Đặc điểm của những người tin vào thuyết âm mưu khi tranh luận
20-10-2021
Vừa nhận ra một vài đặc điểm của những người tin vào thuyết âm mưu khi tranh luận.
1. Gieo rắc sự ngờ vực. Ví dụ:
– Mày có chắc mày là con ruột của bố mẹ mày không?
– ơ kìa, tất nhiên tao là con ruột của bố mẹ tao rồi.
– bằng chứng đâu?
– tao có giấy khai sinh.
– giấy khai sinh là do bố mẹ mày làm, họ bảo mày là con ruột, nhưng mày có dám chắc họ nói thật không?
Tất nhiên là họ không quan tâm việc bạn có là con ruột của bố mẹ bạn hay không, cái họ cần là bạn nảy sinh sự nghi ngờ. Trong bất cứ vấn đề nào, từ vắc-xin cho đến hiện tượng hay sự kiện, cái họ hướng tới là lật đổ sự thật bằng cách gieo rắc sự ngờ vực.
2. Đẩy trách nhiệm chứng minh về phía đối phương.
Khi tranh luận với những người này thì họ sẽ đẩy trách nhiệm chứng minh về phía bạn. Kiểu, mày chứng minh mày là con ruột của bố mẹ mày đi. Trong khi nhẽ ra nếu nó muốn mình tin mình không phải con ruột thì nó phải đi chứng minh chứ. Ơ kìa, wtf!
Nhưng chiến thuật này của họ lại tỏ ra rất hữu dụng, bằng cách đẩy trách nhiệm chứng minh về phía đối phương, họ sẽ luôn ở cửa trên trong bất cứ màn tranh luận nào, vì họ chỉ cần đọc thần chú “chứng minh đi”.
3. Đánh lạc hướng.
Nếu gặp phải ai đó trang luận cứng, đưa ra các lập luận và dẫn chứng đanh thép, thì họ sẽ lập tức chuyển chủ đề, hoặc cùng lúc nói về dăm ba thứ để bạn quên đi chủ đề ban đầu. Đây là kế “ve sầu thoát xác”, biết bản thân ở vào thế bí nên phải thoát thân.
Ví dụ, đang tranh luận về vắc-xin thì tự dưng lại lôi khẩu trang, kiểu test, đủ các thứ ra để bắt bạn chứng minh.
4. Công kích cá nhân.
Họ sẽ bảo là bạn thiếu hiểu biết, rồi thì bạn có vấn đề tư duy, hay bạn bảo thủ, bạn bla bla bla. Cốt là để chọc tức bạn, khích bác người khác sẽ khiến người ta mất bình tĩnh do đó sẽ bỏ cuộc tranh luận hoặc sẽ chuyển từ tranh luận sang cãi nhau. Mà đã cãi nhau thì huề cả làng.
5. Chửi càn.
Nếu khích bác không khiến bạn nổi giận thì họ sẽ chửi. Chửi bạn ngu, đần, đủ thứ cả. Cốt cũng là để khiến bạn chửi nhau với họ thôi. Vì đã chửi nhau thì lại thành huề cả làng.
Thuyết âm mưu nguy hiểm thế nào?
Xã hội loài người vận hành dựa trên sự tin tưởng, từ việc làm ăn chúng ta tin tưởng rằng đối tác sẽ tôn trọng thoả thuận, đến chuyện tình cảm chúng ta tin tưởng đối phương trung thành. Việc gieo rắc sự ngờ vực vào những thiết chế xã hội vô cùng quan trọng như kết quả nghiên cứu khoa học, nền dân chủ, vân vân, sẽ dẫn đến tình cảnh hỗn loạn và nhiều khi là mạng người như trong đại dịch này chúng ta đã chứng kiến.
Vậy chẳng nhẽ ta không nên nghi ngờ?
Có, phải nghi ngờ chứ! Nghi ngờ giúp chúng ta tỉnh táo, và bảo vệ bản thân. Vấn đề là nghi ngờ thế nào. Chắc hẳn ai cũng đã nghe đến thuật ngữ “nghi ngờ hợp lý”, tức là sự nghi ngờ của chúng ta phải dựa trên lý lẽ, lập luận logic, bằng chứng khoa học. Chứ không phải dựa trên những câu nói vu vơ kiểu “mày có chắc mày là con ruột bố mẹ mày không?”.
Chúng ta biết vắc-xin hiệu quả bởi vì đã có vô vàn nghiên cứu, thực nghiệm, cải tiến, hàng ngàn loại vắc-xin đã được đưa vào sử dụng và rất nhiều bệnh tật đã bị xoá sổ. Công trình vĩ đại đó, với hàng núi dữ liệu, chẳng nhẽ lại không bằng mấy cái post giật gân trên Facebook hay mấy bài đăng trên website đuôi wordpress hay sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.