Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

“Vụ án” Tịnh Thất Bồng Lai: Sẽ không còn một ai có thể yên thân

 

“Vụ án” Tịnh Thất Bồng Lai: Sẽ không còn một ai có thể yên thân

Đã nghỉ hưu mấy năm, cứ ngỡ thoát khỏi vòng thị phi thế tục nhưng trước tai ách cứ liên tục đổ xuống cho một nhóm người vô tội, thậm chí là bất hạnh và hơn thế nữa trước nguy cơ của tình trạng vô pháp, bạo quyền dư luận thản nhiên, hào hứng chà đạp lên nhân phẩm, đời tư cá nhân bằng sự vu khống, úp chụp những con người vô tội, thậm chí là bất hạnh nên không thể không lên tiếng.

Ngày xưa chỉ một kẻ bán tơ đã làm tan nát gia đình Vương Viên Ngoại, đẩy nàng Kiều long đong chìm nổi 10 năm. Ngày nay, hàng trăm cá nhân, hàng chục cái gọi là cơ quan, tổ chức đầy quyền lực, đen có, đỏ có, cùng xâu xé, quy chụp một ông già gần 90 tuổi, là chủ một gia đình đang nuôi dạy một nhóm trẻ ngoan và có năng khiếu nhất định, nếu không nói là tài năng văn nghệ.

Nhiều năm qua có ít nhất trên dưới 100 bài báo, tin tức, phóng sự truyền hình về Tịnh thất Bồng Lai (TTBL). Một số vị chức sắc tôn giáo cỡ to, một số quan chức trực tiếp đăng đàn phát biểu hoặc được dẫn lời, đã mở màn cho làn sóng YouTuber bàn luận điều tra, quy tội, có lẽ có đến hàng ngàn clip.

Tôi chưa một lần đến TTBL, cũng không có quan hệ thân quen, nhưng do quán tính nghề nghiệp buộc lòng phải nghe và phải nghĩ. Thông tin thì nhiều vô kể nhưng có thể tóm tắt vụ việc TTBL như sau:

Ông Lê Tường Vân, năm nay 87 tuổi, quê ở Tân Châu, An Giang lên Sài Gòn sinh sống ở Hóc Môn cùng mấy anh em trong một khu trang trại, lấy tên là trung tâm Tâm Đức. Họ nhận nuôi một số trẻ mồ côi, nhận giúp đở cho những người phụ nữ cơ nhỡ. Trẻ trong nhà được học hành bình thường.

Việc nuôi dưỡng này hoàn toàn tự lực không kêu gọi ai giúp đỡ, hỗ trợ. Nhân chứng là Lê Thanh Minh Tú (trẻ mồ côi được nuôi dưỡng nay trưởng thành, đã đi làm sống riêng) và một số người từng sống trong trung tâm này, xác nhận.

Khu vực Trung tâm Tâm Đức bị giải tỏa, ông Lê Tường Vân về xã Hòa Khánh – Đức Hòa mua đất, xây nhà mới lấy tên Tịnh Thất Bồng Lai, tiếp tục nuôi dưỡng số trẻ mồ côi cũ và nhận thêm môt số trẻ vẫn sống tự lực như trước đây. Ông thờ cúng Phật trong nhà, cạo đầu, mặc áo nâu, các em trong nhà cũng tương tự. Hoàn toàn không xưng là Phật giáo VN, cũng không truyền đạo hay các hoạt động tôn giáo nào ngoài gia đình.

Trong xưng hô, các cháu gọi ông Tường Vân là Thầy Ông Nội chứ không gọi là Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa Thượng. Rõ ràng là về sinh hoạt và ngay cả cách xưng hô ông đã thể hiện sự tách bạch khác biệt với Phật Giáo Việt Nam và việc thờ cúng trong gia đình của ông hoàn toàn phù hợp với Luật Tôn Giáo và Tín Ngưỡng của Việt Nam.

