Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa: Những được và mất của thể chế dân chủ

 

Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa: Những được và mất của thể chế dân chủ

Nghiên cứu Việt Mỹ

19-1-2023

Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu bài phỏng vấn của nhà nghiên cứu Rosie Nguyễn, nghiên cứu sinh tiến sỹ Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, với ông Ngô Thanh Tùng và ông Phạm Đình Hưng. Hai ông đã tham gia vào quá trình soạn thảo Hiến pháp 1967 thời Việt Nam Cộng hòa. Những tư liệu này cung cấp thông tin và cái nhìn của hai nhân chứng lịch sử về bối cảnh chính trị, cách nhìn và một số vấn đề quan trọng khác xoay quanh sự ra đời và vận hành của bản Hiến pháp này. Dưới đây là phần phỏng vấn ông Ngô Thanh Tùng. Ở đây Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ cung cấp bài phỏng vấn này như là tư liệu thô. Phân tích tư liệu là công việc của các nhà nghiên cứu. Chúng tôi sẽ giới thiệu các tư liệu khác ở phần tiếp theo.

Xin ông cho biết vấn đề nào là gai góc và gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình soạn thảo Hiến pháp 1967?

Ông Ngô Thanh Tùng: Ủy Ban Thảo Hiến gồm năm, sáu người, bao gồm một Chủ tịch. Tuy nhiên chỉ có ba người soạn chính là ông Nguyễn Hữu Thống, ông Phạm Đình Hưng và tôi, Ngô Thanh Tùng. Hơn 100 vị còn lại chủ yếu giơ tay biểu quyết thông qua hay không thông qua các điều khoản. Ông Tùng soạn phần lập pháp, ông Hưng soạn phần tư pháp, còn ông Thống lo về hành pháp. Vì các ông đại diện cho khối đa số cho quốc hội lập hiến nên có vai trò quyết định trong việc viết Hiến pháp. Ông Thiệu và ông Kỳ không biết gì về luật nên không tham gia soạn thảo.

Trong quá trình biên soạn Hiến pháp thì vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là chọn cộng hòa tổng thống hay cộng hòa đại nghị. Văn bản cuối cùng là sự pha trộn giữa Hiến pháp Đài Loan, đệ ngũ cộng hòa Pháp và mô hình lưỡng viện Hoa Kỳ. Hiến pháp 1967 tạo ra một ông thủ tướng để đứng mũi chịu sào thay cho ông tổng thống. Trong trường hợp quốc hội bất tín nhiệm chính phủ thì chỉ phế truất ông thủ tướng thôi, ông tổng thống dân cử vẫn ở đó để ổn định chính trị.

Hội đồng Quân lực là một tổ chức bao gồm các tướng lãnh hàng đầu, có thể xem như một “siêu chính phủ” do ông Thiệu lãnh đạo. Đây là một tổ chức vi hiến vì không có trong Hiến pháp. Ông Thiệu cho ông Khiêm làm thủ tướng với mục đích sau này khi ông Thiệu kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống thì sẽ đưa ông Khiêm lên làm tổng thống. Tuy nhiên, ông Thiệu tham quyền cố vị, sửa Hiến pháp năm 1974 để có thể làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Do ông Thiệu bội tín với ông Khiêm nên sau này hai người trở thành kẻ thù của nhau.

Xin ông cho biết vai trò của ông Nguyễn Văn Thiệu trong việc thi hành Hiến pháp?

Ông Ngô Thanh Tùng: Ông Thiệu là người làm hư Hiến Pháp 1967. Kỳ bầu cử đầu tiên còn khá trong sạch. Đến các kỳ bầu cử sau này, ông Thiệu cho phụ tá của mình là ông Nguyễn Văn Ngân đi mua chuộc các dân biểu, biến họ thành gia nô làm việc cho mình. Các dân biểu là người của ông Thiệu có thể được nhận tiền hoặc được đài thọ cấp visa ra ngoại quốc chơi. Nguyễn Văn Ngân chỉ huy các ông tỉnh trưởng ở những vùng nông thôn đang bị chiến tranh (những vùng “xôi đậu”) gian lận bầu cử, tráo phiếu bầu. Hạ Viện về sau ủng hộ ông Thiệu trong nhiều vấn đề (trao “emergency powers” vào năm 1972, và có thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa vào năm 1974) là do nhiều dân biểu đã bị ông Thiệu mua chuộc.

Thượng Viện khó bị mua chuộc hơn vì các liên danh của Thượng Viện chủ yếu được bầu lên từ các đô thị. Việc kiểm soát phiếu bầu ở đô thị gắt gao hơn nông thôn, không dễ gian lận phiếu.

CIA nhờ Dân biểu Trần Ngọc Châu liên lạc với Bắc Việt để xem họ muốn gì nên ông Châu liên lạc với Việt Cộng. Việc này bị cảnh sát Việt Nam Cộng hòa phát hiện, ông Thiệu yêu cầu Tổng nha Cảnh sát vào Hạ Viện để bắt ông Trần Ngọc Châu. Tôi viết thơ phản đổi gửi lên cho Tổng thống Thiệu, nhưng Tổng thống vứt thơ của tôi vào thùng rác. Tôi cho rằng nghị sĩ có quyền bất khả xâm phạm, nếu ông Thiệu bắt Trần Ngọc Châu như vậy sẽ đe dọa đến quyền bất khả xâm phạm vốn được quy định trong Hiến pháp.

