Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

Năng lượng VN: Nghịch lý tăng than dù thừa điện mặt trời và câu hỏi về điện khí LNG

 

Năng lượng VN: Nghịch lý tăng than dù thừa điện mặt trời và câu hỏi về điện khí LNG

Bài 1

Mỹ Hằng - BBC News Tiếng Việt

Việt Nam có kế hoạch tăng nhập khẩu than để sản xuất điện, ít nhất trong thập kỷ tới, bất chấp đang thừa điện mặt trời và mới ký thỏa thuận trị giá hơn 15 tỷ USD hỗ trợ từ các nước phát triển để giảm điện than.

clip_image002

Ảnh: Getty Images 

Việc này cũng đặt ra một câu hỏi là Việt Nam có nên tập trung đầu tư khí hóa lỏng (LNG) vì có ý kiến cho rằng chúng rẻ hơn và ít rủi ro hơn so với năng lượng tái tạo.

Tăng nhập than...

"Kế hoạch tăng nhập than của Việt Nam sẽ làm căng thẳng thêm năng lực nhập khẩu than hiện tại.

"Chỉ riêng việc nhập khẩu than đã có thể đòi hỏi phải có thêm các cơ sở hạ tầng mới, ngay khi Việt Nam vừa tiến một bước gần hơn tới cam kết phát thải bằng không", ông Ryan Driskell Tate, Giám đốc Chương trình Than của Global Energy Monitoring nói với BBC News Tiếng Việt.

Việc 'tiến một bước gần hơn' mà ông Ryan Driskell Tate đề cập, là ám chỉ thỏa thuận JETP mà Việt Nam ký cuối 2022 để nhận khoản hỗ trợ hơn 15,5 tỷ USD từ các nước phát triển nhằm chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Trên thực tế, ngành than Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng than nhập khẩu mỗi năm cho sản xuất công nghiệp trong thập kỷ tới, theo tờ trình chính phủ cuối năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo đó, tổng nhu cầu than trong nước năm 2022 hơn 108,4 triệu tấn, sẽ tăng lên:

2025: gần 115 triệu tấn

2030: 137,3 triệu tấn

2040: 150,5 triệu tấn

Để đáp ứng nhu cầu nói trên, Việt Nam có kế hoạch nhập:

Từ nay đến 2025: 71 triệu tấn than mỗi năm

2025-2030: 90 triệu tấn mỗi năm

2030-2035: 105 triệu tấn mỗi năm

2035-2040: 107 triệu tấn mỗi năm

Chỉ từ 2045 Việt Nam mới dự kiến giảm dần lượng than nhập khẩu xuống còn 32-35 triệu tấn/ năm, với kỳ vọng đảm bảo được cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26).

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là nước dồi dào năng lượng mặt trời và gió vào bậc nhất Đông Nam Á.

Nghịch lý là các doanh nghiệp điện gió và mặt trời tại Việt Nam đang lao đao, thậm chí lâm vào nguy cơ phá sản do nhiều nguyên nhân như:

Nhà nước thiếu cơ chế giá phù hợp cho loại hình điện tái tạo;

Quy trình cấp phép chưa rõ ràng;

Điện từ mặt trời và gió sản xuất ra chỉ bán được cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 50%, do lưới điện quốc gia bị 'quá tải';

Chưa có quy hoạch quốc gia về không gian biển (cho phát triển điện gió ngoài khơi)...

Tự 'mua dây buộc mình'

Theo bà Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, kế hoạch tăng nhập khẩu than trong ngắn hạn của Việt Nam là 'có thể hiểu được', khi mà năng lượng tái tạo còn là lĩnh vực mới mẻ với nước này.

"Việt Nam chỉ mới làm quen với năng lượng tái tạo trong vòng 5 năm qua và lưới điện quốc gia vẫn còn lạc hậu, chưa theo kịp sự chuyển đổi, do đó chưa thể tải hết lượng điện mặt trời và gió....".

Tuy nhiên, bà Weatherby cảnh báo rằng nếu Việt Nam tiếp tục quay trở lại đầu tư cho điện than thì sẽ chẳng khác nào 'mua dây buộc mình', tự 'trói' mình vào một loại năng lượng đã 'hết thời'.

