớn ra khỏi Việt Nam. Các đối tượng thường lập công ty ở các quốc gia, vùng lãnh thổ vốn là thiên đường trốn thuế” – luật sư Nông nói.

Khi đó, các đối tượng tiếp tục sử dụng để đầu tư vào các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Canada, Đức…) để hưởng quy chế định cư dài hạn và hợp pháp. Họ tìm cách chuyển tiền bằng việc đầu tư, mua cổ phiếu, đưa con cháu đi du học ở nước dự tính định cư… Khi đó, đối tượng cũng đã có nền tảng, có vỏ bọc nhà đầu tư và được pháp luật bảo vệ tài sản của họ… (Theo https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/tai-san-quan-tham-tau-tan-ra-nuoc-ngoai-lieu-co-de-thu-hoi-552593.vov).

Sự bất lực hay tiếp tay, làm ngơ trong việc thu hồi tài sản “trộm cướp“?

Nhiệm vụ của các cơ quan hữu trách Việt Nam là phải thu hồi số tài sản “bẩn” của đám “đại trộm cướp“ này, bên cạnh việc phải truy tố, dẫn độ những kẻ đó về chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam. Nhưng trên thực tế, Việt Nam gần như không thể thu hồi số tài sản nói trên, bởi rất khó để chứng minh và cần quá trình điều tra công phu, phối hợp giữa cảnh sát và cơ quan có thẩm quyền của hai nước để thu hồi số tài sản bất minh đó.

Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn – Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, nếu Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can thì có quyền ra quyết định kê biên tài sản.

Với những đối tượng chưa ra quyết định khởi tố, cơ quan chức năng phải chứng minh được những tài sản ở nước ngoài là do phạm tội mà có được. Việc này trên thực tế rất khó để chứng minh.

Trong một số trường hợp, việc thu hồi tài sản tẩu tán hết sức khó khăn nếu đối tượng bị truy nã và tài sản tẩu tán đang ở một nước mà Việt Nam không ký hiệp định tương trợ tư pháp. Mỹ, Đức và nhiều nước khác đều chưa ký Hiệp định dẫn độ với Việt Nam và vô tình trở thành “thiên đường“ cho đám quan tham!

Trịnh Xuân Thanh – “nghi phạm kép” liên quan đến việc “rửa tiền, tẩu tán tài sản“ sang Đức ngay từ năm 2013?

Tòa án Thượng thẩm Berlin, vào ngày 30.1.2023 đã kết án ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, cư ngụ ở Praha (Cộng hoà Séc), với mức án năm năm tù vì tham gia cùng một nhóm mật vụ Việt Nam tiến hành bắt cóc đảng viên cộng sản, cựu Tổng Giám đốc, cựu Phó chủ tịch tỉnh kiêm đại biểu Quốc hội Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi cuối tháng 7 năm 2017.

Tay lái xe này là người thứ hai trong nhóm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị xử tù tại Đức. Trước đây, Nguyễn Hải Long cũng tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chịu mức án nhẹ hơn vì đã chịu nhận tội.

Câu hỏi rất nhiều người quan tâm là, nếu được trở lại Đức, Trịnh Xuân Thanh có thể an lành tận hưởng khối tài sản khổng lồ được cho là nhiều triệu EUR – mà tòa án Việt Nam tuyên án là do tham ô, nhận hối lộ… mà có được hay không? Và nếu Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức, thì sẽ là một sự cổ vũ mạnh mẽ cho quan tham Việt Nam yên tâm tiếp tục trộm cướp của nhân dân.

Vấn đề không đơn giản. Theo cơ quan cảnh sát hình sự Berlin công bố với báo chí và tòa án tại phiên tòa xử mật vụ Nguyễn Hải Long trước đây, Trịnh Xuân Thanh vẫn là một nghi phạm tại Đức.

Theo thông tin trong bài “Doppenverdächtig” (nghĩa tiếng Việt là: Nghi phạm kép), đăng trên Tạp chí Focus (Tiêu điểm) của Đức, số ra ngày 28.4.2018, của nhà báo Rackow Alexander-Georg, Trịnh Xuân Thanh là một “nghi phạm kép” tại Đức.

