Quốc hội không biết viết luật!
14-2-2023
Đâu phải luật bao gồm các quy định thích viết như thế nào cũng được. Hãy xem:
Điều 254 (khoản 1) của Bộ luật Dân sự 2015 viết như sau: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”.
Quốc hội không hề biết đến trường hợp một bất động sản bị vây bọc bởi duy nhất một bất động sản khác (ví dụ một nhà bị vây bọc bởi một nông trường hay bởi một khu nghỉ dưỡng cao cấp,…).
Quốc hội viết như vậy gây khó khăn cho một bất động sản bị vây bọc bởi một bất động sản khác (khó áp dụng). Hơn nữa Điều luật này nói về “quyền địa dịch” (mà Bộ luật Dân sự 2015 gọi thiếu chính xác về mặt khoa học và thực tiễn pháp lý là “quyền đối với bất động sản liền kề”), tức là quyền có được do nhân cách hóa hai bất động sản để bất động sản này có quyền đối với bất động sản kia như Điều 245 của Bộ luật này định nghĩa. Như vậy, ngay trong Bộ luật này, Quốc hội đã tự gây mâu thuẫn.
Nhẽ ra Quốc hội phải viết: “Khi (trong trường hợp hoặc nếu) một bất động sản bị vây bọc bởi “một hoặc nhiều” bất động sản của “một hoặc nhiều” chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng,…”.
Vấn đề còn lớn hơn nhiều.
Bộ luật Hình sự 2015 khi chưa có hiệu hiệu lực đã bị sửa đổi năm 2017 quy định một vấn đề có tính cách mạng, đó là truy cứu trách nhiệm hình sự “pháp nhân thương mại” hay coi “pháp nhân thương mại” cũng là chủ thể của tội phạm. Nhưng khi được hỏi “pháp nhân thương mại” là gì thì các thầy dạy luật hình sự cứ sang sảng nói rất oai là khái niệm đã được định nghĩa tại Điều 75, Bộ luật Dân sự 2015.
Xem Điều 75 này mới biết nó sai bét nhè mà không hiểu do Quốc hội kém hiểu biết hay viết lách thiếu suy nghĩ. Điều này viết kém như sau:
“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.”
Cái kém ở chỗ:
(1) Pháp nhân thương mại bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên (vậy lấy đâu ra cái gọi là “các thành viên” để chia lợi nhuận?);
(2) Doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 1999, 2005 và 2020 đều bao gồm cả “doanh nghiệp tư nhân” và các công ty, trong khi đó “doanh nghiệp tư nhân” không bao giờ được xem là có tư cách pháp nhân vì nó có bản chất là cá nhân kinh doanh (Lưu ý: Luật Doanh nghiệp 1999 trước kia quan niệm “công ty hợp danh” không có tư cách pháp nhân).
Đó mới là các ví dụ nhẹ nhàng nhất.
Muốn có luật tốt thì phải có chuyên gia giỏi và tâm huyết, và phải có các chính trị gia (Đại biểu Quốc hội) hết lòng vì dân, vì nước và không coi Quốc hội là nơi để thể hiện cái oai phù phiếm hay để kiếm ăn thông thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.