Luật không cấm người ta thờ Phật, cũng không quy định nào buộc người thờ phật, cạo đầu phải đăng ký với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Mặc khác, các quy định của giáo hội phật giáo Việt Nam chỉ có giá trị với tu sĩ phật giáo chứ đâu thể áp dụng cho mọi người dân. Tương tự cái tên TTBL chỉ đơn giản là tên nhà, đâu nhất thiêt phải là chùa mới được đặt tên như vậy. Cụ Vương Hồng Sển có là quan chức chi đâu, ông vẫn đặt tên ngôi nhà mình là Vân Đường Phủ. Cô Ba Trà là gái làng chơi vẫn đặt tên cho ổ nhận của mình là Nguyệt Tiên Cung.

Nhưng chỉ vì các tội cạo đầu, thờ Phật mà không đăng ký với Giáo Hội và cái tên TTBL, ông bị một số chức sắc Phật Giáo cho rằng “giả tu” lừa đảo.

Ở đây xin nói thêm một chút là Nam Bộ, mà nhất là An Giang quê ông, là cái nôi của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với phương châm tu tại gia, học phật tu nhân, đơn giản các nghi tiết, giáo luật. Hàng vạn người theo đạo này hoặc sống và hành xử theo phương châm này mà không hề đăng ký với ai cả.

Chính sự nhầm lẫn này của các vị chức sắc đã mở đường cho những cơn bão giông liên tục đổ xuống TTBL.

Năm 2014, em Huyền Trân một trong những trẻ trong TTBL đoạt giải á quân The Voice trong trang phục áo nâu, đội mủ ni, gây sự chú ý.

Năm 2017, hai thành viên khác của TTBL là Hoàng Nguyên, Nhất Nguyên dự thi Tuyệt Đỉnh Song Ca cùng với trang phục áo dài nâu kiểu người tu và đầu trọc. Ban Tổ chức lại giới thiệu là hai chú tiểu dự thi, lại gây dư luận lớn hơn. Giọng ca các em được khán giả khen tăng nhưng dư luận từ phía Phật Giáo VN tỉnh Long An phản ứng, cho là người tu dự thi ca hát là phạm giới. Ông Minh Thiện, tỉnh Hội trưởng PGVN tỉnh Long An cho rằng, TTBL là chùa không đăng ký với Giáo hội, tu trái phép, giả sư trục lợi. BTC cuộc thi xin lỗi giới thiệu sai, đây không phải là thầy chùa đi thi, nhưng hai em vẫn rút đơn.

Từ tiếng vang của cuộc thi, có nhà hảo tâm ở Úc tài trợ tiền cho ba em HT, HN, NN đi du học, nhưng Trưởng CA xã Hòa Khánh ra giá làm CMND là 300 triệu. Vụ việc được tố cáo, trưởng CA bị kỷ luật, điều chuyển nhưng các em không được làm CMND. HT được học bổng của trường quốc tế ở Sài Gòn vừa đi học chữ, học thanh nhạc, vừa đi hát vừa phụ chăm sóc các em. Thú thật, thế giới hiện nay đầy cám dỗ với những đua đòi vật chất tiền tài nhưng từng ấy năm qua HT vẫn giữ được sự an yên với chiếc mũ ni và tà áo dài nâu trên sân khấu, đã là thành tựu đáng kính về thu thân học phật.

Năm 2019 và 2020, năm em tuổi thiếu nhi của TTBL liên tiếp đoạt giải cao nhất gameshow Thách Thức Danh Hài, số tiền hàng trăm triệu đồng, thì áp lực của Giáo Hội, chính quyền với TTBL càng tăng lên, họ phải đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

Năm 2019, lại bùng lên sự kiện em Diễm My – sinh viên năm 1 – quen biết Huyền Trân trong lần đi chùa, sau đó đã đến xin tu ở TTBL và được nơi đây đồng ý nếu có sự đồng ý của cha mẹ và có đăng ký tạm trú với chính quyền. (Diễm My đã đi quy y ở một ngôi chùa khác).

