Kinh doanh tâm linh, biến tướng của mê tín
Kim Ngữ
Chốn “tâm linh” giờ nhộn nhịp còn hơn chợ búa (Ảnh: báo Tin Tức, TTXVN)
Những ngày đầu năm vừa qua để lại trong lòng người dân thật nhiều ấn tượng. Người giàu thở phào vì qua được một chuỗi ngày vừa ăn mừng vừa lo lắng cho cơ nghiệp của mình trong thời đại thị trường chứng khoán “tan tác chỉ trong vài giờ”; Người nghèo thở phào tiếp tục kê vai vào quang gánh mưu sinh; Nông dân canh cánh nhìn mảnh đất trùi trũi những cánh hoa không bán được; Công nhân lại buồn bã khi nghe hãng xưởng tiếp tục đóng cửa vì không có đơn đặt hàng… Cả xã hội chìm trong yên ắng của mất mát, khó khăn. Duy chỉ có một ngành nghề không những phát đạt mà còn phát một cách lạ thường nữa, đó là ngành kinh doanh thần thánh!
Nghèo giàu sang hèn bất kể, người ta kìn kìn đổ vào những cơ sở tâm linh một cách bầy đàn. Chùa Bái Đính, Ba Vàng, Tam Chúc đầy ngập người trong Nam ngoài Bắc. Những cơ sở tôn giáo chính thức như Chùa Phúc Khánh cũng không ngoại lệ, khi người dân thức rất khuya ngồi giữ chỗ để được giải sao là hình ảnh khá quen thuộc trong những năm vừa qua.
Chỉ với vài trăm người trong cái khuôn viên nhỏ bé của ngôi chùa này đã kiếm được cho thùng phước sương của chùa Phúc Khánh vài tỷ bạc chỉ trong vài ngày đầu năm. Giải sao là hình thức mê tín không có trong Phật giáo Việt Nam lẫn thế giới vậy mà bao năm qua GHPHVN vẫn im lặng trước hiện tượng này. Nào phải một chùa Phúc Khánh tại Hà nội mới có tình trạng giải hạn sao La hầu, cả nước có ít nhất là chục nơi nảy sinh tình trạng này cách đây vài thập niên và kéo dài tới ngày nay.
Nhỏ hơn một chút, đầu năm Quý Mão, dân Hà Nội chứng kiến một sự lạ: 5 giờ sáng, tại các cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông đã có rất đông người dân xếp hàng chờ mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng). Thậm chí, có người đến xếp hàng từ 1h sáng.
Báo Tuổi Trẻ có bài về hiện tượng này qua bài “Mùng 10 tháng Giêng: Ngày vía Thần Tài hay ngày vía Thần Đất?
Trong các ngày vía tháng Giêng, dân Nam Bộ cũng như bà con Sài Gòn – Gia Định xưa gọi là ngày vía Thổ Thần. Ông thần đó có từ lúc nào khó ai nói được. Chỉ biết là trước đó, bà con Khmer cũng cúng ngày 10 tháng Giêng, gọi là cúng Ông Tà (Thần Đất – chủ đất – theo tín ngưỡng Khmer). Sau này, người Minh Hương tới, mang theo Ông Địa.
Dân Nam Bộ xưa có câu:“Đất Ông Tà, nhà Ông Địa”. Chắc chắn ngày 10 Tháng Giêng Âm lịch trong văn hóa, cách thức cúng của bà con Nam Bộ rất nhân văn là cúng, nhớ ơn các bậc tiền hiền mở cõi, Thần Đất của người Việt chứ không phải Thần Tài để cầu lợi bạc vàng. Thành ngữ Nam Bộ:“Mùng 9 vía Trời, mùng 10 vía Đất”.
Hai hiện tượng vừa nêu rõ ràng là mê tín dị đoan có chủ đích lừa đảo, nhưng xa hơn, đông người hơn tập trung tại những nơi được gọi là “tâm linh” trong mấy ngày đầu năm gây không ít suy nghĩ cho người quan tâm thời cuộc, đó là tình trạng hàng trăm ngàn người tập trung vào những nơi được xây dựng như những “mái chùa” nhằm mục đích khai thác sự kiếu kỳ cũng như mê tín của người dân trong mấy ngày lễ Tết. Chùa Ba Vàng, Tam Chúc, Bái Đính là những địa điểm như thế.
Nói đến Ba Vàng không ai quên được vụ “thỉnh vong oan gia trái chủ”. Tại đây, lễ “thỉnh vong oan gia trái chủ” chữa bệnh cho người dân và Phật tử, trong đó có việc “gọi vong”, “phán số kiếp”, quy định người đăng ký pháp “thỉnh oan gia trái chủ” phải trả nợ cho “vong” bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa là trái với nghi lễ Phật giáo.
