Ý tưởng về chủ nghĩa xã hội “đúng đắn” là một quan niệm sai lầm không bao giờ chết
Tác giả: Rainer Zitelmann
Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ
21-10-2021
Thời đại của chúng ta đang chứng kiến chủ nghĩa xã hội đang quay trở lại trong tư tưởng. Tại sao rất nhiều trí thức không học hỏi được từ rất nhiều ví dụ đa dạng, cho thấy chủ nghĩa tư bản ở nhiều nơi dẫn đến thịnh vượng hơn nhiều?
Sau khi tất cả các thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đã thất bại không có ngoại lệ trong hàng trăm năm qua, rõ ràng cho chúng ta thấy rằng chúng ta không cần bất kỳ thử nghiệm mới nào. Nhưng với khoảng cách thời gian ngày càng xa so với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội thực sự đã tồn tại ở Liên Xô và Đông Âu, tư duy xã hội chủ nghĩa đang trải qua một thời kỳ phục hưng mới.
Một trong những nhà triết học cánh tả đương thời được nể trọng nhất, Slavoj Zizek người Slovenia, ủng hộ không ngừng nghỉ một “chủ nghĩa cộng sản mới”. Ông kêu gọi phục hồi toàn bộ dòng tư tưởng chống tự do trong một xã hội khép kín, bắt đầu từ Plato. Ông viết trong cuốn sách mới của mình: “Những gì chúng ta cần ngày nay là một cánh tả dám nêu tên của nó, không phải là một loại cánh tả mà che phủ cốt lõi của nó dưới một vỏ bọc văn hóa một cách đáng xấu hổ. Và tên đó là chủ nghĩa cộng sản”.
Cánh tả cuối cùng theo ông là, nên từ bỏ giấc mơ xã hội chủ nghĩa của một chủ nghĩa tư bản “công bằng” và thực hiện các biện pháp “cộng sản” triệt để hơn. Mục tiêu: “Phải tiêu diệt giai cấp đối kháng”.
Zizek ca ngợi “sự vĩ đại của Lenin”, vì ông đã bám chặt vào chủ nghĩa xã hội sau khi những người Bolshevik lên nắm quyền, mặc dù các điều kiện cho nó không có sẵn. “Đại Nhảy Vọt” dưới thời Mao vào cuối thập niên 1950 nên được coi là “cơ hội ngấm ngầm” để trực tiếp phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng nhà triết học này cho là độc giả của ông không biết rằng 45 triệu người đã bỏ mạng trong cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa – cộng sản lớn nhất trong lịch sử nhân loại này.
Kìm hãm Chủ nghĩa Tư bản?
Rất ít người diễn tả nó một cách triệt để và công khai như Zizek. Một số người phản đối chủ nghĩa tư bản ngày nay không còn nói đến việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, mà thay vào đó yêu cầu “kìm hãm”, “sửa chữa” hoặc “cải tiến” nó. Chủ nghĩa tư bản trở thành một con thú hoang (“chủ nghĩa tư bản turbo”) cần phải được thuần hóa. Giới trí thức không ngừng đưa ra những khái niệm mới để “cải thiện” hệ thống kinh tế hoặc hạn chế “tệ nạn” của nó.
Những trí thức tin rằng họ có thể thiết kế một hệ thống kinh tế trên bàn vẽ cũng mắc phải sai lầm giống như những người nghĩ rằng người ta có thể tạo ra một ngôn ngữ một cách giả tạo – tất cả những điều này luôn diễn ra dưới tiêu đề công bằng hoặc bình đẳng.
Ví dụ gần đây nhất về điều này là Thomas Piketty. Trong tác phẩm nổi tiếng “Tư bản trong thế kỷ 21”, ông đã nhấn mạnh: “Tôi thuộc thế hệ đã trưởng thành khi nghe về sự sụp đổ của các chế độ độc tài cộng sản trên đài phát thanh, và là những người không ưa thích những chế độ này và hệ thống Xô Viết hoặc thương tiếc chúng. Tôi miễn nhiễm với những diễn ngôn chống tư bản thông thường và rẻ tiền, những cái đôi khi bỏ qua thất bại lịch sử to lớn này và không bỏ ra những nỗ lực trí tuệ để vượt qua những diễn ngôn này”.
Thoạt nghe có vẻ vô hại. Tuy nhiên, trên thực tế, Piketty là một người chống tư bản cực đoan và là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Theo cách thức kiến tạo điển hình, ông nghĩ ra một hệ thống kinh tế và xã hội lý tưởng, mà ông mô tả là “chủ nghĩa xã hội có sự tham gia (của những người bị ảnh hưởng tới)”. Về bản chất, ông quan tâm đến việc vượt qua “hệ thống sở hữu tư nhân hiện tại”.
Bãi bỏ tài sản tư nhân
Cụ thể, nó sẽ như thế này: Mỗi thanh niên ở tuổi 25 nên nhận được một số tiền lớn từ nhà nước. Điều này sẽ được tài trợ bởi thuế tài sản, là 90% đối với tài sản cao nhất. Tài sản thừa kế cũng bị đánh thuế lên đến 90%. Tất nhiên, cũng cần phải có một mức thuế tương ứng cao đối với thu nhập hiện tại, cũng phải lên đến 90% ở mức trên cùng. Thuế suất này được áp dụng cho tất cả thu nhập kiếm được, nhưng cũng cho cổ tức, tiền lãi, tiền thuê, lợi nhuận v.v…
Để xóa bỏ sở hữu tư nhân, Piketty muốn đưa ra một quy định tại các tập đoàn chứng khoán, thoạt nhìn gợi nhớ đến sự đồng quyết của người Đức với sự đại diện ngang nhau trong ban giám sát. Tuy nhiên, theo Piketty, quy định này có nhược điểm là trong trường hợp số phiếu ngang nhau, lá phiếu của các cổ đông là quyết định. “Bất lợi” này (chủ sở hữu nhận được quyền kiểm soát còn lại đối với tài sản của mình) sẽ bị loại bỏ bởi thực tế là quyền biểu quyết của cổ đông không còn được liên kết với số vốn góp của họ. Trong trường hợp tiền gửi trên 10% vốn, chỉ một phần ba số tiền gửi trên ngưỡng này sẽ có quyền biểu quyết.
