Giới hạn tự do của quyền tự do hải hành, tự do di chuyển trên biển
Tác giả: Andreas Aditya Salim | The Jakarta Postngày 25/01/2023
Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Hải Quang
Ảnh từ biển: Tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc, Hải cảnh 5901, ở khu vực Bãi Tư Chính cuối năm 2021. Hiện tại, tàu lại đang được triển khai xuống phía nam Biển Đông và đã hiện diện ở các khu vực Bãi Tư Chính, khu vực đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia về thềm lục địa kéo dài, và mỏ khí Cá Ngừ cách EEZ Việt Nam 15 km, vừa mới được Indonesia phê chuẩn kế hoạch phát triển trị giá 3 tỷ USD, dự định xuất khẩu sang Việt Nam vào năm 2026. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông mong sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính cần thiết từ cộng đồng để có thể có thông tin đầy đủ hơn và theo dõi hoạt động tàu hải cảnh/nghiên cứu Trung Quốc trong năm 2023.
Năm 2022 kết thúc với một thành tựu to lớn về luật biển, đó là thỏa thuận về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa Indonesia và Việt Nam. Thật không may, các động thái của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã làm hư hỏng bầu không khí vui mừng của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện này.
Chúng tôi, Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia (Indonesia Ocean Justice Initiative), được biết rằng tàu CCG 5901, con tàu lớn nhất của Hải cảnh Trung Quốc, đang hoạt động ở Biển Bắc Natuna gần Lô Cá ngừ từ ngày 30 tháng 12 năm 2022 đến ngày 10 tháng 1 năm 2023. Người ta có thể lập luận rằng hành động này của Hải cảnh Trung Quốc chỉ đơn thuần là thực hiện quyền đi lại tự do trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác.
Tuy nhiên, xem xét kỹ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho chúng ta thấy một lập luận khác.
UNCLOS quy định rằng tàu của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác.
Nhưng ý định của những người soạn thảo Công ước chưa bao giờ là không đặt ra giới hạn nào đối với quyền tự do hải hành này.
Thứ nhất, “navigation” có nghĩa là đi thuyền theo một hướng cụ thể, không có quyền đi thuyền tới lui và dừng lại không có lý do ở vùng lân cận khu vực quốc gia ven biển đang tiến hành một dự án ngoài khơi quan trọng trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia đó.
Về mặt pháp lý, đúng là không giống như qua lại vô hại và quá cảnh, UNCLOS không đề cập đến ý nghĩa của quyền tự do hải hành. Trong trường hợp không rõ ràng về văn bản, có thể sử dụng các diễn giải.
Tuy nhiên, dựa vào sự thiếu rõ ràng này để biện minh cho tính hợp pháp của việc đi vòng quanh, dừng lại vô lý hoặc các hình thức di chuyển vòng vèo khác sẽ làm mất đi ý nghĩa nền tảng của quyền này. Bản chất của hải hành, như được UNCLOS định nghĩa trong bối cảnh qua lại vô hại và qua lại quá cảnh, là đi qua liên tục và nhanh chóng. Việc dừng, neo chỉ được phép thực hiện trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như trường hợp bất khả kháng.
Bản đồ AIS sơ đồ di chuyển của Hải cảnh 5901 ở khu vực gần Bãi Tư Chính trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam và Lô Cá Ngừ nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, gần đường phân định giữa Việt Nam và Indonesia. Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Cách hiểu này đã được phát triển cẩn thận để bảo vệ lợi ích của các quốc gia có tàu đi biển (flag states) và các quốc gia ven biển, một mục tiêu rất cao cả của UNCLOS. Mục đích và tinh thần của quyền tự do hải hành trong vùng đặc quyền kinh tế không có gì khác biệt.
Thứ hai, những người soạn thảo UNCLOS nhận thức được rằng các vấn đề về không gian đại dương có mối quan hệ mật thiết với nhau và cần được xem xét một cách tổng thể. Cụm từ “liên quan chặt chẽ với nhau” mô tả sự tương tác trực tiếp của một bên thực hiện quyền đối với quyền của một bên khác. Về vấn đề này, UNCLOS quy định nghĩa vụ phải quan tâm đúng mức để đảm bảo sự tương tác này diễn ra một cách hòa bình.
Nói một cách đơn giản, khi một con tàu đi trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển, con tàu này phải cẩn thận tránh vi phạm quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Biểu hiện đơn giản nhất của sự cẩn trọng này là không tiếp cận các khu vực thăm dò, khai thác của quốc gia ven biển. Nếu không chắc chắn, nghĩa vụ thận trọng cần thiết yêu cầu hai bên ít nhất phải tham khảo ý kiến của nhau và tìm ra phương án tốt nhất cho cả hai bên.
Thứ ba, UNCLOS buộc các bên thực hiện các quyền của mình một cách thiện chí. Cụm từ “thiện chí” là một nguyên tắc pháp lý bao trùm và khó có thể định nghĩa một cách tuyệt đối.
Tuy nhiên, “thiện chí” có thể được hiểu là hành động theo cách không xâm phạm quyền của quốc gia khác, hoặc hành động một cách hợp lý và có cân nhắc đến những kỳ vọng chính đáng của quốc gia khác.
Do đó, việc thực hiện một quyền vì một mục đích khác mà quyền này không được dự định, giống như những gì CCG 5901 đã làm, là sai, mặc dù điều này có thể được cho là đúng về mặt văn bản.
Gửi nhiều tàu chiến đến Biển Bắc Natuna là phản ứng hợp pháp và phù hợp của Hải quân Indonesia. Sự di chuyển bất thường của CCG 5901 thể hiện sự không thiện chí, có khả năng vi phạm các nghĩa vụ về sự tôn trọng và thiện chí được điều chỉnh bởi UNCLOS. Đó là điều không thể chấp nhận được và phải chấm dứt.
Có thể đoán trước được rằng Trung Quốc sẽ lại lên tiếng về yêu sách phi pháp và lỗi thời đối với cái gọi là đường chín đoạn của mình. Dù chuyện gì xảy ra, Indonesia cũng không nên lùi bước trước sự phô trương sức mạnh của Hải cảnh Trung Quốc.
Thỏa thuận vùng đặc quyền kinh tế giữa Indonesia và Việt Nam mở ra con đường cho cả hai nước hợp tác trong việc đối phó với Hải cảnh Trung Quốc. Với đường biên giới trên biển rõ ràng, Indonesia và Việt Nam hiện có thời gian và năng lượng để tập trung vào việc tuần tra khu vực. Tăng cường mối quan hệ giữa Cảnh sát biển Indonesia và Cảnh sát biển Việt Nam trong vấn đề này là rất cần thiết.
Ngoài ra, điều quan trọng không kém đối với chính phủ Indonesia là xem xét các biện pháp pháp lý và ngoại giao chiến lược chống lại Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến hoạt động đi lại gần đây của CCG 5901 ở Biển Bắc Natuna.
A.A.S.
*
Người viết là đồng sáng lập và cố vấn cao cấp của Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia (Indonesia Ocean Justice Initiative). Bản gốc bài viết: https://www.thejakartapost.com/paper/2023/01/25/how-free-is-the-freedom-of-navigation.html. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Đinh Tùng Lâm và TS. Hải Quang lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn: https://dskbd.org/2023/01/30/gioi-han-tu-do-cua-quyen-tu-do-hai-hanh-tu-do-di-chuyen-tren-bien/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.