Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Sự yếu đuối của con người

 

Sự yếu đuối của con người

Thái Hạo

23-10-2021

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, vị cao tăng vừa rời đi trong niềm tiếc nhớ của nhiều người có nói một câu mà báo chí và dân mạng nhắc đến nhiều trong mấy ngày gần đây: “Trong chùa không nên có tiền, tôi không ở gần tiền được”.

Thực ra đây là giới luật hiển nhiên trong nhà Phật, không phải điều gì kỳ đặc và phi phàm cả. Người xuất gia chân chính không được cất giữ tiền bạc. Tại sao có điều ấy. Vì có thì sợ mất, sợ mất thì tâm bất an; có tiền thì dục lạc dễ sanh, rồi xây cất chùa to tượng lớn, mua sắm không dứt; tiền bắt con người làm nô lệ, chạy theo không bao giờ dừng được… Chỉ có điều lạ là, tại sao một giới luật thông thường như thế mà các vị sư ngày nay không mấy ai biết đến ư? Họ không biết hay không muốn biết? Trong Phật pháp, điều luật này gần như là bài học vỡ lòng của mẫu giáo vậy đó.

Tại sao Phật lại lựa chọn một cách “tiêu cực” như vậy để tu hành? Vì tâm con người vốn yếu đuối, nó không đủ mạnh mẽ, không đủ dũng khí để đoạn dứt được khi tắm mình trong sự cám dỗ tứ phía. Có tiền trong túi mà không mua sắm là khó, nhưng không có tiền thì…thôi, nó dễ hơn nhiều.

Chính bởi cái bản tính tham lam khó kìm giữ này, ông Phật hiểu hơn ai hết nên mới chế ra cái luật cấm học trò giữ tiền.

Tất nhiên con người xã hội thì không áp dụng phương pháp này được, nhưng nó vẫn cần những cách khác nhằm đạt đến mục đích ngăn mầm tội ác. Người ta tiếc cho ông Nguyễn Quan Tuấn, một “nhân tài đất Việt” đã sa chân vào hố sâu tội lỗi khi ăn tiền trên sinh mạng dân chúng, nhưng kỳ thực, điều ấy không có gì lạ cả. Còn cái “cơ chế” này thì còn hàng vạn ông Nguyễn Quan Tuấn như thế nữa.

Người dân ít làm ra những việc xấu ác như những Nguyễn Quang Tuấn, không phải bởi họ tốt trọn đâu, mà phần nhiều vì họ không có nhiều điều kiện để mà xấu ác đó thôi.

Người tu hành ngày nay phần nhiều ngụy biện, họ nói có tiền cũng tốt, vì để hoằng pháp, để phổ độ chúng sinh, để làm phật sự, hành hạnh bồ tát đạo v.v. Phần nhiều là nói láo cả. Chùa đất Phật vàng. Trong lịch sử Phật giáo, các vị cao tăng thạc đức đều xa lìa vật dục, sống thanh bần tự an, vô cầu vô dục nhưng lại thường để lại di sản tinh thần vô giá cho con người.

Lại nhớ đến một câu của Einstein: “Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng” (Thế giới như tôi thấy, tr22).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.