Vụ án này được hầu hết báo chí trong nước loan tin trong đó có cả báo Đảng nhưng Ba Vàng vẫn tiếp tục mở cổng chùa cho khách thập phương vào cúng bái như chưa hề có tai tiếng gì xảy ra. Ai đứng phía sau Chùa Ba Vàng chắc phải hỏi Ban Tôn giáo Chính phủ nơi có quyền năng vô hạn đối với các tôn giáo tại Việt Nam ngoại trừ Phật giáo.
Nạn “kẹt người” của Tam Chúc lâu dần thành quen như nạn kẹt xe ở Hà Nội. Không một ai có ý kiến nhằm giải quyết vấn nạn có thể gây tai nạn cho hàng chục ngàn người qua các sự cố “giẫm đạp” trong những đám đông khắp thế giới mà Hàn Quốc trong dịp lễ Halloween vừa qua là một thí dụ. Chính quyền làm ngơ, các hiệp hội làm ngơ và ngay cả người dân cũng làm ngơ…
Tính cách không phải chuyện của mình ăn sâu vào xương cốt xã hội Việt Nam huống chi mấy ai quan tâm cái đám đông ấy đến Tam Chúc để làm gì. Xin thưa, đến để tìm niềm tin vào thần thánh hiện đại, loại thần thánh sơn son thếp vàng, to lớn hoành tráng. Trên vai, trên lưng những pho tượng ấy là đồng tiền bất chính của những đại gia lấy hình tượng Phật giáo để kinh doanh. Đây cũng là hình thức mê tín, mê tín của cải thế gian có thể làm nên hạnh phúc bình an cho chính mình.
Báo chí nhà nước thỉnh thoảng có gãi nhẹ vài hình ảnh mê tín dị đoan trong xã hội và cảnh báo đảng viên nên ý thức sự nguy hại của mê tín dị đoan có thể làm băng hoại niềm tin vào Đảng, nhưng không có bài viết nào đụng chạm mạnh cái lõi của những khu du lịch “tâm linh” như Tam Chúc, Bái Đính, Ba Vàng. Những đại gia chủ chùa thật sự không phải là bụt, họ sẵn sàng chi đậm cho tờ báo đó bị kỷ luật, thậm chí đóng cửa nếu cả gan đụng vào túi tiền của Bộ Chính trị!
Lớn thì như thế còn nhỏ và vừa thì trên khắp nước đều trăm hoa đua nở chào mừng năm mới!
Bói toán, đồng cốt, gọi hồn… tưởng như đã được dẹp bỏ, giờ lại có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát và nhanh chóng lây lan trong mọi tầng lớp xã hội. Không những dân chúng mà trong chính quyền cũng không ít người tin vào bói toán. Những vụ lường gạt từ bói toán nhan nhản trên cả nước nhưng mấy ai chịu tin vào tính cách mê muội này. Người ta nhân danh khoa học, nhân danh vũ trụ quan để bịt mắt nhau dẫn dắt người cả tin sa vào vực thẳm.
Dị đoan mê tín trong thời đại @ nảy sinh nhiều biến tướng cười không nổi! Báo Long An online cho biết “Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, thị trường hàng mã xuất hiện một số sản phẩm: Khẩu trang, kính chắn giọt bắn, thậm chí là vắc-xin, ống tiêm,… để “đốt cho ông bà”. Ngoài ra, việc xem bói toán qua mạng xã hội cũng trở nên phổ biến. Chỉ cần từ khóa “tử vi” trên TikTok, người dùng có thể tìm được hàng trăm clip có nội dung giải lá số tử vi, xem tướng…”.
Trên thế giới không nơi nào lại không có mê tín dị đoan nhưng chính quyền của từng nước có cách đối phó khác nhau tùy vào vùng địa lý. Ấn Độ và nhiều nước Đông Bắc Á có rất nhiều tập tục gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng nhưng do tập quán quá lâu đời chính phủ các nước khó đối phó mà chỉ có biện pháp kiểm soát hầu tránh tổn thương tới mức tối đa. Các nước văn minh như châu Âu và Mỹ, sự lường gạt khó thể bùng phát do dân trí và xã hội thay nhau kiểm soát đã thành bức tường khó vượt qua cho các tệ nạn này. Lễ hội luôn là ý tưởng cho mọi quốc gia nhưng lợi dụng lễ hội để nhũng lạm cộng đồng khó thể tồn tại trong những nước dân chủ.
Chừng nào Việt Nam vượt qua được những rào cản dân trí về hiện tượng mê tín dị đoan thì may ra mới tự thoát được cái bẫy “du lịch tâm linh” đầy tham vọng cá nhân nhưng ẩn chứa không biết bao nhiêu là tai họa cho tập thể người tới tham gia với nó.
K.N.
Nguồn: Saigonnhonews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.