Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Chẳng có chi lo âu, sợ hãi!

 

Chẳng có chi lo âu, sợ hãi!

Lê Huyền Ái Mỹ

4-2-2022

Những công đoạn cuối cùng trong việc chỉnh trang, tu bổ công viên Mê Linh, tượng đài Trần Hưng Đạo đang gấp rút hoàn thành. Với diễn tiến này, có lẽ ngày mở cửa sẽ đúng vào dịp rằm tháng Giêng, cũng là trong khoảng 15-17/2/2022, tròn 33 năm cuộc chiến đấu bảo vệ các tỉnh biên giới phía Bắc trước sự tấn công của đội quân xâm lược Trung Quốc.

Và có thể, đó cũng là ngày, là dịp thành phố cung thỉnh lư hương thờ Đức Thánh Trần về lại “nguyên quán”.

Nếu năm 2019, tức tròn 40 năm sự kiện lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc; khi Ban tuyên giáo “mở cửa” cho báo chí đồng loạt lên tiếng, lên tiếng một cách chân xác, mạnh mẽ thì tại TP.HCM lại có vẻ như muốn “đóng cửa” khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo với việc “biến mất” lư hương đặt dưới bệ thờ. Dư luận dậy sóng. Sóng không hề lặng khi gió vẫn thổi mà chờ ngày phục vị lư hương.

Ba năm sau, sau những mất mát, tan tác bởi đại dịch, giữa những ngổn ngang, gắng gượng để hồi sinh, tái thiết; dù không nói ra nhưng ai cũng biết, cũng hiểu trước cái sự đã rồi, của người đã làm nay tìm ngày lành tháng tốt mà cung thỉnh về lại.

Và nếu chọn đúng rằm tháng Giêng, cũng là những ngày tháng Hai lịch sử thì quả thật là hợp lý, thuận tình. “Lấy” dịp nào thì “trả” về đúng dịp nấy, ấy là sòng phẳng. Nếu đã từng có chút âu lo, lo sợ về việc “một bộ phận người dân” tập trung về đấy mà biểu lộ tinh thần yêu nước thì nay, ghi nhận, thừa hưởng tinh thần ấy, nên chăng xem đấy như là “kháng thể” bền vững nhất để hồi sinh mà cùng nhau tái thiết, phục hồi sau cơn thập tử. Ấy là sự khôn ngoan, phải lẽ.

Một Con Người mà di huấn “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức” đã tạc nên bức trường thành giữ nước “Chúng chí thành thành” để muôn đời sau, bài học dành cho người nhiếp chính cầm quyền “thượng sách giữ nước” không ngoài “khoan thư sức dân làm kế rễ bén gốc”.

Hà cớ gì, rễ đã bén lại tìm cách mà trất gốc đi! Họa đổ nước cũng từ cái thiển cận, hôn trầm ấy mà ra.

Những ngày tháng Hai, nghe Tùng Dương hát “1979 Chi Lăng”, ngước nhìn tượng Đức Thánh Trần uy dũng, chút dư âm chiến thắng 3-1 còn đó, lại nhớ loạt bài viết về sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc (báo Phụ Nữ TP.HCM) tôi và đồng đội được gọi tên “giải nhất” báo chí TP, tất cả cứ như dòng chảy tiếp nối. Càng thương hơn dải đất này, càng bền lòng hơn với sức mạnh vạn đại, chẳng có chi phải lo âu, sợ hãi.

Mai là mùng 5 Tết, lại nhớ lời tuyên thệ của vua Quang Trung tại lễ “thệ sư” trước khi tiến ra Bắc Hà, làm nên kỳ tích Ngọc Hồi – Đống Đa: “Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.