Piketty biết rằng, những người sở hữu sẽ rời bỏ một nước như vậy ngay lập tức. Để tránh điều này, nước này sẽ phải đưa ra “thuế xuất cảnh” (Ví dụ: 40%). Trên thực tế, nó là một “bức tường tài chính” ngăn cản các doanh nhân và những người giàu có khác, những người không muốn sống trong “chủ nghĩa xã hội có sự tham gia” của Piketty rời khỏi đất nước.
Ví dụ của Piketty cho thấy rằng, những nỗ lực ban đầu dường như vô hại với mục đích “cải tiến”, “sửa chữa” hoặc “cải cách” chủ nghĩa tư bản, rồi luôn kết thúc trong chủ nghĩa xã hội hoàn toàn và có sự trói buộc.
Điểm khác biệt duy nhất đối với chủ nghĩa xã hội thông thường là tài sản tư nhân không bị quốc hữu hóa ngay một lúc theo lệnh của một đảng, mà mục tiêu tương tự đạt được trong vài năm, thông qua luật thuế và luật doanh nghiệp.
Một ý tưởng thất bại không bao giờ chết
Nhà kinh tế học người Anh gốc Đức Kristian Niemietz đếm tổng cộng 24 thử nghiệm xã hội chủ nghĩa, tất cả đều thất bại không có ngoại lệ (“Chủ nghĩa xã hội. Ý tưởng thất bại không bao giờ chết”). Trong các bài giảng của mình về triết học lịch sử, Hegel cho là: “Kinh nghiệm và lịch sử dạy chúng ta là các dân tộc và chính quyền chưa bao giờ học được gì từ lịch sử và hành động dựa trên những bài học có thể rút ra từ nó“.
Có lẽ lời phê phán này quá nghiêm khắc. Nhưng trên thực tế, hầu hết mọi người đều không thể ứng dụng được những kinh nghiệm lịch sử nhất định.
Trước khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện, hầu hết người dân trên thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực – vào năm 1820, tỷ lệ này là 90%. Ngày nay, nó đã giảm xuống dưới 10%.
Điều đáng chú ý là trong vài thập niên gần đây, kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt ở Trung Quốc và các nước khác, sự suy giảm nghèo đói diễn ra nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử nhân loại. Năm 1981, tỷ lệ này vẫn là 42,7%, năm 2000 đã giảm xuống 27,8% và năm 2021 chỉ còn 9,3%.
Từ những ví dụ đa dạng, nơi mà nhiều chủ nghĩa tư bản hơn dẫn đến thịnh vượng nhiều hơn, nhiều người không muốn rút ra những bài học hiển nhiên, cũng như rất ít từ sự thất bại của tất cả các biến dạng của chủ nghĩa xã hội từng được thử nghiệm trên thế giới.
Ngay cả sau sự sụp đổ của hầu hết các hệ thống xã hội chủ nghĩa vào đầu thập niên 1990, các nỗ lực vẫn đang được lặp đi lặp lại ở một nơi nào đó trên thế giới, nhằm thực hiện các lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Venezuela chẳng hạn
Lần này nó nên được thực hiện tốt hơn. Điều này xảy ra gần đây nhất là ở Venezuela, và một lần nữa nhiều trí thức ở các nước phương Tây như Mỹ hay Đức lại say mê với thử nghiệm hiện thực hóa “chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21”.
Sahra Wagenknecht ca ngợi Hugo Chávez là một “tổng thống vĩ đại”, là người đã bỏ cả cuộc đời của mình “đấu tranh cho công lý và nhân phẩm”. Chávez đã chứng minh rằng “một mô hình kinh tế khác là có thể”, Wagenknecht say sưa nói như vậy.
Ở Mỹ cũng vậy, Chavez được nhiều trí thức cánh tả ngưỡng mộ. Một trong những nhân vật nổi bật nhất của nhóm này là Tom Hayden, là người đã qua đời vào năm 2016, nói: “Tôi dự đoán rằng tên của Hugo Chávez sẽ được hàng triệu người tôn thờ sau này”. Một nhân vật cánh tả hàng đầu khác, giáo sư Cornell West của Princeton, thừa nhận: “Tôi thích việc Hugo Chavez coi nghèo đói là ưu tiên hàng đầu. Tôi ước gì nước Mỹ sẽ đặt ưu tiên cho vấn đề nghèo đói”.
Kết quả của thí nghiệm – cũng như các thí nghiệm xã hội chủ nghĩa quy mô lớn khác – rất thảm khốc. Và những trí thức cánh tả nói với chúng ta những gì họ đã nói trong hàng trăm năm sau mỗi lần kết thúc cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa thất bại: “Đó không phải là chủ nghĩa xã hội đúng đắn”. Lần sau nó sẽ thành công.
_____
Tác giả: Rainer Zitelmann là một sử gia, nhà xã hội học và là nhà văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.