Về một nguy cơ của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay
Nguyễn Trọng Bình
Vanvn- “Nếu giáo dục đại học có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở đại học phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những yêu cầu ngắn hạn” – GS Huỳnh Như Phương.
1. Mở đầu
Ngay khi vừa nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và yêu cầu ngành giáo dục trong thời gian tới phải làm sao tổ chức “học thật”, “thi thật” để có “nhân tài thật”. Điều này cho thấy, ở tầm quản trị vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ có vẻ như đã nhận ra, chính những điều không thật đang tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay là nguyên nhân gây ra sự trì trệ, cản trở cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhà giáo – nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Bình
Sự học, bể học là mênh mông, tuy vậy, xét riêng trong phạm vi trường học muốn “học thật”, “thi thật” để có “nhân tài thật” thì điều quan trọng trước hết là phải “dạy thật”. Giống như muốn có trò giỏi tất yếu phải có thầy giỏi, muốn “dạy thật” phải có những người “thầy… thật”. Nhưng thế nào là “thầy thật”, thầy giỏi? Nói theo thuyết “chính danh” của Khổng Tử là “thầy phải ra thầy” xét ở cả hai phương diện trí tuệ, tri thức và thái độ, phẩm hạnh (đạo đức khoa học, đạo đức nghề nghiệp).
Vậy nên, theo logic trên, muốn có “nhân tài thật” thì căn cơ mấu chốt nhất vẫn là vai trò, vị thế của người thầy. Đáng tiếc thay, hình ảnh và vị thế của người thầy trong xã hội hôm nay đang bị sứt mẻ rất nghiêm trọng.
Và đáng tiếc hơn nữa, trong chuyện này, dư luận thời gian qua dường như chỉ mới tập trung “mổ xẻ” hình ảnh, vị thế của những người thầy ở bậc học phổ thông, trong khi đó, hình ảnh vị, thế người thầy ở bậc đại học và sau đại học lại rất ít quan tâm đúng mức. Đây không những là sự thiên lệch, thiếu công bằng mà sâu xa còn cho thấy cái nhìn định kiến rất sai lầm trong vấn đề “đổi mới căn bản toàn diện” nền giáo dục nước nhà.
Nói cách khác, tuy vẫn tồn tại những bất cập, nhưng so với giáo dục đại học, thì giáo dục phổ thông ở Việt Nam, theo chúng tôi, dù sao vẫn không đến nỗi nào; chất lượng giáo dục giáo dục phổ thông dù sao vẫn không đáng lo bằng giáo dục đại học.
Xét trên mặt bằng chung, học sinh phổ thông ở Việt Nam hoàn toàn không thua kém học sinh phổ thông thế giới. Chỉ là, khi lên đến đại học thì ngược lại. Thế nhưng, việc “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục hiện chỉ tập trung vào một phương diện duy nhất đó là đổi mới nội dung chương trình và SGK phổ thông – vấn đề thật ra, cũng chưa bức thiết bằng sự lạc hậu, trì trệ trong tư duy tổ chức và điều hành nền hành chính giáo dục ở cấp học này.
2. Tầm quan trọng của giáo dục đại học trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước
Giáo dục đại học có vai trò quyết định trong việc đào tạo nhân tài cho xã hội và đất nước. Nếu như giáo dục phổ thông là giai đoạn “chạy đà” có tính phát hiện và chuẩn bị thì giáo dục đại học là giai đoạn “tăng tốc” mang tính quyết định để “về đích”.
Giáo dục đại học, trước hết trực tiếp cung cấp nguồn nhân lực (trình độ chuyên môn, kỹ năng, đạo đức…) ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nguồn nhân lực tham gia vào việc quản trị quốc gia trong bộ máy công quyền. Ngoài ra, là nguồn nhân lực mang tính kế thừa để tiếp tục quay trở lại thực hiện sứ mạng “trồng người” trong hệ thống giáo dục quốc gia.
Với vai trò như vậy, nên giáo dục đại học phải là môi trường tối ưu nhất để người dạy và người học cùng trau dồi, rèn luyện không chỉ kiến thức, tri thức, kỹ năng có tính chuyên môn hóa (trong từng lĩnh vực, ngành nghề…) mà quan trọng còn là thái độ, phẩm chất của những trí thức với vai trò dẫn dắt xã hội trong tương lai.
Nói khác đi, cho dù giáo dục phổ thông có tốt đến mấy nhưng giáo dục đại học không phải là nơi để thế hệ trẻ tin tưởng và an tâm tiếp tục con đường học vấn, rèn luyện chuyên sâu để thật sự trưởng thành thì cũng là sự thất bại của nền giáo dục quốc gia.