Nội dung bài báo, tạm lược dịch là: Người đàn ông 52 tuổi sống ẩn dật cùng vợ ở thủ đô – cho đến khi ông bị bắt cóc lúc đang gặp người tình bí mật… Điều mà trước đây ít ai biết: Trịnh Xuân Thanh và vợ cũng đã lọt vào tầm ngắm của các nhà điều tra Đức trong nhiều năm. Văn phòng Cảnh sát Hình sự Nhà nước (LKA) ở Berlin đã nhận được tin báo đầu tiên vào năm 2013… Một tài khoản mà vợ ông đã mở với Sparkasse KölnBonn nhiều năm trước chuyến bay đã nhận được 635.000 euro …

Các quan chức Berlin cũng tìm thấy các giao dịch bất động sản trị giá hàng triệu USD của cặp vợ chồng này. Một danh sách về các tài khoản tại Đức của cả hai lấp đầy mười trang giấy… Các nhà điều tra ở North Rhine-Westphalia cũng đã biết về cặp đôi này. Văn phòng công tố viên ở Cologne cũng điều tra hành vi rửa tiền. 530.000 euro chảy ngược vào tài khoản ở Sparkasse KölnBonn, người gửi cũng là L…

Đối với người phát ngôn chính sách đối nội của FDP Berlin, Marcel Luthe, các giao dịch của cặp đôi này cho thấy, họ có mối liên hệ với tội phạm có tổ chức. “Chúng ta phải giả định rằng họ có những liên kết rõ ràng với các tập đoàn tội phạm Việt Nam“, Luthe nói.

Ảnh chụp tạp chí Focus và bài báo

Trên đây là những thông tin rất quan trọng về Trịnh Xuân Thanh.

Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những người tham gia viết bài về Trịnh Xuân Thanh tại Đức lại bỏ qua vấn đề này. Thậm chí, một số người còn tô vẽ cho Trịnh Xuân Thanh như là một quan chức – đảng viên bị đàn áp đến mức phải trốn sang Đức để được tị nạn chính trị chỉ vì ông ta có khuynh hướng cải cách doanh nghiệp theo phương Tây.

Cũng như theo thông tin công khai, logic và các chứng cứ về quá trình thăng tiến cũng như diễn biến tại tòa án Việt Nam của Trịnh Xuân Thanh, thì ông ta không hề bị Việt Nam đàn áp chính trị vì cải cách theo khuynh hướng phương Tây khi đang tại vị ở Việt Nam như một số thông tin trên mạng và một vài  tờ báo Đức đã đưa tin.

Trên thực tế, Trịnh Xuân Thanh là đảng viên, liên tục thăng quan tiến chức ở những vị trí ngày càng quan trọng, trước khi bị truy tố đã giữ chức rất lớn là Phó Chủ tịch tỉnh, đại biểu quốc hội. (Theo https://nhadautu.vn/trinh-xuan-thanh-hanh-thong-quan-lo-den-sai-pham-ngan-ty-va-tham-o-tai-san-d2127.html).

Nhân cách một quan tham, đương nhiên ở mức quá thấp so với người bình thường, đương nhiên không thể so sánh với sự hiên ngang bất khuất của những người bất đồng chính kiến lên tiếng vì công lý và sự thật.

Tại phiên tòa ngày 17.01.2022, theo truyền thông Việt Nam đã đưa tin kèm video minh chứng, Trịnh Xuân Thanh đã òa khóc nức nở, khi được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án: “Bị cáo rất ân hận, rất hối hận. Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con”. Đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh cũng cảm thấy ân hận vì bỏ trốn sang Đức và viết thư phản bác Bộ Chính trị… (theo https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/apology-of-communist-officials-01192018074111.html).

Liệu ai có thể tin, khi nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã có những ý thức và hành động phản đối lại Bộ Chính trị Việt Nam ngay từ trong nước nên ông ta mới bị Việt Nam trả thù?! Phải chăng đó chỉ là sự thêu dệt để Trịnh Xuân Thanh lấy cớ xin tị nạn chính trị tại CHLB Đức?

Phê phán việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là đúng và cần làm, nhưng “tẩy trắng” cho một quan tham lại là không tôn trọng sự thật, tàn nhẫn với người Việt Nam đang là nạn nhân khốn cùng của nạn tham nhũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.