Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Henry Kissinger đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam như thế nào

 

Henry Kissinger đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam như thế nào

Washington Examiner

Tác giả: Stephen Young

TQ Hưng chuyển ngữ

Vũ Ngọc Chi, hiệu đính

25-1-2023

Thứ Sáu này là ngày kỷ niệm 50 năm Hiệp định Hòa bình Paris của Henry Kissinger. Hiệp định đó được cho là đã chấm dứt Chiến tranh Việt Nam bằng cách khẳng định quyền của những người Việt Quốc gia được có một đất nước tự do và độc lập ở miền Nam.

Đáng tiếc, thỏa thuận của Kissinger không phải vì hòa bình mà chỉ là một hiệp định đình chiến, trong thời gian đó Cộng sản Bắc Việt đồng ý rằng họ sẽ tạm dừng chiến tranh xâm lược. Chỉ đến tháng 12 năm 1972, Tổng thống Richard Nixon cuối cùng mới nhận ra điều mà Kissinger đã thất bại trong các cuộc đàm phán bí mật với Hà Nội. Vào ngày 14 tháng 12, một Kissinger đau lòng đã để lộ sự thật khi nói với Nixon, rằng các điều khoản của thỏa thuận được đề xuất tính đến ngày đó “gần như là một cuộc bán đứng”.

Vài phút sau, Nixon nhận xét rằng, Hà Nội “chỉ sử dụng các cuộc đàm phán này cho mục đích… không phải để chấm dứt chiến tranh, mà là tiếp tục cuộc chiến dưới một hình thức khác…”

Kissinger trả lời: “Vì vậy, chúng tôi đã miễn cưỡng đi đến kết luận rằng – ngài đã trình bày điều đó rất rõ ngay bây giờ, thưa ngài Tổng thống – rằng đây không phải là một văn kiện hòa bình. Đây là một văn kiện cho chiến tranh tiếp tục, mà họ tạo ra …”

Nixon: “Chiến tranh không ngừng ở Nam Việt Nam…”

Kissinger khẳng định: “Đúng thế”.

Nixon nói tiếp: “Và hòa bình ở Bắc Việt Nam. Nói cho đúng là vậy.”

Kissinger: “Đúng vậy…”

Nixon sau đó chú tâm vào việc Kissinger bỏ rơi Nam Việt Nam: “Hòa bình ở Bắc Việt Nam và chiến tranh tiếp tục ở Nam Việt Nam, với Hoa Kỳ — và Hoa Kỳ hợp tác với họ trong … trong việc áp đặt một chính phủ Cộng sản lên người dân miền Nam Việt Nam trái với ý muốn của họ”.

Nixon sau đó suy nghĩ về những gì ông thực sự mong muốn: “Chúng ta là đảng mong muốn hòa bình ở Việt Nam, cho cả hai bên. Và hãy để tương lai của đất nước nghèo khổ, đau khổ này được quyết định bởi người dân miền Nam Việt Nam chứ không phải trên chiến trường. Đó là đề xuất của chúng ta. Chúng ta kêu gọi miền Nam và chúng ta kêu gọi miền Bắc đồng ý với điều này. Kêu gọi cả hai cùng đồng ý”.

Điều gì đã sai?

Không có sự cho phép của Tổng thống và không báo cáo sau đó với Nixon, vào ngày 9 tháng 1 năm 1971, Kissinger đề nghị với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin một kế hoạch cho Hà Nội để quân lại miền Nam Việt Nam sau khi ký hiệp định hòa bình và sau đó tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược mà không có sự phản đối của Hoa Kỳ.

Kể lại cuộc nói chuyện với Kissinger, Dobrynin cũng báo cáo với Bộ Ngoại Giao của ông ở Moscow rằng “Kissinger đã đưa ra một nhận xét khá kỳ lạ rằng cuối cùng sẽ không còn là mối quan tâm của họ, của người Mỹ, mà là của chính người Việt Nam nếu một lúc nào đó sau khi Hoa Kỳ rút quân, chiến tranh trở lại”.

Bản báo cáo đồng thời của Kissinger gửi cho Tổng thống Nixon về cuộc gặp ngày 9 tháng 1 năm 1971 với Dobrynin đã không đề cập những gì ông đã đề xuất về tương lai của Nam Việt Nam. Quan điểm công khai của Nixon vào năm 1971 là sự rút lui của các lực lượng Hoa Kỳ và Bắc Việt ra khỏi miền Nam Việt Nam, để lại hòa bình cho miền Nam Việt Nam.

