Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

“Ngôi nhà Việt Nam” ở San Jose, California

 

“Ngôi nhà Việt Nam” ở San Jose, California

Joaquin Nguyễn Hòa

29-10-2021

Vào một ngày nắng đẹp ở Thung lũng Hoa vàng (Silicon Valley), giữa hai đợt mưa bão, tôi đến dự lễ khánh thành Trung tâm phục vụ người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Service Center – VASC) tại thành phố San Jose.

Đây là một tòa nhà trị giá 50 triệu Mỹ kim, dự tính sẽ phục vụ cho cộng đồng người Việt (và cả những sắc dân khác) tại San Jose với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ trợ giúp sức khỏe tâm thần cho tới học hành, từ chữa răng cho tới các trợ giúp xã hội. Tòa nhà này được xem là một mô hình “one stop” cho một cộng đồng đầu tiên, không những tại San Jose mà còn cho cả nước Mỹ.

Có khoảng 500 người tham dự buổi lễ, dĩ nhiên đa số là người Việt. Không khí và trang hoàng của buổi lễ không khác những buổi lễ khác của người Việt ở Mỹ, với cờ Hoa Kỳ và cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) giăng khắp nơi. Các viên chức, các chính trị gia của thành phố San Jose, quận Santa Clara, không phải là người Việt cũng có những phục sức mang màu sắc của Việt Nam Cộng hòa, như chiếc cravat, khăn giả túi áo vest, khăn quàng cổ phụ nữ… mang màu cờ Việt Nam Cộng hòa.

Trong phần phát biểu của các quan chức, người ta thấy rõ sự tương phản giữa những người Mỹ và người Việt. Các viên chức Mỹ trình bày các diễn văn của họ khá dài dòng, hơi dài hơn những bài diễn văn mà người Mỹ thường đọc, và khá … nhàm chán. Ngược lại những người Việt Nam lại nói rất ngắn gọn và đầy cảm xúc, đặc biệt là phát biểu của hai ông Vũ Văn Lộc, sáng lập viên của Viet Museum ở San Jose và ông Thắng Đỗ, kiến trúc sư trưởng của tòa nhà.

Ông Vũ Văn Lộc, với vẻ hóm hỉnh tự nhiên thường thấy ở ông, cảm ơn nước Mỹ. Kiến trúc sư Thắng Đỗ đặt ra một câu hỏi cuối bài phát biểu ngắn gọn của mình: Đây là một câu hỏi mà những cộng đồng như chúng ta, người tị nạn, di dân, luôn trăn trở, đó là, đâu là nhà của mình? Nhà của mình bên kia đại dương, nơi mình buộc phải bỏ, hay đây là nhà của mình? Tòa nhà (VASC) này sẽ trả lời câu hỏi đó. Đây là nhà của mình.

Ông Thắng Đỗ rời Sài Gòn năm 1975 như rất nhiều người Sài Gòn và người miền Nam Việt Nam rời đi lúc đó và nhiều năm sau nữa. Và ông vừa giúp xây xong một “Ngôi nhà Việt Nam” trên đất Mỹ, 46 năm sau đó.

Tuy nhiên hai từ “cộng sản” không nghe đến trong suốt buổi lễ, như thường thấy ở những buổi sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Nó quá hiển nhiên để không cần nhắc đến? Hay là nhắc đến để làm gì, vì trong “Ngôi nhà Việt Nam” mới này ở San Jose làm gì có cộng sản mà nhắc?

Tôi chợt nhớ đến, cách đây gần 2 năm, tôi được mời tham dự buổi lễ tất niên của Lãnh sự quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức Việt Nam cộng sản, tại San Francisco. Cũng có đến 200 người Việt tham dự, và như tôi có đề cập đến trong một bài viết trên BBC Việt ngữsau đó, rằng chỉ có một lá cờ đỏ nhỏ xíu trong hình quốc huy, chứ không rợp bóng biểu dương lực lượng như mọi khi.

Không có màu đỏ tại lãnh sự quán ở San Francisco, và không có từ “cộng sản” tại buổi lễ ở San Jose, có gì tương đồng trong hai điều ấy không? Nghĩ tới đó, tôi gọi cho một anh bạn trong tòa lãnh sự, anh nói với tôi rằng, anh không biết tới buổi lễ.

Có thể có một tương đồng là những thông điệp chính trị bị bỏ đi, cờ đỏ ở tòa lãnh sự, và hai từ cộng sản ở San Jose, nhưng nguyên do có giống nhau?

Tại buổi lễ tất niên ở San Francisco, một thông điệp cờ đỏ có thể gây … “phản cảm” cho một số khách tham dự? Còn thông điệp “cộng sản” ở San Jose không còn cần thiết nữa, người Việt ở đây, cũng như ở Mỹ có những vấn đề khác đáng quan tâm hơn? Bao nhiêu chuyện cần phải làm, từ chăm sóc sức khỏe cho đến học hành, an sinh xã hội, nhắc đến cộng sản quả là không cần thiết?

Một lúc sau thì tôi thấy rõ hơn. Một tấm biển bằng thủy tinh gắn trên đá, trong khuôn viên “Ngôi nhà Việt Nam” ghi hai thứ tiếng Anh và Việt: “30 tháng Tư, 1975. Trong khi Sài Gòn đang rơi vào tay Cộng sản, khoảng 125.000 người Việt di tản khỏi quê hương. Trong số đó, hơn 90.000 người đã định cư tại Hoa Kỳ”.

Một tấm biển khác ghi: “Hiện tượng thuyền nhân. Để thoát khỏi chế độ cộng sản, hơn một triệu người Việt đã vượt biên bằng thuyền từ cuối thập niên 1970 đến giữa thập niên 1980. Ước lượng, có hàng trăm ngàn thuyền nhân người Việt đã thiệt mạng trên biển Đông trong hành trình này”.

Như vậy hai chữ “cộng sản” không được nói ra bằng lời tại San Jose, mà nó đã được khắc vào đá, nó đã được ghi vào những tấm bia lịch sử trong “Ngôi nhà Việt Nam” này. Tương tự như vậy là hai từ “thuyền nhân”, hai từ không hề được thấy ở bất cứ trang sách “chính thống” nào bên trong Việt Nam hiện nay.

Tôi lại nghĩ đến một “Ngôi nhà Việt Nam” khác, “Maison du Vietnam”, ở vùng Paris, kinh đô nước Pháp, được xây dựng bởi sự hỗ trợ của Tòa đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp. Không biết trong “Ngôi nhà Việt Nam” ấy có rợp cờ đỏ hay không, nhưng chắc chắn không có hai tấm bia ghi về “cộng sản” và “thuyền nhân” như ở San Jose.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.