Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Tổng thống Đức cùng một đoàn doanh nghiệp bãi bỏ chuyến thăm Việt Nam

 

Tổng thống Đức cùng một đoàn doanh nghiệp bãi bỏ chuyến thăm Việt Nam

Thục Quyên

15-2-2023

Sau cuộc viếng thăm đầu tháng 11-2022 của Thái tử và Công nương Đan Mạch, dẫn đầu hơn 30 doanh nghiệp đến Việt Nam với chủ đề “Chung tay kiến tạo tương lai xanh hơn’’, thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nhanh chóng ghé thăm Hà Nội trên đường đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia, để nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Đức-Việt, cũng như trình bày một kế hoạch hành động với các dự án chung quan trọng (1).

Hai cuộc viếng thăm từ Đan Mạch và Đức đánh dấu thời điểm bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Âu châu với ASEAN: Tăng cường sự có mặt và hợp tác thương mại của Âu châu tại Á châu, hầu nới lỏng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tháng 12-2022, văn phòng Tổng thống Cộng Hoà Liên Bang Đức đã chính thức yêu cầu Ủy ban Châu Á-Thái Bình Dương các Doanh nghiệp Đức (Asien-Pazifik-Ausschuss APA) thăm dò và sửa soạn thành lập một phái đoàn doanh nghiệp gồm các đại diện công ty cỡ lớn và cỡ trung bình, đặc biệt những đại diện thuộc phái nữ, để tháp tùng Tổng thống Frank Steinmeier trong chuyến công du của ông tại Việt Nam và Mã Lai dự định từ ngày 13-2 tới 19-2-2023 (2).

Việt Nam bị thay thế bằng Campuchia (3)

Tuy văn phòng Tổng thống Đức không đưa ra lý do, Campuchia  đã được đưa vào lịch trình của Tổng thống Steinmeier sau khi chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Việt Nam bị hủy bỏ, ngay sau một chấn động chính trị ở Hà Nội: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ chức trong bối cảnh các cấp phó của ông bị buộc đồng loạt từ chức, do bê bối tham nhũng liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của nhà nước, do Đảng Cộng sản cầm quyền.

Ông Phúc đã từng nhiều lần gặp gỡ TT Steinmeier, từ chuyến thăm Hà Nội năm 2016 khi ông Steinmeir còn là ngoại trưởng Đức, và ông  Phúc lúc đó vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng Việt Nam. Sau đó, năm 2017, ông Phúc đã được TT Steinmeier tiếp đón tại Schloss Bellevue – dinh tổng thống Đức – chỉ khoảng nửa tháng trước khi một sự cố ngoại giao lớn nổ ra, liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức, trong khi bị truy nã về tội tham nhũng tại Việt Nam.

Ảnh: Tổng thống Đức Steinmeier tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại TP Berlin ngày 6-7-2017. Nguồn: TTXVN

Mặc dù bà Võ Thị Xuân Anh đang giữ quyền chủ tịch nước Việt Nam, vị trí chính thức sẽ vẫn bị bỏ trống cho đến sớm nhất là tháng 5, khi Quốc hội độc đảng triệu tập. Một trong những ứng cử viên tiềm năng là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, là người đã bị các công tố viên và thẩm phán Đức nhắc tới trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại công viên Tiergarten, ngay trung tâm chính trị của Berlin, cách dinh tổng thống 550 m. Tô Lâm bị cho là đã trực tiếp có mặt tại Slovakia để mượn máy bay đem Trịnh Xuân Thanh qua ngã Nga về Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm còn kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia phụ tá, hỗ trợ Trưởng ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong công tác phòng chống tham nhũng, nên là tác nhân quan trọng trong việc khui những vụ bê bối tham nhũng của những thủ tướng và phó thủ tướng vừa mất chức.

Quyết định không đến Việt Nam của Tổng thống Steinmeier phản ảnh điều gì?

Tin tức chiến tranh càng ngày càng khốc liệt ở Ukraine, cùng những tin liên quan đến cuộc động đất với hơn 35.000 người chết ở Thổ nhĩ Kỳ và Syria đang tràn ngập ở Đức và Liên minh Âu châu.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của TT Steinmeier diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh mà Đức đi đầu trong Liên minh Âu châu thống nhất để ủng hộ Ukraine, chống lại các hành động xâm lược của Nga, đánh dấu sự thay đổi của một kỷ nguyên, đồng nghĩa với việc đánh giá lại hoàn toàn cách tiếp cận kinh tế, quốc phòng và chiến lược của Đức và Liên minh Âu châu đối với thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á.

Đức, cũng như các quốc gia trong Liên minh Âu châu, cần Đông Nam Á như một trong những lối thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, một tình trạng mà họ muốn tránh hệ lụy chính trị và chiến lược với những bài học rút ra từ trường hợp đã từng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng quan trọng hơn thế nữa là bài học phải củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương, cũng như phát triển bền vững phải nằm trên những lợi ích ngắn hạn.

Việt Nam hiện nay đôi khi được đánh giá là một “Trung Quốc nhỏ”, nhưng bên cạnh sự chú ý đến các tiềm năng kinh tế của Việt Nam, bài học Trung Hoa làm phương Tây rất ý thức và không muốn tạo điều kiện cho một quốc gia với một chế độ toàn trị thêm lớn mạnh, vì điều này sẽ không mang lại an ninh cho thế giới.

Địa chính trị thay đổi liên tục. Quân đội Mỹ trở lại Philippines mang theo những thay đổi ảnh hưởng tại vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Những trò ảo thuật tráo bài đổi tướng của đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là trò “vải thưa che mắt thánh”, không thể đạt được lòng tin và sự kính nể từ quốc tế, cần thiết cho một sự hợp tác vững mạnh để Việt Nam có thể thực sự phát triển, củng cố nội lực, hầu bảo đảm nền an ninh quốc gia.

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp9k2zrn1e1o

(2) https://www.ihk.de/osnabrueck/servicemarken/aktuell/pressemeldungen/pressemeldungen-2022/dezember-2022/steinmeier-nach-vietnam-und-malaysia-5669314

(3) https://www.bundespraesident.de/DE/Presse/Terminkalender/terminkalender-node.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.