Tiếng cười, tiếng chửi và tiếng nói
Thái Hạo
Tắm bên cạnh giếng là một phong tục lâu đời, thậm chí từ xưa còn tắm truồng, cả nam và nữ chung lẫn, vốn bắt nguồn từ triết lý phồn thực chứ không phải do thói quen kém văn hóa của người Việt. Đó chính là cái được người Việt bảo tồn dai dẳng và ít nhiều sự phóng khoáng tự nhiên đó có góp phần tạo nên lực cản đáng kể trước xu thế Nho giáo hóa của đám quan cai trị người Tàu thời nước ta bị Tàu đô hộ. Trong bộ gia phả cổ của họ tôi viết về ông tổ là Trần Đức Mậu (1432-1476?) – đỗ Hoàng giáp dưới triều Hồng Đức (1472), vốn xuất thân hoàng tộc triều Trần, do cuộc chính biến của Hồ Quý Ly ở Hội thề Đốn Sơn (1394) nên bố mẹ phải chạy vào vùng cực nam là Hoan Châu (nay thuộc Hà Tĩnh) rồi sinh ra ông – có nói đến hai nho sinh con của vị Hoàng giáp này, lúc trẻ sống ở Thanh Lang (nay thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà), ngày ngày cắp sách đến trường. Buổi chiều họ đi học về thường qua một cái giếng, gặp người dân ở đây đứng tắm truồng bên bờ giếng, cười nói suồng sã. Trong khi người anh cứ thế đi qua mà không tỏ thái độ gì thì người em tỏ ra rất khó chịu vì cảm thấy “đạo thánh hiền đã bị xúc phạm”. Nhưng anh ta không biết làm cách nào để cản trở việc tắm chung của dân quê như vậy vì đó là một tục lệ tự nhiên đã có từ rất xưa. Vì thế cuối cùng anh ta bèn bỏ anh mà chuyển lên xã Xa Lang thuộc huyện Hương Sơn sinh sống để đỡ “ngứa mắt”. Về sau ông này lập nên họ nguyễn Xa Lang là một nhánh của họ Nguyễn Đức do ông Trần Đức Mậu khai sáng ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ngay cả ở Phú Thọ vào năm 1954, có câu chuyện các anh bộ đội đi qua một cái giếng thơi, gặp nhiều cô gái cởi truồng đang tắm; các cô không thẹn thùng gì, chỉ khép chân lại và ngỏ lời xin các anh bộ đội một tí xà phòng.
Kể lại những điều trên đây tất nhiên tôi không có ý cổ vũ việc tắm truồng hoặc tắm không nhà tắm bên cạnh những cái giếng công cộng của làng xã vào thời điểm hôm nay. Tôi cũng rất hoan nghênh bài viết của Thái Hạo.
Nguyễn Huệ Chi
Tết, có đứa em bà con ở Nhật đã nhiều năm về và lên nhà chơi, tôi tranh thủ hỏi hắn về những khác biệt văn hóa giữa hai nước. Hắn kể nhiều, nhưng tôi muốn ghi lại chi tiết này, là người Nhật không chửi nhau.
Hắn nói, điều đầu tiên được dạy khi đến Nhật là “không làm phiền người khác”, tuyệt đối không. Nhưng người Việt mình thì vốn quen với văn hóa làng xã, thích tụ tập quây quần và dường như không thể sống một mình như người Nhật, nên luôn tụ lại, ăn nhậu, hát hò, chuyện trò rầm trời. Mỗi khi như thế, một ông chủ hay hàng xóm người Nhật, trừ trường hợp là chỗ rất quý mến thì họ sẽ chỉ nhắc nhở một lần “chúng mày nhỏ lại một chút, đừng làm ồn”, lần sau thì báo cảnh sát luôn. Họ không chửi, việc mâu thuẫn, vi phạm, bất hòa sẽ luôn được nhờ đến cảnh sát và tòa án, trong trường hợp chưa có sự can thiệp của các cơ quan ấy thì chuyện chửi nhau như Việt Nam cũng không bao giờ xảy ra. Hình ảnh hai người đứng bên bờ rào chửi sang hay la hét trên phố mỗi lần có va chạm là chuyện hoàn toàn xa lạ và quái đản đối với người Nhật.