Sau đó, nổi lên sự kiện cha mẹ Diễm My dẫn 50 người đến bao vây, đập phá TTBL, một người trong tịnh thất bị thương vào mặt, thương tích 13%. Lý do cuộc xâm nhập này là tìm con bị bắt cóc, bị dụ dỗ. Nhưng Diễm My không có mặt ở đây. Vụ việc được khởi tố về hành vi xâm nhập gia cư trái phép, đã đưa ra Tòa nhưng LS bên TTBL yêu cầu phải khởi tố thêm hành vi phá hoại tài sản và cố ý gây thương tích. Tòa chấp nhận và trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau vụ xung đột, Diễm My lại đến TTBL xin ở lại tu và xác nhận được cha mẹ đồng ý và đăng ký tạm trú ở đây. Mấy tháng sau CA huyện có giấy mời Diễm My lên trụ sở CA rồi mất hẳn liên lạc với TTBL.

Gần đây, có clip của Diễm My kêu cứu là em bị CA bắt giao cho cha mẹ giam giữ em gần 1 năm. Trong thời gian giam giữ, em bị cha xâm phạm thân thể. Gia đình đã mời Thích Nhật Từ đến bàn mưu kế đàn áp TTBL…

Nhân danh chống Covid, CA bắt toàn bộ những người trong nhà TTBL đi cách ly, do có ông TVH nào đó nhiễm Covid đã đến chỗ này trong khi thực tế Camera TTBL ghi nhận, không có ai lui tới vào thời điểm đó và TVH hiện nay không có mặt ở địa phương.

Chính quyền và GHPG tiếp tục áp lực đòi giải tán, đòi tịch thu di dời các tượng phật ở TTBL. Thích Nhật Từ có nhiều bài viết, clip thuyết pháp úp chụp TTBL và Diễm My với lời lẽ nặng nề.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều kênh YouTube đưa thông tin, hình ảnh bịa đặt vu cáo TTBL là giả sư trục lợi, loạn luân, soi mói phân tích đủ mọi hoạt động TTBL. Điều đáng nói là các YouTuber đã vi phạm nghiêm trong về quyền nhân thân của cá nhân, nhất là các em trẻ mồ côi. Họ bịa đặt, bình luận người này loạn luân với người kia, trẻ này là con của ai, trẻ kia là con của ai và không rõ từ nguồn nào, cũng không rõ đúng hay sai, họ lôi cả những giấy tờ tùy thân của các em đưa lên YouTube để bình phẩm, chứng minh cho lập luận của mình.

Họ nhân danh luật pháp để chà đạp lên pháp luật. Hãy thử hình dung nếu ai cũng có quyền lên mạng xã hội, rêu rao ông A loạn luân với bà B, cháu C, cháu D là đứa con loạn luân với hình ảnh con người cụ thể, thì xã hội sẽ ra sao?

Về đạo đức con người, nếu không kính trọng người già, thương yêu trẻ có hoàn cảnh bất hạnh thì ít nhất cũng không được phép vô cớ, vô lối xúc phạm đến người già và trẻ nhỏ.

Báo chí, đài truyền hình VTV, HTV, LA dẫn những lập luận úp chụp của Thích Nhật Từ và các YouTube phát phóng sự bôi nhọ TTBL.

Mới đây, một nữ đại gia lại mở phiên tòa đấu tố tập thể. Tham gia diễn đàn ấy có một đứa con nuôi phản trắc, một đôi vợ chồng bị chính đứa con gái của mình tố cáo ngược đãi, giam giữ trái phép, lạm dụng thân thể đến mức cháu phải trốn chui trốn nhủi một năm qua, và những người tự xưng là luật sư, tiến sĩ.

Họ tố khổ ông cụ Tường Vân và TTBL, tự hào khoe khoang sự dốt nát, độc ác của mình, hứa hẹn sẽ tiếp tục tấn công vào những người bất hạnh.

Nghe các bản cáo buộc của họ, không biết TTBL phạm tội gì, lừa đảo ai?

Các cháu dự các cuộc thi tài năng và được giải do ban giám khảo chấm điểm chứ có phải là cuộc thi dựa vào lòng thương hại của công chúng mà phải lừa đảo, giả dối về thân phận. Các cuộc thi đều dành cho mọi người có tài năng chứ nào phải là dành cho tu sĩ hoặc trẻ mồ côi mà phải khai gian lý lịch?