Thời gian qua, giáo dục đại học ở Việt Nam tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, nhưng nhìn chung vẫn chưa thật sự làm chúng ta an tâm. Nguồn nhân lực có bằng cấp đại học (và sau đại học) tuy có tăng lên rõ rệt về lượng nhưng về chất lại chưa/không tương xứng.
Dù đã rất cố gắng tạo nên sự thay đổi nhưng các đại học tốt nhất Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào tóp các đại học hàng đầu của khu vực và thế giới. Đó cũng là lý do chúng ta vẫn thường nghe các nhà tuyển dụng trong nước than phiền về chất lượng lao động. Hay cụ thể hơn, là vấn đề “chảy máu chất xám”, “tị nạn giáo dục” sau giai đoạn phổ thông đang ngày một có chiều hướng gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Tuy vậy, với quan điểm muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, muốn có nhân tài thật phải có đội ngũ nhà giáo… thật, tôi cho rằng những hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là hệ quả tất yếu từ những bất cập về tư duy quản trị đại học, đặc biệt là vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên ở các trường đại học thời gian qua. Nói như GS Huỳnh Như Phương thì “đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay”[1].
Đã đến lúc các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý cần nghiêm túc và cầu thị nhìn nhận những bất cập này để từng bước tháo gỡ.
3. Thử lý giải một số nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay
Quan sát thực tế giáo dục đại học hiện nay, tôi cho rằng có một số nguyên nhân cơ bản đã ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng viên đại học như sau:
Thứ nhất, việc ồ ạt mở rộng mạng lưới các trường đại học nhất là các trường đại học ngoài công lập trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ những người làm công tác quản trị, điều hành lẫn trực tiếp đứng lớp.
Có thể thấy, hiện nay ngoài các trường đại học có bề dày truyền thống trong đào tạo thì lực lượng giảng viên ở hệ thống các trường mới thành lập đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Vì thiếu hụt nên có trường phải tận dụng những người có bằng cấp Ths, TS vốn là các quan chức ở các cơ quan nhà nước hay các giảng viên các trường đại học công lập đã nghỉ hưu với tính chất thời vụ, chắp vá; lại có trường nôn nóng gửi giảng viên đi đào tạo ở cơ sở đào tạo dễ dãi (các “lò ấp” Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước hay các trường “đại học ma” ở nước ngoài mà dư luận đã nhiều lần phản ảnh) để nhanh chóng hợp thức hóa mảnh bằng nhằm đối phó với quy định của ngành hơn là chú trọng đến tư duy và năng lực thật sự.
Thứ hai, sự mâu thuẫn, xung đột về quan niệm giáo dục giữa các nhà đầu tư với lãnh đạo các trường đại học; hay sự chênh lệch và bất công về thu nhập giữa hai thành phần này với phần lớn đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu trong nội bộ trường đại học (đặc biệt là ở hệ thống các trường ngoài công lập do quyền lực tập trung vào một nhóm người với vai trò chủ đầu tư, “đồng sáng lập”…).
Không phải tất cả nhưng phải thẳng thắn nói rằng, trong hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập hiện nay có những thành phần“đáng cảnh giác nhất về lâu dài cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và cả văn hóa dân tộc”. Thành phần này “ngoài miệng luôn hô hào giáo dục phi lợi nhuận, giáo dục vô vị lợi, nhưng khi thực hành thì dùng thủ đoạn để thu vén cá nhân, lập sân sau trong đào tạo, tích lũy của cải bằng con đường kinh doanh giáo dục”.[2]
Những người này gần như chi phối tất cả mọi hoạt động ở trường đại học, từ việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cho đến phân chia lợi nhuận mà phần thiệt bao giờ cũng thuộc về đội ngũ thầy cô giáo – đối tượng lẽ ra phải được quan tâm, chăm chút nhiều nhất.
Giảng dạy ở đại học là công việc rất vất vả. Các giảng viên ở đại học ngoài tư cách của một nhà giáo còn là tư cách của những nhà khoa học. Công việc vất vả là thế nhưng quyền lợi lại không tương xứng là nguyên nhân chính làm cho đội ngũ giảng viên thất vọng đưa đến tình trạng mất niềm tin, giảm động lực hoặc thậm chí bỏ việc. Một số trường đại học, vì thế, luôn trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ các giảng viên thật sự có năng lực và tâm huyết để phục vụ lâu dài.
