Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Chút suy nghĩ về việc sắp tới đổi tên đường ở TP.HCM

 

Chút suy nghĩ về việc sắp tới đổi tên đường ở TP.HCM

Đỗ Duy Ngọc

19-2-2023

Ảnh: Báo TT

Có tin là Thành phố HCM đang rục rịch đổi tên đường lần nữa. Theo báo cáo, hiện nay có hơn 400 con đường có tên trùng lắp, ghi sai. Sau năm 1975, với khí thế cách mạng bừng bừng, những người có trách nhiệm đồng loạt đổi tên đường. Sài Gòn trước 1975, tên đường được đặt một cách khoa học, chính xác và từ tên đường, người ta có thể nhìn thấy quá trình lịch sử của dân tộc.

Sao không giữ lại, chỉ thay đổi những tên không phù hợp và tăng cường thêm một số tên cho thích nghi với chế độ mới mà phải thay toàn diện thế, có khi đem từ chỗ này gắn lại vào chỗ kia tất tào lao. Người ta làm tốt rồi thì xáo trộn làm chi. Đùng một cái, nhiều tên bị bỏ thay vào đó rất nhiều tên lạ hoắc.

Thông thường, những người được đặt tên đường là những người làm nên lịch sử, những danh nhân góp phần dựng nước và giữ nước mà ai cũng biết tên, những người có công lớn với đất nước, với vùng đất và được nhân dân ca ngợi. Đằng này, từ cuộc đổi tên lần đầu tiên đó xuất hiện rất nhiều tên chẳng ai biết có thành tích, công lao gì. Đó có thể là một người hi sinh khi đặt bom mìn trong thời chiến, cũng có thể là một người hoạt động nội thành bị bắt và chết trong tù, cũng có thể là một anh hùng cách mạng được chế độ phong tặng. Hầu hết nhân dân không hề biết công lao cũng như tên tuổi của họ. Nhiều nhân vật lịch sử bị xoá tên, nhiều chiến công rực rỡ của lịch sử bị gạch bỏ. Chưa kể là việc đặt tên thiếu khoa học, thiếu nhất quán tạo ra những rối rắm và lộn tùng phèo, trùng lắp.

Giờ đây lại tính đổi lại, chưa biết tên ai sẽ được phục hồi, tên ai lại phải bỏ, nhưng trước tiên đã thấy những hậu quả của nó. Thay đổi tên một con đường là thay đổi tất cả mọi giấy tờ, sổ sách liên quan đến con người. Từ Căn cước Công dân cho đến giấy hồng, sổ đỏ của mỗi căn nhà. Từ địa chỉ cơ quan đến công ty cho đến tư gia của mỗi người dân. Là khai sinh, giấy phép lái xe, sổ bảo hiểm cá nhân. Kèm theo đó là tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, hồ sơ cá nhân v.v… biết bao là giấy tờ không kể hết. Nói chung là tất tần tật những gì liên quan đến địa chỉ. Tất cả đều phải đổi thay, cơ quan nào làm cho nổi và người dân tốn bao nhiêu thời gian, qua bao nhiêu thủ tục để đáp ứng cuộc đổi thay này?

Báo Tuổi Trẻ hôm nay chạy tít lớn ở trang nhất “Sắp xếp lại tên đường ở TP.HCM, làm sao tránh xáo trộn lớn”? Xin thưa, làm sao mà tránh xáo trộn lớn khi việc làm đó đã là một xáo trộn quá lớn trong đời sống. Và người dân lại khổ sở với biết bao thủ tục. Xin các ngài làm ơn đừng quậy cái thành phố này nữa. Nay sửa cái này, mai chỉnh cái khác. Hôm nay đập phá cái có mặt hơn thế kỷ, những di tích đã có mặt ở đây hơn trăm năm, rồi xây lên những cái kệch cỡm, khô cứng thay thế. Hồn của một vùng đất phai nhạt dần rồi mất hẳn.

Nếu sắp xếp tên đường lần này, mong các ông mời những chuyên gia, những người am hiểu lịch sử, phong tục thành phố này thực hiện cho kỹ càng, không thể làm theo kiểu phong trào được đâu. Cũng không thể giao cho các ông bà cán bộ văn hoá với kiến thức hạn chế mà làm một việc lớn thế này được đâu.

Các ông lâu nay cứ nghĩ rằng, những người đã kinh qua các lớp cao cấp chính trị, đã xuất thân từ trường Nguyễn Ái Quốc thì việc gì cũng làm được nên quậy tùm lum. Chẳng phải thế đâu các ngài ạ, làm gì cũng phải cần các chuyên gia, những người chuyên môn, không phải chỉ có lý luận là làm gì cũng xong đâu. Lầm chết. Càng làm càng hỏng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.