Không chỉ dự thi, các cháu còn tự sản xuất chương trình ca nhạc, tiểu phẩm đưa lên YouTube những chương trình hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt người xem chỉ bằng các phương tiện đơn giản, chỉ với nội ngoại thất của TTBL, không cần phải quảng cáo, không quần áo lòe loẹt, sexy. Liệu có bao nhiêu đạo diễn, nhà sản xuất chương trình thành công như TTBL? TTBL lừa đảo GOOGLE chăng, khi ông khổng lồ này đã trao danh hiệu nút phím bạc cho họ?

Ba thế hệ trẻ được ông Tường Vân nuôi dạy đã trưởng thành như Minh Tú, Nhất Nguyên, Hoàng Nguyên, thế hệ kế tiếp như Huyền Trân và cuối cùng là 5 đứa bé hiện nay cho thấy là rất thành công, cả về năng lực lẫn đạo đức.

Lẽ nào cái sân si, cái tâm nhỏ nhen đố kỵ làm người ta không phân biệt được sự thương yêu mến mộ tài năng và lòng thương hại, bố thí? Quả là TTBL có được tặng quà, nhưng đó là món quà trân trọng của sự thương yêu, mến mộ. Họ không giấu giếm mà còn “sao kê” online.

Buồn cười nhất là cáo buộc của đứa con nuôi phản trắc, bảo là cụ Tường Vân không tu vì không có ăn chay, “phản động” vì dạy lịch sử khác với nhà trường được quý vị cử tọa trong hội đồng tố khổ cười rú lên mừng rỡ. Tôi không rõ ông Tường Vân có ăn chay hay không nhưng nếu lấy tiêu chuẩn này để phân định người tu thì toàn thể tu sĩ, phật tử Nam Tông và ngay cả đức Phật đều là tu giả. Dạy lịch sử khác với nhà trường là “phản động” thì có lẽ cả tứ trụ của sử học Lâm, Lê, Tấn, Vượng và hàng đống giáo sư, tiến sĩ đều là phản động.

Đây là bức xúc và suy nghĩ hạn hẹp của cá nhân. Nhưng trước những nguy cơ không chỉ nhóm TTBL, mà còn là nguy cơ, là tiền lệ xấu cho toàn xã hội.

Thiết nghĩ, cần có tiếng nói công tâm, chính trực của xã hội. Các cơ quan truyền thông của nhà nước cần tìm hiểu thực tế và có kiến thức nền văn hóa để nhìn và lý giải sự việc cho chính xác.

Các luật, sư nhà báo, nhà văn hóa cần hội luận bàn làm rõ từng vấn đề:

– Quyền cá nhân về tín ngưỡng, phân biệt hoạt động tôn giáo với lựa chọn triết lý sống và cách sống cá nhân.

– Quyền cá nhân về đời tư cá nhân như trường hợp của Diễm My. Em đã là sinh viên đại học, em có quyền chọn nơi ở cho mình, chọn hướng đi cho cuộc đời mình và trong trường hợp quyền ấy bị xâm phạm thì pháp luật sẽ bảo vệ ra sao?

– Quyền và trách nhiệm xã hội trong bảo vệ danh dự, hình ảnh, thông tin cá nhân, nhất và gia đình là đối với trẻ em được phân định ra sao?

– Việt Nam đã có Luật An Ninh Mạng nhưng hình như chỉ để bảo vệ an ninh cho nhà nước, không mấy quan tâm đến an ninh của công dân. Nạn câu view và có thể còn do nhiều nguyên nhân khác đã sinh ra một lớp “YouTuber tặc” như loài kền kền, loại Dracula, đang tấn công vào mọi người, mọi chuyện trong xã hội, không bị giới hạn trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý nào. Chúng xộc vào xâu xé đám tang nghệ sĩ Chí Tài, chúng băm vằm hình ảnh Phi Nhung, chúng kích động bôi xấu luật sư, nhà báo bảo vệ Hồ Duy Hải, và đặc biệt nghiêm trọng là chiến dịch dai dẳng tấn công TTBL. Lần này lại hùng hổ tấn công tập thể.

Được biết, có một số bạn trẻ gốc Việt ở Mỹ đã đấu tranh khóa mõm “YouTuber tặc” Ngụy Vũ và đồng bọn, mong rằng các bạn cũng quan tâm khóa giúp đồng bào quốc nội những “youtuber tặc” hiểm độc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.