Giám sát Viện có thẩm quyền thanh tra, kiểm soát nhân viên các cơ quan công quyền. Hiến pháp quy định 1/3 thành viên Giám sát Viện do Quốc hội, 1/3 do Tổng thống và 1/3 do Tối cao Pháp viện chỉ định. Ông Phạm Đình Hưng và ông Nguyễn Văn Mạnh làm trong Giám sát Viện than phiền rằng Chủ tịch Giám sát viện là chú của ông Thiệu, nên bao nhiêu hồ sơ tố cáo tham nhũng bị ông này đút vô ngăn kéo che giấu hết. Điều này làm hạn chế vai trò chống tham nhũng của Giám sát Viện VNCH, khiến nó yếu hơn cơ quan tương đương của Đài Loan.

Nếu được viết lại Hiến pháp, tôi sẽ thay đổi điều khoản về cơ cấu thành phần của Giám sát Viện. Cụ thể thì tôi sẽ thiết kế để 50% thành viên Giám sát viện do Bộ Tư pháp chỉ định, 50% còn lại sẽ do Quốc hội chỉ định.

Tội lớn nhất của ông Thiệu là từ năm 1972, ông biết rõ là Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam nhưng không có sự chuẩn bị kỹ càng. Năm 1972, Henry Kissinger sang thăm Trung Quốc, bắt tay hợp tác với Trung Quốc. Trung Quốc và Liên Xô lại đang đối đầu nhau. Cộng sản quốc tế đang yếu đi. Kissinger và Nixon chấp nhận giải pháp “decent interval”: Bắc Việt chờ một hai năm sau khi Mỹ rút hết quân về nước rồi mới đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Biết rõ sớm muộn gì Mỹ cũng bỏ rơi miền Nam nhưng Thiệu không lo tích tụ, mua súng đạn từ trước, khiến cho từ cuối năm 1974, Quân lực VNCH không có xăng, đạn và súng để chiến đấu.

Tại sao các nhà soạn thảo Hiến pháp 1967 khuyến khích chế độ lưỡng Đảng?

Ông Ngô Thanh Tùng: Các drafters (người soạn các phiên bản nháp) quan sát nền chánh trị đa đảng của Pháp thấy rất hỗn loạn. Nền đệ tứ, đệ ngũ cộng hòa Pháp với nhiều đảng tranh giành quyền lực khiến cho chính phủ không “chạy”. Khi không có Đảng nào chiếm được đa số thì các Đảng phải liên kết với nhau. Đảng này giữ tài chánh, đảng kia giữ ngoại giao… khiến cho chính phủ phân mảnh và dễ bể nát. Trong tình thế đó, ngay cả người tài như De Gaulle cũng không cứu được nước Pháp. Nếu có hai đảng thì khi đảng cầm quyền điều hành chánh phủ thất bại thì chúng ta biết chắc rằng đảng đối lập sẽ lên nắm quyền ở nhiệm kỳ tiếp theo, tạo ra sự ổn định chính trị.

Hiến pháp quy định: “Quốc gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng”. Điều này có nghĩa là khi có quá nhiều đảng nhỏ nộp đơn xin thành lập Đảng lên Bộ Nội vụ thì Bộ này có quyền bác đơn.

Xin ông cho biết tại sao lại thiết kế hai viện lập pháp?

Ông Ngô Thanh Tùng: Lúc đó Việt Nam không có trường nào đào tạo chánh sách hay chính trị học cả. Không có một trường nào đào tạo về chánh trị. Ý đồ của người soạn thảo là một người cần nên tuần tự đắc cử dân biểu, làm mấy năm, sau đó ra làm thượng nghị sỹ, rồi có thể lên cao hơn nữa ở nhánh hành pháp và trở thành tổng thống. Quá trình này sẽ giúp họ học việc để xem chính phủ hoạt động như thế nào và biết công việc họ làm. Khi giữa Thượng viện và Hạ viện có conflict (xung đột) về một dự luật, một Ủy ban lưỡng viện sẽ được thành lập để giải quyết những khác biệt. Ủy ban này rất quyền lực, được xem như một viện thứ ba trong nhánh lập pháp.

Việt Nam bị vấn đề địa phương Bắc Trung Nam rất nghiêm trọng. Liên danh tranh cử Thượng viện sẽ giúp họ bớt cái “division” (chia rẽ) ngay từ đầu, buộc phải hợp tác với nhau, bớt gây ra những tranh chấp mang tính địa phương. Các liên danh đều có leader (lãnh đạo). Những liên danh mạnh nhất gồm có khối Công giáo, khối người Nùng liên kết với người Tàu, khối Hòa Hảo, Cao Đài, Đại Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.