Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

“Đại Ca” bị bắt!

 

“Đại Ca” bị bắt!

Phạm Xuân Cần

19-2-2023

Ông Đỗ Hữu Ca khi đương chức Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Ảnh: Bá Chiêm.

Thật bất ngờ, hôm nay đọc tin thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc CA Hải Phòng bị CA Quảng Ninh bắt vì tội chạy án. Tay này, than ôi lại là học trò cũ của mình ở Đại học ANND. Nhưng, từ hơn 10 năm trước khi xẩy ra vụ Đoàn Văn Vươn nổi tiếng, mình đã ghét nó. Hồi đó mình đã viết bài “Đại Ca viết sách dạy ai?” đăng Bolog Tạp hóa Faxuca.Nhân dịp này bèn đăng lại vậy.

***

“ĐẠI CA” VIẾT SÁCH DẠY AI?

Mấy tuần trước đọc tin tức về vụ Tiên Lãng, thấy cái tin Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng không hài lòng về vụ cưỡng chế, tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Làm sao mà hài lòng cho được với cuộc vây ráp phi nhân, phi pháp ấy. Thế nhưng, hôm nay đọc lại toàn văn bài trả lời phỏng vấn của ông đại tá Ca (từ đây tôi gọi tắt là “Đại Ca” cho tiện) thì tôi thật sự kinh hoàng. Đại Ca đã kể lại cuộc vây ráp của lực lượng vũ trang với một thái độ hoan hỉ khác thường.

Hãy trích một đoạn: “Vụ việc hôm ấy tuy không bắt được đối tượng, nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hợp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo không có cuộc diễn tập nào thành công như cuộc diễn tập lần này. Một là anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa bao giờ có trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách” (vov.vn).

Rất nhiều người đã phê phán thái độ vô cảm, thậm chí tàn nhẫn của ông đối với dân khi mô tả cuộc cưỡng chế như là một trường đoạn trong phim hành động Mỹ như vậy. Tôi không bàn về chuyện đó nữa, chỉ xin hỏi một điều: Đại Ca định viết sách về cái gì vậy? để dạy ai vậy?

Ông định viết về những sáng tạo chiến thuật “rất hay”, “chưa có trong giáo án”, về sự “hợp đồng tác chiến cực kỳ hay” trong cuộc vây ráp này ư? Cứ cho là đội quân hùng hậu của ông đã tác chiến với một lực lượng đối địch thực sự, thì cuộc tập kích đó cũng đã thất bại. Trước hết các ông đã đánh nhầm mục tiêu, ngôi nhà bị tập kích và phá không nằm trong khu vực giải tỏa. Người Nghệ chúng tôi gọi cái “nhầm” này là “cứt ga (gà) một nơi, bỏ mun (tro) một nơi”. Thứ hai, các ông không bắt được đối tượng. Thứ ba, các ông để sáu cán bộ, chiến sĩ bị thương một cách không đáng có. Với ba cái dở như vậy thì mọi thứ chiến thuật ông nói là hay, cực kỳ hay, chưa có trong giáo án trở nên vô nghĩa, thậm chí vớ vẩn!

Thế nhưng, điều tệ hại nhất nằm ở chủ trương cưỡng chế và sự sử dụng lực lượng vũ trang một cách tùy tiện. Nhiều chuyên gia bậc cao đã phân tích rõ ràng các sai phạm của chính quyền trong vụ giao đất, thu hồi, cưỡng chế này. Tôi không bình luận thêm nữa, chỉ muốn nói thêm một điều về hành động của Công an trong vụ này. Trong thể chế chính trị hiện nay Công an có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Chừng nào thể chế chưa thay đổi thì đó vẫn là sứ mệnh của Công an. Ông giám đốc Công an thành phố Hải Phòng có trách nhiệm lãnh đạo đơn vị thực thi nhiệm vụ đó.

Thế nhưng, tất cả mọi sách vở, lý luận xưa này đều nói rằng Công an không phải là thứ công cụ vô tri, vô giác. Công an bảo vệ Đảng và Nhà nước không phải theo lối Thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy. Ngay từ thời cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Công an đã được xác định có chức năng tham mưu và chức năng trực tiếp chiến đấu. Để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền trước hết Công an phải tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền có chủ trương, chính sách, giải pháp hợp lòng dân, vì lợi ích chính đáng của dân. Đặc biệt trong thực thi pháp luật thì Công an luôn luôn được coi là một trong những tham mưu đắc lực cho Đảng và chính quyền. Chắc ông cũng biết rằng việc sử dụng lực lượng Công an trong thực thi các biện pháp quản lý hành chính của nhà nước được quy định chặt chẽ như thế nào. Không có sách vở nào, lí luận nào cho phép đưa lực lượng Công an ra đối đầu, trấn áp nhân dân!

Nếu Đại Ca thật sự có ý định viết sách về vụ cưỡng chế này, tôi chân thành khuyên Đại Ca hãy từ vụ việc đau xót này để đúc rút kinh nghiệm, để không lặp lại sai lầm nghiêm trọng này một lần nữa. Hãy từ vụ việc này để suy nghĩ sâu xa hơn về trách nhiệm và phương thức bảo vệ dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền của Công an. Ngay cả khi chưa tổng kết được điều gì sâu sắc, to lớn, thì cũng xin ông đừng bao giờ đưa những “thành tích” hành dân ra làm điều đắc ý. Đừng coi những cuộc vây ráp như vừa qua là “rất hay”, “rất đẹp”, “cực kỳ hay”.

Bà Nguyễn Thị Thương cùng con trai đón ông Đoàn Văn Vươn ra tù. Ảnh: Zing

Ông đã bao giờ đọc câu thơ rất hay, rất sâu sắc của nhà thơ Việt Phương viết về Cụ Hồ chưa? Đó là câu này: “Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”/ Con xóa chữ “đẹp” đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con”. Mà, đó là đánh giặc ngoại xâm thật đấy ông ạ, không phải đánh… dân đâu! Ông có định xóa mấy chữ “hay”, chữ “đẹp” ấy đi không?

Nếu không nghiêm túc rút kinh nghiệm, mà vẫn với lối nói cực kỳ “vô tư” như ông thì tôi e rằng những “sáng tạo chiến thuật” kiểu Tiên Lãng sẽ tiếp tục được “nhân rộng”. Khi đó thì nhân dân chắc lại phải “rút kinh nghiệm” hộ cho các ông thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.