Cuối cùng, vấn đề phẩm chất và “thái độ trí thức” của đội ngũ giảng viên đại học hiện nay cũng là chuyện rất đáng để suy ngẫm và xấu hổ cho những ai có lòng tự trọng. Một trong những biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là sự bất nhất, bảo thủ, “nói một đằng làm một nẻo” của không ít các “cây đa, cây đề” ở các trường đại học, viện nghiên cứu liên quan đến việc đào tạo sau đại học hay tham mưu và thực thi các chính sách giáo dục ở tầm vĩ mô của Nhà nước.
Một ví dụ rất cụ thể là thời gian qua, không ít người sau khi nhận ra những bất cập trong quy trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; điều kiện để phong học hàm PGS, GS nên đã đề nghị ngành giáo dục phải siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn cho phù hợp với “thông lệ” và “hội nhập quốc tế”… Thế nhưng, đáng buồn thay, trong nhiều trường hợp chính họ chứ không phải ai khác, trong tư cách người hướng dẫn hoặc phản biện các luận văn, luận án, đề án,… đã “dễ dãi” thông qua các luận án, công trình kém chất lượng; gây ra cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Không ít “cây đa cây đề” ngoài miệng thì lên án, mỉa mai học hàm, học vị cao ngất ngưỡng của các quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy cũng chính chọ đã bỏ phiếu thông qua và cấp bằng cho chính các quan chức kia.
Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng đội ngũ giảng viên đại học không thật sự đảm bảo dù đa phần đều có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…
Khi trình độ các giảng viên đại học không đảm bảo tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Đặc biệt với các trường đại học sư phạm thì hệ lụy còn khủng khiếp hơn. Nó là cái vòng xoáy của sự luẩn quẩn vì thầy ở đại học chính là thầy của đội ngũ giáo viên phổ thông.
Không những vậy, đa phần họ còn tham gia trực tiếp vào các khâu, các dự án, đề án đổi mới giáo dục phổ thông dù có người cả đời chưa từng đứng lớp dạy ở cấp học này bao giờ. Sự đổi mới, vì thế vừa khiên cưỡng, chấp vá vừa luẩn quẩn, không có lối ra.
4. Giải pháp nào?
Trong công trình nghiên cứu mới đây, sau khi đã phân tích và chỉ ra những bất cập và hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam trong khoảng 20 năm qua, Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng cần “đổi mới việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống giáo dục đại học, bao gồm cả những người giảng dạy lẫn những người làm công tác quản trị đại học”.
Theo đó, ông đề nghị ngành giáo dục cần “áp dụng lại cách bầu cử hiệu trưởng và trưởng khoa, có cương lĩnh tranh cử một cách dân chủ, trực tiếp, bỏ phiếu kín và công khai kết quả như đã thực hiện vào đầu những năm 1990”.
Ngoài ra, là có một “cơ chế phối hợp để tạo điều kiện cho những nhà khoa học giỏi, có khả năng sư phạm đem kiến thức và kinh nghiệm truyền thụ cho sinh viên”. [3]
Tán đồng quan điểm trên của Giáo sư Huỳnh Như Phương, trong tinh thần chung về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, chúng tôi mạo muội đề xuất thêm hai giải pháp cụ thể như sau:
– Một là, tổng rà soát, đánh giá hoạt động tài chính của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học nhất là hệ thống giáo dục ngoài công lập trên cả nước trong khoảng 20 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt xem xét vấn đề quản trị tài chính, phân chia lợi nhuận của các nhà đầu tư; vấn đề phân bổ kinh phí nhằm tái đầu tư về cơ sở vật chất cũng như chi trả thù lao cho đội ngũ cán bộ giảng viên làm công tác quản lý và trực tiếp giảng dạy… Trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung các điều khoản vào Luật giáo dục đại học liên quan đến việc tự chủ tài chính nhằm giám sát chặt chẽ vấn đề này.
Như đã nói ở trên, giảng viên đại học là thành phần rất quan trọng trong cấu trúc của một trường đại học nhưng sự đầu tư cho thành phần này (thông qua việc chi trả thù lao giảng dạy và nghiên cứu) đang có sự chênh lệch lớn giữa những người chủ trường và những người làm công tác điều hành, quản lý.
