“Loạn” – Có hơn một chữ “Loạn”
Năm đó Bùi Chát và La Hán phòng xin chữ “Loạn” (亂) về treo, kèm theo câu chữ Nho “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nhưng dán lên tường mấy lần đều rớt xuống, cuối cùng dán lên trần nhà.
Còn xin thêm chữ “Đạo” (道) về dán trong nhà vệ sinh.
Kết quả, năm đó loạn thật sự, mà hệ quả kéo theo là một người phát bệnh đột xuất và chết sau đó ít lâu. Một đám cưới hủy hôn ngay vào buổi sáng rước dâu.
Nhưng ở đây xin không nhắc lại hai trong nhiều việc riêng tư ấy, mà chỉ nói về một số cái loạn khác.
Đó là năm mà thơ Mở Miệng xuất hiện ở rất nhiều nơi, bị chửi bới om sòm; rồi NXB Giấy Vụn bắt đầu gây ấn tượng với nhiều bản in, kết quả bị an ninh văn hóa bố ráp các kiểu, triệu tập lên làm việc liên miên.
Đi đâu cũng có ngoại tuyến theo đuôi. Danh sách đen xuất hiện ở nhiều nơi, đến bây giờ vài nơi cũng còn áp dụng cái danh sách đen lạc hậu đó.
Thi sĩ Nguyễn Hoàng Tranh từ Úc về chơi, anh em ra sân bay đón về nhà Khúc Duy, nhậu nhẹt, đọc thơ suốt mấy ngày đêm. Nhậu đến mức mà Khúc Duy ói ra từng thau máu, nằm li bì mấy ngày, tưởng không qua khỏi được.
Dù không có can dự gì, nhưng rồi Tranh cũng vô tình bị đưa vào sổ đen và bị theo dõi, bố ráp, đến mức trốn ra đến tỉnh Bình Định cũng có ngoại tuyến theo đuôi, nhất cử nhất động.
Khúc Duy phải tương kế tựu kế để lén về được nhà của mình – vì ngoại tuyến ngồi các đầu hẻm – để lấy hành lý giúp Tranh.
Chuyện loạn này kéo dài cả năm trời, với vô số tình tiết. Ví dụ đêm trình diễn thơ 1/1/2004 – hình như tại cà phê Uyên Nguyên (Phú Nhuận) – do họa sĩ Lê Triều Điển hỏi mượn giúp địa điểm, bị bố ráp trước giờ khai cuộc, mấy chục khách mời buộc phải ra về.
Vài anh chị em còn lại chuyển ra quán Ruốc gần đó của nhà văn Mường Mán ngồi nhậu, để chờ đợi tin tức.
Tôi và Bùi Chát bị hốt lên đồn điều tra, nhốt suốt đêm. Đến chiều hôm sau, lập biên bản hành chính xong, tạm giữ xe máy, điện thoại và các tư trang khác, thì thả về.
Từ Phú Nhuận đi xe buýt về Gò Vấp, ghé vào tiệm net công cộng thì mới biết tin tức om sòm về đêm thơ bị bố ráp đêm qua. Sau đó đi bộ thêm gần 1km mới về tới phòng trọ, đầu hẻm đã có 2 ngoại tuyến ngồi canh.
Không khí thơ văn lúc ấy thiệt là vui và kịch tính, ngoài các tiệm photocopy là cơ sở in ấn chui, còn có Tiền Vệ, Talawas, eVăn,… và nhiều trang mạng khác cổ xúy, có nhiều người theo dõi, tranh luận, chửi bới, chụp mũ, vu khống.
Việc chưa thấu hiểu được văn chương cách tân, mạng và ngoài luồng, khiến an ninh văn hóa gặp khó khăn, phải riết làm việc, cũng thêm một điểm kịch tính cho đời sống văn nghệ lúc bấy giờ.
Năm loạn này không chỉ thay đổi hình ảnh của Mở Miệng, mà còn liên can, phiền lụy trực/gián tiếp đến nhiều người. Ví dụ họa sĩ Lê Triều Điển, thi sĩ Phan Bá Thọ, họa sĩ Lê Kiệt, họa sĩ Quốc Việt, nhạc sĩ Bạch Cung Thạnh, thi sĩ Liêu Thái, họa sĩ Nguyễn Bá Văn, họa sĩ Nguyễn Mẫn, họa sĩ Ngô Thanh Tùng, nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao, thi sĩ Inrasara…
Chuyện loạn này còn liên quan trực tiếp đến vài người phụ nữ khác, nhưng vì họ ở ngoài giới văn nghệ, nên không tiện kể ra đây.
Hai năm nay Phạm Hoàng Quân không lên Sài Gòn viết chữ nữa, một sáng cuối năm, ngồi nhớ bạn và nhớ về chữ “Loạn” một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.