Tôi nghĩ về cái chửi của người Việt mình. Phải chăng, chính vì trong suốt chiều dài lịch sử, cho đến hôm nay, chúng ta chưa từng có một bộ máy nhà nước đủ trách nhiệm để người dân trông cậy, nên việc “tự giải quyết” đã trở thành phương cách chủ đạo trong đời sống xã hội, mà ở đó “chửi” là một lựa chọn dễ nhất, và lắm khi hiệu quả? Trong khi không đòi được công bằng nhờ một trọng tài có trách nhiệm và công tâm, thì tiếng chửi sẽ giúp sát thương và hủy hoại đối phương bằng ngôn từ. Điều ấy mang lại cho họ chút thỏa mãn vì “công lý đã được thực thi”.
Người Việt không có phòng riêng. Những ngôi nhà “cổ truyền” của người Việt là 3 gian thông với gian giữa để thờ và 2 đầu kê giường ngủ. Căn buồng thì thường để cất lúa ngô khoai sắn và cất giữ vài thứ tài sản nghèo nàn nào đó, chứ không phải một không gian cá nhân. Nếu nhà đông người mà có con gái lớn thì có thể sẽ được dành cho một cái chái nhà (đầu hồi), vừa đủ kê một chiếc giường nhỏ. Nói chung, ngôi nhà của người Việt là một không gian công cộng.
Công cộng không chỉ là đối với người trong nhà, mà còn là đối với hàng xóm. Người Việt hay đi tắt, cứ sát nhà nhau là mở lối (lỗ thủng) để đi qua, cho tiện! Vào nhà nhau, dù bằng đường tắt hay cổng chính thì cũng vẫn “tự nhiên như ruồi”. Người ta tới nhà nhau chơi mà không có thói quen hẹn trước, cứ thể hồn nhiên mà tới. Ngày nay, dù đã “hiện đại hóa” nhưng thói quen đi thẳng vào phòng ngủ, ngồi lên giường, mở tủ lạnh “kiểm tra” vẫn được coi như một biểu hiện của sự thân tình, gần gũi. Khi không có ý niệm về sự riêng tư và đời sống cá nhân thì việc vào ra như thế phải trở thành lẽ thường. Nếu trong làng mà có một gia đình nào đó “kín cổng cao tường”, ít giao du thì rất dễ mang tiếng là “sống không biết ai”, “không có tình làng nghĩa xóm”…
Người Việt ở nông thôn cách đây vài chục năm thậm chí còn không có nhà tắm. Người ta tắm lộ thiên ngay bên cạnh giếng khơi bằng cách đứng mà dội nước ào ào. Phụ nữ muốn tắm thì phải đợi trời tối. Nghĩ đến những ngày mùa đông rét cóng, cảnh đàn bà con gái dội nước lạnh vào người giữa trời gió bấc hun hút mà vừa thương vừa giận. Đôi khi chúng ta không thể hiểu nổi, tại sao việc chôn 4 cây cọc tre và quây miếng cót nứa cho thành một cái “nhà tắm” lại khó khăn tới mức trải suốt hàng nhiều trăm năm lịch sử mà người Việt không thể làm nổi!
Có lẽ không phải vì không thể làm nổi cái việc chia phòng hay quây cái nhà tắm, mà là người ta không muốn làm, hay không cần làm. Vì tự trong sâu thẳm, họ không có nhu cầu riêng tư. Ngôi nhà là một không gian công cộng, đình làng cũng là một không gian công cộng, họ luôn phải thuộc về tập thể, biến mất trong tập thể, nhạt nhòa và tan loãng. Chính những khó khăn trong đời sống vật chất một phần đã giữ chặt họ trong nếp sống quảng trường ấy, vĩnh viễn biến họ trở thành một phần của đám đông muôn đời.
Sự bất tiện kéo dài đến nghìn năm thì thành “văn hóa”, thành tính cách và lối sống. Dần, người ta mất luôn nhu cầu độc lập. Người Việt không thể sống một mình. Những kẻ một mình là loại lập dị và thường gây nên nỗi thương cảm, nếu không phải là sự dè bỉu. Người ta phải quây lại với nhau, trở thành bầy đàn.
Không có sự độc lập, hay nói theo ngôn ngữ văn chương là “sự cô đơn”, thì không có sáng tạo. Nếu nhân cách là một phân số, thì người Việt sống bằng một tử số rất bé trên một mẫu số cộng đồng lớn lao. Giá trị của phân số ấy vì thế mà trở nên nhỏ nhít, tan biến và gần như chạm đến mức cực tiểu. Đời sống tập thể ồn ào với ăn, nói, hát, chung đụng đã trở nên một nhu cầu, một thứ bản năng, trở thành niềm vui và thước đo của hạnh phúc.