Vào cuối tháng Giêng, đại sứ Liên Xô tại Hà Nội đã chuyển cho Thủ tướng Bắc Việt nội dung báo cáo của Dobrynin gửi cho Moscow. Cộng sản Việt Nam được cho biết: “Nếu Hoa Kỳ cam kết rút toàn bộ lực lượng của mình trong một thời hạn nhất định và có thể không yêu cầu phải rút đồng thời các lực lượng VNDCCH khỏi miền Nam… thì Bắc Việt phải cam kết tôn trọng lệnh ngừng bắn trong thời gian Hoa Kỳ rút quân, cộng với một một thời gian nhất định, không quá lâu, sau khi Hoa Kỳ rút quân… Nếu sau đó lại nổ ra chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam, cuộc xung đột đó sẽ không còn là chuyện của Hoa Kỳ nữa”.

Như vậy cam kết của Kissinger rằng Washington sẽ phủi tay không quan tâm tới những người Việt quốc gia đã được thông báo sau lưng họ cho kẻ thù của họ.

Hà Nội sử dụng một cựu quan chức thuộc địa Pháp, Jean Sainteny, để thông báo cho Kissinger trong bữa ăn trưa ngày 25 tháng 5 năm 1971, rằng họ đã chấp nhận đề nghị của Kissinger. Kissinger nói với Nixon rằng ông đã gặp Sainteny nhưng không nói chi tiết về cuộc trò chuyện trên. Ngày 31 tháng 5 năm 1971, trong cuộc gặp bí mật với các nhà ngoại giao Bắc Việt tại Paris, Kissinger đưa ra đề xuất rằng Hà Nội không cần rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Kissinger kết luận bằng câu nói: “Khi các lực lượng Hoa Kỳ cuối cùng rút đi, tương lai chính trị của Nam Việt Nam sẽ phải được giao phó cho người Việt Nam”. Nhận xét này đã không được báo cáo với Nixon.

Ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1971, Kissinger ở Bắc Kinh gặp Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai để sắp xếp cho chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon tới Bắc Kinh để gặp Mao Trạch Đông. Nhân tiện, Kissinger nói với Thủ tướng Chu Ân Lai về đề xuất lần đầu tiên được đưa ra với Đại sứ Liên Xô Dobrynin.

Trang năm trong tài liệu tóm tắt của Kissinger chuẩn bị cho cuộc gặp của ông với Chu có đoạn: “Thay mặt Tổng thống Nixon, tôi muốn trịnh trọng bảo đảm với Thủ tướng rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện một cuộc dàn xếp mà sẽ thực sự để lại diễn biến chính trị của Việt Nam chỉ riêng cho người Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng rút toàn bộ lực lượng của mình vào một ngày ấn định và để thực tế khách quan định hình tương lai chính trị”.

Kissinger đã không nói với Tổng thống của mình rằng ông đã có cam kết này với những người Cộng sản Trung Quốc. Ở lề trái của trang đó, Kissinger viết, “Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian hợp lý”.

Miền Nam Việt Nam và Nixon đã không biết đầy đủ về dự định kết cuộc của Kissinger đối với Nam Việt Nam cho đến tháng 10 năm 1972, khi hắn đạt được thỏa thuận với Hà Nội về văn bản của một thỏa thuận hòa bình và trình bày thỏa thuận được đề xuất cho Tổng thống Thiệu và Nixon. Vào thời điểm đó, Nixon không thể rút lại sự nhượng bộ của Kissinger rằng Hà Nội có thể để lại quân đội của mình bên trong miền Nam Việt Nam, trước sự phản đối quyết liệt đối với cuộc chiến từ đảng Dân chủ tại Quốc hội.

Sau đó, vào tháng 11 và tháng 12 năm 1972, với sự hỗ trợ của Alexander Haig, Nixon đã cố gắng một cách tuyệt vọng để sửa đổi dự thảo hiệp định hòa bình của Kissinger theo cách có thể để làm tăng khả năng sống còn của Nam Việt Nam, cho phép một hiệp định hòa bình được ký kết và khiến các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội sẵn sàng phê duyệt các khoản phân bổ mới để hỗ trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam.

Những nỗ lực của ông ta đã quá muộn. Nước Mỹ đang dần dần thua lần đầu một cuộc chiến.

Tác giả: Stephen B. Young, cựu Viện trưởng Đại học Luật Hamline, là tác giả của cuốn Kissinger’s Betrayal: How America Lost the Vietnam War, sẽ được xuất bản vào tháng Tư bởi Nhà xuất bản Real Clear.

______

Xem thêm: Kissinger nhận sai lầm – quá muộn và không đủ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.