Bà Weatherby cũng cảnh báo khả năng các công ty đa quốc gia đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ tìm đến các quốc gia khác - nơi chính phủ quan tâm đầu tư hơn cho năng lượng tái tạo.

Còn theo số liệu do bà Flora Champenois, chuyên gia phân tích tại Global Energy Monitor cung cấp cho BBC, ngoài các nhà máy điện than đang hoạt động, Việt Nam còn có 11 nhà máy điện than mới đang và sẽ được xây dựng trong những năm tới.

Hầu hết trong số đó là vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Có nên đầu tư LNG?

Giới chức Việt Nam và nhà đầu tư đã nói nhiều về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), coi đây là một nguồn năng lượng rẻ hơn và bớt rủi ro hơn đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Việt Nam cũng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện tiềm năng nhất ở châu Á với các dự án tỉ đôla, gắn với các tên tuổi như Exxon và AES Corporation.

Về vấn đề này, bà Courtney Weatherby cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào cả năng lượng tái tạo và LNG, trong đó cần tập trung hơn vào chuyển đổi sang năng lượng tái tạo về mặt lâu dài.

"Hai cản trở lịch sử đối với năng lượng tái tạo là giá thành và tính rủi ro, hay còn gọi là tính không ổn định. Tuy nhiên, giá thành của năng lượng tái tạo đã hạ rất nhiều và đến nay không còn là vấn đề nữa," bà Courtney Weatherby nói với BBC News Tiếng Việt.

"Ví dụ, giá điện mặt trời đã giảm xấp xỉ 85% từ năm 2009 và tiếp tục giảm bởi quy trình sản xuất được mở rộng và cải thiện. Điện gió cũng giảm ở mức tương tự trong cùng khung thời gian.

"Thậm chí ngay giữa đại dịch, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đã chỉ ra rằng chi phí cho cả hai nguồn năng lượng tái tạo trên tiếp tục giảm và đang ngày càng trở nên cạnh tranh."

Trong khi đó, ông Robert Rozansky, nhà phân tích và nghiên cứu LNG tại tổ chức Global Energy Monitoring không tán thành việc đầu tư vào LNG. Ông nới với BBC:

"Năm vừa qua đã nhấn mạnh những rủi ro - đặc biệt là ở châu Á - khi phụ thuộc vào LNG.

"Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thị trường LNG toàn cầu đầy biến động đã làm giảm nhu cầu đối với LNG trên khắp châu Á, khiến các dự án mới bị đình trệ và thậm chí khiến một số nền kinh tế nhạy cảm về giá như Pakistan và Bangladesh, không có đủ nhiên liệu sản xuất điện.

"Về lâu dài, năng lượng tái tạo có lưu trữ là lựa chọn an toàn hơn và rẻ hơn cho Việt Nam so với LNG. Chi phí năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tiếp tục giảm.

"Cơ sở hạ tầng LNG mới và các thỏa thuận mua bán sẽ trói Việt Nam vào việc phải nhập khẩu một loại nhiên liệu đắt tiền, dễ biến động trong nhiều thập kỷ, và thách thức khả năng đáp ứng các cam kết phát thải bằng không của Việt Nam", ông Robert Rozansky cảnh báo.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Năng lượng và Nghiên cứu Tài chính (IEEFA) công bố tháng 12/2022, nhu cầu LNG đang hạ ở các nước châu Á do giá cả không ổn định, đắt đỏ (giá LNG tăng 300% vào tháng 10/2022 ở châu Á) và những thách thức về nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Ở nhiều thị trường mới nổi, nhiều dự án nhập khẩu LNG đã bị hủy hoặc đình trệ.

Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố 'kỷ nguyên vàng của gas' đã chấm dứt.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới mới đây nhất của IEA đã dự đoán nhu cầu LNG sẽ giảm vào năm 2050 xuống 750 tỷ mét khối, thấp hơn 15% so với dự báo năm ngoái.

M.H.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.