Tổng Trọng lâm nguy- phần 3.
.................
Ngày 7 tháng 2 năm 2023, một hôm sau hội nghị của ông Trọng chủ trì tiếp các nguyên lãnh đạo, bà Trương Thị Mai trưởng ban tổ chức trung ương chủ trì họp Tiểu ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ.
Đáng chú ý thành phần họp có thay đổi so với lần trước cách đây 8 tháng, ở cuộc họp tháng 6 năm 2022 của tiểu ban này chỉ có ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Trọng Nghĩa thì lần hôm qua có mặt đại tướng công an Tô Lâm và đại tướng quân đội Lương Cường.
Sự có mặt của 2 đại tướng vũ trang, 2 uỷ viên BCT trong một cuộc họp của một tiểu ban, cho thấy cuộc thảo luận lần này của tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương có phần phức tạp hơn so với mọi lần, nhất là nó diễn ra, ngay sau khi ông Trọng mở lời trông cậy vào các nguyên lãnh đạo về hưu góp ý và sát cánh bên cạnh ông.
Dưới quyền của tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ là Cục bảo vệ chính trị nội bộ.
Bảo vệ chính trị nội bộ là theo dõi quan điểm tư tưởng của các cán bộ, bảo vệ sự đoàn kết nội bộ trong đảng, ngăn chặn các âm mưu chống phá.
Vậy phải chăng đang có những diễn biến tư tưởng của một số cán bộ, có sự chia rẽ gây mất đoàn kết và tất cả điều này nằm trong một âm mưu chống phá, vì thế tiểu ban phải họp và cần đến sự có mặt của 2 vị đại tướng công an và quân đội tham gia.
Hơn một tháng trước, cục trưởng cục bảo vệ chính trị nội bộ Phan Thăng An được điều lên làm phó ban tổ chức trung ương, ban này đang có 6 phó, thêm ông An làm 7.
Ông An người Quảng Nam, ngoài 30 tuổi ông đã làm chủ tịch rồi bí thư huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 2011 được kéo ra trung ương và đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng là đánh giá tư tưởng của những cán bộ nguồn, bao gồm cả thân nhân của những cán bộ nguồn.
Thay thế ông An là ông Nguyễn Kim Minh nhận chức cục này ngày 10 tháng 1 năm 2023.
Việc thay thế ông cục trưởng cục bảo vệ chính trị nội bộ người Quảng Nam và cuộc họp tiểu ban bảo vệ chính trị có 2 đại tướng tham gia có thể là một sự tính toán phòng thủ của ông Trọng, nhằm ngăn chặn luồng tư tưởng bất mãn với ông được khởi xướng từ những người Quảng Nam và chiến hữu của họ.
Sau cuộc gặp gỡ của ông Tư Sang với cánh báo chí trước Tết, nhiều kols sau đó đã viết những bài phê phán rất nặng nề, cay độc quy kết sự độc tài , tham nhũng quyền lực của ông Trọng.
Trước đây khi ông Trọng dùng sự độc tài quyền lực này để bắt và xử tội Đinh La Thăng hay cánh công an Ninh Bình, chính những klos này ủng hộ, tung hô ông và cho rằng đất nước cần người như ông Trọng để tiêu diệt tham nhũng.
Nằm mơ cũng không nghĩ rằng Hoàng Hải Vân đệ tử của Nguyễn Công Khế mới ngày nào còn một điều, hai điều cụ Trọng chống tham nhũng tuyệt vời, giờ lại qua ngoắt ám chỉ ông là hôn quân, còn đòi ông phải chịu trách nhiệm người đứng đầu với ông Phúc, hoặc Lưu Trọng Văn một ngày đầu xuân lớn tiếng chửi ông Trọng là kẻ tham nhũng quyền lực. Rồi Trương Huy San phê phán chống tham nhũng không thể chỉ một người, như thế là phi tiến bộ, kết quả rồi chẳng vào đâu.
Đánh giá công bằng thì những đòi hỏi của Văn, Sánh, San...đều đúng đắn và tiến bộ. Đó là đòi hỏi sự dân chủ, minh bạch và công bằng. Nhưng chỉ hơi tiếc là đến khi người phe đối thủ bị hại thì chúng không đề cập đến, khi người phe chúng bị thất sủng thì chúng lên tiếng đòi.
Đánh giá những việc làm của ông Trọng là rất có tâm trên cương vị người cộng sản, ở vị trí lãnh đạo, ông muốn làm trong sạch đảng và loại bỏ tất cả những kẻ nào tham nhũng ( nếu như ông có thể). Chưa có lãnh đạo nào tống được nhiều quan tham vào tù như ông trong lịch sử đảng CSVN từ trước đến nay, và còn có thể là sau này nữa. Ông tương tự như Ung Chính của nhà Thanh, chấp nhận tai tiếng để quét sạch quan lại tham nhũng, kể cả công thần như Long Khoa Đa, Niên Canh Nghiêu. Nhưng dù sao ông cũng vẫn là một lãnh đạo cộng sản độc tài, cuồng tín với thứ chủ nghĩa lỗi thời, phi dân chủ, phi tiến bộ.
Cuộc dấy binh của Trương Tấn Sang cùng các đàn em nếu thành công, hất đổ được ông Trọng và thay thế bằng một lãnh đạo mới, chắc chắn sẽ dễ thở hơn cho nhiều quan chức đang nơm nớp chẳng dám quyết định điều gì vì sợ bị bỏ lò. Nhưng đất nước có dân chủ, có tự do ngôn luận hơn hay không thì thực tình không phải vì ghét đám tay chân của Tư Sang mà tôi có thành kiến, đây là việc cần đánh giá khách quan, công tâm của một người bình luận.
Tôi cho rằng sự thay đổi tiến bộ sẽ là 50/50. Dù sao bọn Khế, San, Sánh, Văn...còn nhiều lúc bộ lộ quan điểm đòi hỏi dân chủ, dù có lúc là chiêu bài để tranh đoạt quyền lực. Nhưng còn hơn thời ông Trọng với những bọn dư luận viên cuồng tín đến ngu xuẩn và còn khát máu nữa.
Liệu ông Trọng có ngăn chặn thành công, hay ông Sang sẽ làm cuộc lật đổ ngoạn mục?
Chúng ta còn phải xem diễn biến của hai bên.
Bùi Thanh Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.