Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương (Phần 2)
15-2-2023
Tiếp theo Phần 1
Vũ Hoàng Chương người gốc Bắc, làm thơ, nổi tiếng từ trước cách mạng tháng 8.1945 và trong giai đoạn 9 năm sau đó (1945-1975), hạng cây đa cây đề, nhưng từ khi đất nước phân chia hai miền nam bắc thì bị “phân biệt đối xử” hoàn toàn trái ngược.
Suốt thời gian từ năm 1954 tới 1975, ông sống trong Nam, con người và sự nghiệp của ông như thế nào, tôi không dám nhận xét bởi chỉ được nghe lại, nhưng có lẽ đây là thời vàng son, bởi thi sĩ từng rất được yêu mến kính trọng, từng làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam (chính quyền miền Nam), được giải văn chương toàn quốc (miền Nam), được dân chúng và giới văn nghệ xưng tụng là “thi bá”. Nếu không có tài, không có uy tín, dễ gì được vậy.
Suốt thời gian dài trong vòng ba thập niên, tôi sống ở miền Bắc, từ nửa cuối thập niên 50 đến nửa đầu thập niên 70 nên biết rõ việc Vũ Hoàng Chương được chính quyền cộng sản đối xử thế nào.
Nói có người làm chứng, bởi thế hệ trong độ tuổi 60 – 80 giờ còn sống rất nhiều. Có thể nói mà không sợ sai rằng, hầu như gần hết dân Bắc không biết gì về Vũ Hoàng Chương. Đài báo không đề cập, không nhắc tới. Sách giáo khoa lại càng không. Chỗ trong sách giáo khoa chỉ dành cho những Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Ngô Tất Tố…, làm gì còn đất cho những tài năng khác. Ngay cả những Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh… lừng lững cây cao bóng cả một thời văn nghệ cũng còn bị văng ra, vùi dập, huống hồ Vũ Hoàng Chương khác chính kiến quan điểm.
Thói xấu của nhà cầm quyền là, đã ghét thì “đào đất đổ đi” (ghét tới mức ngay cả chỗ đất mà kẻ bị ghét in dấu chân lên cũng phải đào vét ném đi), phải tận diệt đủ mọi cách. Không đài, không báo, không sách, mà những thứ này do nhà nước độc quyền, nên “đương sự” chỉ từ chết tới bị thương. Bộ máy cai trị ở miền Bắc đã khá thành công trong chính sách ngu dân, chặn sự hiểu biết của dân chúng suốt mấy chục năm trời.
Cũng có lúc, rất ít ỏi, người ta nhắc tới Vũ Hoàng Chương và những người như ông, chẳng hạn Phạm Duy, Nhất Linh, nhưng là để… chửi. Đội ngũ những nhà này nhà nọ của văn học phục tùng chính trị như Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Như Phong, Xuân Diệu, Huy Cận…, những bạn bè cũ của Vũ Hoàng Chương, từng một thời khâm phục ông, ca ngợi ông, đề cao ông, nay quay ngoắt chửi ông ra rả, rằng đồi trụy, trai gái, nghiện ngập, khốn nạn, điên khùng, phản động, chống Cộng, thơ chẳng ra thơ, người chả ra người, v.v…
Những sự quay ngoắt như thế, tra tìm tư liệu trên mạng chả khó gì. Nếu họ có nhắc tới Vũ và thơ Vũ, thường đưa ra những câu nhằm hạch tội, đủ thứ tội: “Say đi em/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bậc ngả nghiêng/ Cho điên rồ xác thịt” (tội trụy lạc, trai gái), “Bao giờ ta trở lại cố đô/ Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” (tội phản động, chống cộng), “Ta van cát bụi bên đường/ Dù nhơ dù sạch đừng vương chân này” (tội ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân)… Cứ kiểu kết tội ấy thì thời nay đám văn nghệ sĩ đi tù hết.
Mà cũng biên thêm, vừa rồi trên phây búc có cái tút của một vị giáo sư người Việt sống ở Úc, nói rằng câu thơ “Lưỡi lê no máu…” ấy không phải của Vũ Hoàng Chương, mà do ông Trần Bạch Đằng bịa đặt, chính ông Trần sáng tác rồi gán cho Vũ, trong cuốn “Ván bài lật ngửa” ra đời năm 1982. Tôi khẳng định vị giáo sư đã sai, không công bằng với ông Trần Bạch Đằng, bởi mấy câu thơ ấy chúng tôi đã nghe từ hồi học đại học, năm 1972 – 1976, từ mồm ông Xuân Diệu (tới nói chuyện thơ), từ các thầy khoa văn.
Bọn chúng tôi, hồi đại học được học cái chuyên đề của GS Phan Cự Đệ, đang rất “hot” lúc bấy giờ, tên gọi “Phong trào thơ mới”. Cũng như những vị kể trên, thầy tôi đã chốt lại về Vũ Hoàng Chương thế này: “Từ con đường ca ngợi trụy lạc, ca ngợi xác thịt của Vũ Hoàng Chương đến con đường theo địch cũng không phải là xa lắm!” (Phong trào thơ mới, NXB Khoa học xã hội, 1982, trang 106). Nghĩ cũng thương, trong thời buổi nhiễu nhương, lộng giả thành chân, thầy cũng chỉ nghiên cứu được đến thế thôi.
Về sau, có lần tôi nêu băn khoăn với một đồng nghiệp, đồng môn, thầy Nguyễn Văn Vy, học trước tôi một khóa, sao người ta lại ghét Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nhất Linh đến thế, thậm chí đốt cả sách, coi là văn hóa độc hại. Thầy Vy bảo thế là còn may, chứ các ông ấy mà sống ở ngoài mình lại chả bị lôi ra xử bắn chứ đùa.
Đầu năm 1976, ngay sau khi tốt nghiệp, thầy Vy vào nhận công tác ở Sài Gòn, còn tôi gần giữa năm 1977 mới có mặt. Nhớ hôm tôi mới vào, thầy Vy bảo tôi, mày đã biết gì chưa, Vũ Hoàng Chương chết một năm rồi, sau khi được hỏa lò Chí Hòa thả về vài ngày. Thầy còn đọc cho tôi nghe câu tương truyền của Vũ Hoàng Chương “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/ Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do” rồi cười, thằng cha tài thật.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.