Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Ghi chép thời sự dịch 2021: Những ngày đen tối (Phần 16)

 

Ghi chép thời sự dịch 2021: Những ngày đen tối (Phần 16)

Nguyễn Thông

4-2-2022

Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4 − Phần 5 − Phần 6 − Phần 7 − Phần 8 − Phần 9 − Phần 10 − Phần 11 − Phần 12 − Phần 13 − Phần 14 và Phần 15

Ngày 23.9

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (trước đó từng là Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thay bà vợ ông Hai Nhật Lê Thanh Hải) khi họp đoàn đại biểu quốc hội thành phố này đã đề nghị: “Tôi nghĩ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, trung ương và thành phố nên xây dựng tượng đài tưởng nhớ và vinh danh ngành y tế”.

Nhiều người nhận xét, làm đến chức ấy mà thứ tư duy tượng đài vẫn chiếm hết chỗ trong bộ óc thì loại cán bộ vậy dân chả trông cậy được gì. Nhiều người đọc báo mậu dịch đã còm khuyên ông nghị Ngân, ông ạ, tượng đài y tế để sau cũng được, từ từ rồi tính, hiện có tượng đài Trần Hưng Đạo ven sông Sài Gòn bị chính quyền cướp lư hương kia kìa, ông có biết không. Có người trên mạng xã hội còn văng tục, rằng thứ cần nói lại đ*o nói, đồ nghị gật…

Lại nhớ câu mà GS Ngô bảo Châu viết trên phây búc năm 2015: Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra tiền tỉ để xây tượng đài, thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.

Ngày 24.9

Tại một con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, Sài Gòn, một đội liên ngành nhân viên y tế, dân phòng, cán bộ phường tới nhà dân vận động và ép buộc dân ngoáy mũi lấy mẫu xét nghiệm Covid, dân không đồng ý. Hai bên xung đột, đoàn chức việc bị hành hung, ầm ĩ cả lên. Công an tới điều tra, hỏi đầu đuôi, dân than bị chọc mũi hoài, tuần 3 lần, nên họ chịu không nổi, phát khùng.

Đang lúc dịch căng thẳng, báo VnExpress đăng bài về đứa bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh mê đọc sách. Cháu tên Biện Nguyễn Khôi Nguyên, bố nó là cán bộ Trường đại học Hà Tĩnh, mẹ là giáo viên trung học phổ thông, ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Cậu ta đang học lớp 5, gặp lúc dịch dã căng phải nghỉ học nên có nhiều thời gian đọc sách. Cậu nói với nhà báo, trong những ngày tới, quyết đọc xong bộ sách Lê Nin toàn tập 30 cuốn. Dư luận nhiều ý kiến khen chê.

Chỉ lạ một điều, tới lúc này mà nhà ấy vẫn còn đủ bộ Lê Nin toàn tập, mà lại khuyến khích một đứa trẻ lên 10 đọc. Hay xứ Nghệ Tĩnh lại sắp có vĩ nhân. Ngày xưa “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” còn nay “Cẩm Xuyên sinh thánh”, biết đâu đấy. Thế thì dân ta còn khổ dài dài. Ôm Lê Nin mà sướng được thì thế giới này họ đã tranh mất rồi, chả tới phần dân mình, nước mình.

Ngày 24.9

Lão trượng Đoàn Khắc Xuyên, tức nhà báo Đoàn Khắc Xuyên mà đám đồng nghiệp rất kính trọng nể phục quý mến, khi đọc báo Tuổi Trẻ về vụ chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (quê bác Xuyên) yêu cầu công dân muốn ra khỏi tỉnh nhất thiết phải được UBND tỉnh cho phép, đã buông một câu: Họ chống dịch theo kiểu hành dân ra bã, tước mọi quyền tự do chính đáng của công dân. Đến khổ với tâm và tầm của những cán bộ lãnh đạo kiểu này.

Cũng bài báo ấy, hôm qua ông hàng xóm nhà tôi đọc xong bảo, ông ạ, phong tỏa cấm vận như thế chả khác gì cái nhà giam khổng lồ, mỗi người dân là một tù nhân, bị đọa đày bởi chính sách cai trị ngu muội, hà khắc.

Ngày 27.9

Ở tỉnh Đồng Nai, người ta (cả dân chúng lẫn nhà chức việc) phát hiện một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái bị kiệt sức trên cầu Hóa An. Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, anh Nguyễn Văn Dũng, người chồng, cho biết gia đình anh quê ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, lao động vất vả mà vẫn quá khổ nên cách nay 3 tháng hai vợ chồng dắt theo 2 con gái 15 và 9 tuổi tới thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng nai làm thuê, làm mướn, phụ hồ kiếm sống, ráng dành dụm tiền cho con đi học lại. Nhưng dịch kéo dài, chả ai thuê mướn nữa nên thất nghiệp, không tiền trả thuê phòng trọ bị chủ nhà đòi lại “nhà”, đuổi ra ngoài. Rỗng túi, không có gì ăn, cứ xin của người này người kia sống tạm qua ngày, lang thang vật vờ được mấy hôm chịu không nổi, cả nhà quyết định đi bộ về quê. Đã lặn lội được 3 ngày đêm rồi, tới cầu Hóa An thì vợ chồng con cái đều kiệt sức.

Vợ chồng con cái chở nhau về quê tránh dịch trốn đói. Ảnh trên mạng

Trước đó vài hôm, báo chí cũng đăng chuyện một thanh niên quê Thanh Hóa bị mất việc, hết tiền, chẳng còn gì bỏ vào mồm, nhà trọ khóa cửa không cho vào, đành đi bộ từ Quảng Ngãi về xứ Thanh, tới tỉnh Quảng Nam kiệt sức, ngủ vạ ngủ vật ven đường. May được dân địa phương phát hiện, hỏi han đầu đuôi, có người tốt thương tình cho chiếc xe đạp và đồ ăn thức uống đem theo dọc đường ráng về tới quê nhà.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.