Sau vụ tóm cả cụm ở Cục Lãnh sự, có sờ đến các Đại sứ quán VN ở nước ngoài?
29-1-2022
Vụ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tóm cả ban lãnh đạo Cục Lãnh sự hôm qua vì tội nhận hối lộ, thực sự là một vụ lớn cho dù về chức vụ, những người bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 27/1 không “to” bằng nhiều ông, bà bị bắt vào thời điểm cận tết mấy năm trước.
Tuy nhiên, vụ này tính chất rất đặc biệt bởi không chỉ là vấn đề tham nhũng, “tranh thủ” mùa dịch mà trong lĩnh vực này, nhiều năm qua, có thể nói ít nhất là trong khoảng 20 năm nay, tình trạng nhũng nhiễu, tham tàn của cán bộ lãnh sự VN, ở nhiều nước đã được lên tiếng, phản ánh nhiều nhưng chưa có vụ nào được điều tra, xử lý đến nơi đến chốn.
Đột nhiên, một vụ việc được khởi tố tại Cục Lãnh sự và cơ quan điều tra khởi tố từ Cục trưởng, Cục phó, Chánh văn phòng cho tới nhân viên, nó cho thấy tính chất nghiêm trọng của câu chuyện. Ở đây, không chỉ là việc nhận hối lộ của vài cá nhân mà đã có dấu hiệu khá rõ của một vụ tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức – yếu tố tăng nặng cho hành vi của mỗi cá nhân. Và hiển nhiên, dân tình rất hả hê, đặc biệt là kiều bào ngoài nước.
Cách đây 4 năm, Chủ tịch một hãng hàng không từng gọi tôi nói chuyện khá dài và có gợi ý hỗ trợ tôi chi phí toàn bộ vé máy bay đi lại đến nhiều nước để điều tra về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, nhân viên của Sứ quán VN. Vì theo ông, tình trạng đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ngại đi, đến Việt Nam do mất nhiều chi phí, thủ tục khi làm visa, có rất nhiều khoản không đúng quy định, nhiều việc làm khó dễ… khiến người ta rất khó chịu khi làm việc với cán bộ, nhân viên lãnh sự VN. Tiếc là thời điểm đó tôi cũng bận nhiều việc mà không nhận lời đề nghị hay ho này.
Nhưng sau đó thì cũng có rất nhiều ý kiến, thông tin phản ánh về tình trạng trên. Có cả một group “Tôi và sứ quán”, nơi nhiều người Việt ở nước ngoài lên tiếng rất gay gắt, cụ thể về những cơ quan lãnh sự nào, cán bộ, nhân viên nào, có những hành vi thế nào gây nhũng nhiễu, vòi tiền…Có cả những kiến nghị rất cụ thể của những kỹ sư, sinh viên, nhà nghiên cứu …Việt Nam ở ngoài nước để chấn chỉnh tình trạng trên ở nhiều cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài. Và Group này thực sự cũng khiến tình trạng trắng trợn ở nhiều sứ quán giảm đi, bớt đi đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế, cho đến nay, theo nhiều người, nó vẫn còn diễn ra khá nặng nề. Một điều dễ hiểu là do những cơ quan này ở nước ngoài, khả năng giám sát, kiểm tra của các cơ quan trong nước kém, lỏng lẻo hơn nhiều với các cơ quan trong nước nên ở đó, người ta dễ làm bậy bạ hơn mà không sợ bị phát hiện, xử lý. Nhận ra lỗ hổng này, một số đại biểu Quốc hội khóa trước đã có kiến nghị đưa vào chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội các hoạt động của cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài. Nhưng đáng tiếc, các kiến nghị này đã không được đưa vào.
Đối với báo chí, trong suốt thời gian dài, lĩnh vực này dường như bất khả xâm phạm vì viết gì người ta hay quy cho là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ quan ngoại giao VN nên tin, bài có viết lên cũng rất dễ bị gỡ, bị ngăn chặn không thể làm sâu hơn.
Cho nên, ngay sau vụ bắt cả nhóm đầu não Cục lãnh sự, Bộ Công an tiếp tục mở rộng, điều tra ở nhiều cơ quan lãnh sự VN ở nước ngoài, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng vào mạnh, xử lý triệt để, làm minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động các cơ quan lãnh sự VN thì bà con còn ủng hộ, vỗ tay lắm lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.