Hiện tượng Đinh Văn Nơi: “Dân túy kiểu công an trị”
5-10-2021
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc CA tỉnh An Giang, có cuộc nói chuyện riêng tư qua điện thoại với cựu Bí thư tỉnh này được tung lên mạng. Dù người trong cuộc nói rằng đoạn ghi âm này bị cắt ghép với ý đồ xấu, nhưng xuyên suốt cuộc nói chuyện người nghe dễ nhận ra, ông Nơi có phát ngôn rất “dân tuý” và sẵn sàng “bật lại” các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong công tác phòng chống dịch.
Chỉ vì bất đồng quan điểm với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về vấn đề đón người “chạy dịch” trở về quê nhà, ông Nơi, qua điện thoại nói năng rất vô tổ chức: “…Đứa nào làm thì ra mà làm đi, tui không làm đó… Tui không làm đó, ổng làm gì được tui…”.
Cách nói chuyện của ông Nơi cho thấy ông ta có một thái độ phản kháng, phá vỡ đi nguyên tắc chính trị và quy định pháp luật hiện hành, đó là Công an tỉnh phải chịu sự quản lý và điều hành của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
Sự “bật lại” của ông Nơi đối với Chủ tịch tỉnh là điều đáng lo hơn là đáng khen. Nó thể hiện sự nổi lên của một xu hướng “công an trị”- tức công an luôn muốn vượt ngoài sự quản lý và kiểm soát của hệ thống chính quyền dân sự, không thực hiện hoặc làm trái với các chỉ đạo hay yêu cầu của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp.
Lẽ ra trong trường hợp có bất đồng, ông Nơi cần tham mưu cho Chủ tịch tỉnh, đề xuất ý kiến của mình để có sự thống nhất trong hệ thống chính quyền, và phải chấp hành các quyết định của UBND tỉnh. Chứ không phải khi Chủ tịch tỉnh quyết định “không đón người tự ý về”, còn Giám đốc Công an tỉnh thì bày tỏ thái độ phản kháng mang màu sắc “dân tuý” để lấy lòng dân như vậy.
Phong cách dân tuý của ông Nơi chỉ là dạng kiểu cách như ông Đinh La Thăng và Nguyễn Bá Thanh, chứ không phải là một “phong cách dân chủ” cần có của một người lãnh đạo.
Thực tế cho thấy, nơi nào có những người dân đang khốn cùng, là nơi đó tạo ra cơ hội cho các nhà lãnh đạo dân tuý nổi lên để lấy lòng dân và thủ đắc thêm quyền lực cho chính họ mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.