Có thể nói, một số nhà đầu tư, các lãnh đạo ở các trường đại học hiện nay một mặt muốn thoát ra khỏi “cơ chế xin - cho” từ Bộ giáo dục và đào tạo; luôn đòi hỏi, kiến nghị Nhà nước trao quyền “tự chủ”, tự quyết mọi thứ nhưng mặt khác, họ lại duy trì và áp đặt cơ chế này vào mọi hoạt động tại các cơ sở giáo dục đại học mà họ đang nắm quyền nhất là về tài chính và các quyền lợi vật chất khác.
Đang có một xu hướng rất đáng lo ngại và xấu hổ là các chủ đầu tư thực dụng từng bước thỏa hiệp với một bộ phận nhà giáo do không kiềm chế được lòng tham (được các nhà đầu tư thuê và bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo như Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể…) nhằm thao túng và chèn ép đội ngũ giảng viên cơ hữu có tâm huyết và tự trọng. Đây không những là một thiệt thòi và bất công đối với đội ngũ giảng viên ở khu vực ngoài công lập mà còn là nguy cơ gây cản trở nỗ lực đổi mới giáo dục của nhà nước; là nguyên nhân gây ra cảnh “đấu đá nội bộ” nhằm giành kiểm soát quyền lực ở các trường đại học, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và tâm lý chung của người học.
– Hai là, vừa qua Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030” (còn gọi là đề án 89).
Việc phê duyệt này cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Tuy vậy, việc triển khai như thế nào trong thực tế mới là chuyện đáng bàn. Bài học về những bất cập và hạn chế liên quan đến các đề án đào tạo Tiến sĩ trước đây (đề án 911, đề án 322) vẫn còn nguyên đó.
Thế nên, điều quan trọng nhất là phải khắc phục được tình trạng đào tạo kém chất lượng ở các “lò ấp” mà dư luận đã phản ánh thời gian qua. Muốn vậy, ngành giáo dục cần có một cuộc tổng rà soát; kiên quyết xử lý hành vi gian dối về văn bằng, các vi phạm về quy chế đào tạo; hay vấn nạn đạo văn, đạo luận án… Từ đó bổ sung các quy định cụ thể nhằm chế tài các hành vi ấy, đặc biệt là việc liên đới chịu trách nhiệm đối với những người làm công tác hướng dẫn và phản biện khoa học nếu dễ dãi thông qua các công trình gian dối và kém chất lượng.
Khách quan mà nói, vấn đề đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay không phải nằm ở quy định, quy trình có “phù hợp với thông lệ quốc tế” hay không mà là vấn đề “đạo đức khoa học”, “đạo đức nghề nghiệp” của các thành viên trong Hội đồng thẩm định.
Đã đến lúc phải luật hóa các vấn đề liên quan đến “đạo đức khoa học”, “đạo đức nghề nghiệp” của đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam. Nếu không làm tốt khâu này sẽ rất khó để có được một đội ngũ giảng viên đại học có năng lực và phẩm chất, nhất là một “thái độ trí thức” lành mạnh, đúng đắn.
5. Thay lời kết
Từ những hạn chế và bất cập của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nhất là các vấn đề liên đến năng lực và phẩm chất của đội ngũ giảng viên; chúng tôi cho rằng, đổi mới tư duy quản trị giáo dục đại học nói chung của những người có trách nhiệm là vấn đề cấp bách mang tính gốc rễ nếu muốn có nhân tài thật. Nói khác đi, nếu công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” của chúng ta hiện nay vẫn không góp phần thay đổi nhằm nâng cao vị thế thực sự của người Thầy sẽ khó tạo ra sự đột phá về chất lượng giáo dục đại học.
Bởi “một trường đại học mà những người quản trị bất tài và không có tâm huyết thì rất khó để có được một đội ngũ nhà giáo tài năng và yêu nghề thật sự (…). Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong đại học thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người khác theo hình ảnh và kích thước của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Nó không những ngăn cản việc xây dựng một đội ngũ nhà giáo có năng lực và uy tín mà còn làm suy giảm nhiệt huyết của họ, gieo trong họ tâm lý thực dụng và thờ ơ với sự nghiệp giáo dục.
Nếu giáo dục đại học có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở đại học phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những yêu cầu ngắn hạn”. [4]
Thiển nghĩ, ý kiến trên của GS Huỳnh Như Phương là lời gợi nhắc để tất cả những ai đang làm công tác giáo dục, nhất là giáo dục đại học, cùng suy ngẫm.
CT, 14.10.2021
N.T.B.
_____________
[1], [2], [3], [4]: Huỳnh Như Phương, Giáo dục đại học Việt Nam bước vào những năm 2020 (in trong “Việt Nam hôm nay và ngày mai”). Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2021.
Nguồn: vanvn.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.