Oái oăm thay, như những con nhím mùa đông, người ta vì nỗi thống khổ của rét mướt mà sáp lại, nhưng luôn bị những chiếc lông nhọn hoắt châm chích vào nhau. Đó là một bi kịch của sự sung sướng được san sẻ cộng gộp luôn nỗi khó chịu phiền hà đau nhức. Người Việt ở trong tình thế lưỡng nan ấy, họ vừa không thể xa nhau nhưng lại cũng vừa không thể rúc hẳn vào nhau.
Bi kịch chồng lên bi kịch. Cái tôi là một bản năng tiền sử, nó luôn có nhu cầu được bảo vệ và chứng tỏ. Vì thế, dù khát vọng tụ tập lớn tới đâu, nó vẫn luôn âm thầm một mãnh lực chống đối và tị hiềm. Người Việt, vì thế, “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”. Trong một tập thể khổng lồ không có cơ may xé lẻ, nhìn từ bên ngoài là “đoàn kết”, là “lớn mạnh” nhưng bước chân vào trong thì đầy rẫy mâu thuẫn với những tiếng nổ lách tách làm nứt ra các vết rạn lớn nhỏ. Những tiếng nổ lục đục ấy diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong suốt trường kỳ lịch sử. Trong khi vừa sung sướng vì sà vào nhau, nỗi bất mãn cũng đồng thời nhen lên. Cứ như thế, người Việt bị lưu đày trong văn hóa của mình.
Tôi hỏi đứa em về đời sống tình cảm của người Nhật, hắn nói: “Em đã rời công ty cũ hơn 2 năm, nhưng đến nay họ vẫn thường gọi điện hỏi thăm và hay căn dặn mình nhiều thứ, vì sợ mình gặp phải những điều bất lợi, không may”. Hắn nói thêm, nhưng công việc thì ra công việc. Nếu không hiểu thì thấy họ như “người máy”, đúng là đúng, sai là sai, không bao giờ có chuyện vừa đúng vừa sai, du di, chín bỏ làm mười như người Việt mình. Đi làm cho họ hay với họ, nếu mình vi phạm, dù thân thiết và chỉ là đối với những nguyên tắc nhỏ nhặt nhất, thì họ vẫn rạch ròi tới mức khiến mình bị “sốc văn hóa”, vì người Việt mình trong những tình huống như thế sẽ lựa chọn xuê xoa “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”.
Cái tình của người Việt, vì thế, có lẽ là thứ tình nhiều lúc vì cả nể, vì ngại mất lòng, nó tù mù và luôn tiềm ẩn nguy cơ “cạch mặt”. Trên một căn bản đạo lý lớn, là “luân lý xã hội” hay “ý thức công lợi” như Phan Châu Trinh nói thì các giá trị từ tình cảm đến tự do mới có đất để nảy mầm và lớn dậy. Chừng nào mà sự gắn kết mới chỉ dừng lại ở nhu cầu vị kỷ, cả vị kỷ vì tinh thần – không chịu nổi nỗi cô đơn, thì khi đó cái “tình làng nghĩa xóm” của người Việt còn là một thứ “văn minh” tiềm ẩn những nguy cơ chia rẽ, luôn luôn.
Trưởng thành, trước hết là một nghĩa vụ cá nhân đối với chính mình. Khi chưa có được một nền tảng quản trị tiến bộ với tinh thần thượng tôn pháp luật thì mỗi người phải dám sống cô đơn, dám đi một mình trên con đường không có tha nhân. Lúc ấy, những năng lực ẩn tàng sẽ phát lộ, tình yêu con người vô tư và vô vị lợi sẽ được khởi động, một lý tưởng lớn về nhân quần sẽ mọc ra.
Tiếng chửi là đại diện cho sự bất lực, tiếng cười là hình ảnh của nỗi tự an ngụy tín, chúng đôi khi cũng cần được dùng đến trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng nếu kéo dài và trở thành “chủ âm” của cả một cộng đồng trong suốt hàng trăm năm thì khi đó, nó đã trở nên một thứ bệnh lý tinh thần. Trong ba “tiếng”, tiếng cười, tiếng chửi và tiếng nói, thì vế sau cùng phải là một lựa chọn chủ đạo. Khi nào mà người ta lấy tiếng nói là trung tâm của đời sống, để giao tiếp, đối thoại, tranh biện và tự vấn thì khi đó các giá trị mới sẽ có cơ may được kiến tạo một cách có hệ thống.
T.H.
Nguồn: Văn Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.