Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Cảm xúc sau buổi viếng thăm bảo tàng thuyền nhân Việt Nam ở San Jose

 

Cảm xúc sau buổi viếng thăm bảo tàng thuyền nhân Việt Nam ở San Jose

Joaquin Nguyễn Hòa

20-10-2021

Một buổi sáng đầu thu, tôi ghé thăm Bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam tại thành phố San Jose, California. Tên chính thức của bảo tàng là Viet Museum, hay Museum of the Boat People and the Republic of Vietnam, tạm dịch là Bảo tàng Việt Nam, thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa, mọi người thường gọi là Bảo tàng Thuyền nhân.

Bảo tàng là một ngôi nhà gỗ hai tầng, có một khuôn viên khá rộng. Bên ngoài là hai chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ, mô phỏng theo vô vàn những chiếc thuyền như vậy rời bỏ Việt Nam, chạy trốn những người cộng sản trong những năm sau khi chiến tranh chấm dứt cuối tháng 4/1975 cho đến cuối thập niên 1980. Một số đài tưởng niệm các vị tướng Việt Nam Cộng hòa tự sát vào năm 1975, khi quân đội cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Bên ngoài Bảo tàng Việt Nam ở San Jose. Nguồn: Website Viet Museum

Có thể chia các hiện vật bên trong bảo tàng làm hai loại, những vật có liên quan đến quốc gia Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) như quân trang quân dụng, huy chương,… và các vật dụng của những người Việt vượt biển, trốn khỏi chế độ cộng sản ở Việt Nam. Ngoài ra có rất nhiều tranh, vẽ lại những thảm cảnh mà thuyền nhân chịu đựng trong những hải trình vô cùng nguy hiểm, và lắm khi đầy chết chóc. Những hiện vật liên quan đến Việt Nam Cộng hòa có phần nhỉnh hơn. Có một mô hình mô tả cảnh tù cải tạo của các sĩ quan Việt Nam Cộng hòa bị chế độ cộng sản giam cầm sau năm 1975.

Trên diện tích rộng khoảng 1400 square feet, số hiện vật có vẻ như quá tải với ngôi nhà. Nhiều hiện vật quan trọng nằm trong tủ kính phủ đầy bụi, như là quần áo, giày dép của một gia đình thuyền nhân nay đã định cư tại Pháp trao tặng. Một bộ sưu tập rất đặc sắc toàn bộ các số báo của tờ Wisconsin State Journal trong tháng 4/1975, lại nằm trong kho vì không có chỗ để trưng bày. Trong tất cả các số báo của tháng tư năm đó, số nào cũng có tin về Việt Nam trên trang nhất. Bộ sưu tập được một phụ nữ Việt Nam sống tại tiểu bang Wisconsin hồi tháng 4/1975 gửi tặng.

Nhìn chung, khách thăm bảo tàng không cảm thấy một sự sắp xếp chuyên nghiệp của một quản thủ bảo tàng, các câu chuyện đằng sau các hiện vật cũng thiếu. Khách thăm bảo tàng không thể tự mình tìm hiểu, mà phải được một người hiểu rất rõ các hiện vật hướng dẫn.

Bảo tàng nằm trong công viên lịch sử Kelly của thành phố San Jose, tại số 1300 đường Senter, cách khu Đông San Jose không xa lắm, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Công viên này được thành phố San Jose dùng làm nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc sống của hạt Santa Clara, trước khi vùng này biến thành thung lũng Silicon với ngành công nghiệp điện tử, làm thay đổi rất nhiều cảnh quan của San Jose vốn là một thị trấn nhỏ. Một số ngôi nhà cũ được chuyển vào lưu giữ ở đây trước khi chúng bị phá đi, dành chỗ cho những tòa nhà hiện đại, hay những xưởng chế tạo máy tính, các phòng thí nghiệm,… Bảo tàng Thuyền nhân nằm trong một tòa nhà như thế.

Đứng đầu bảo tàng hiện nay là ông Vũ Văn Lộc, một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ngày trước. Ông còn được biết tới với bút danh Giao Chỉ. Khi ông Lộc cùng các cộng sự nghe nói về một ngôi nhà cổ còn trống trong công viên Kelly, ông đã vận động thành phố San Jose cho phép dùng ngôi nhà đó để mở Viet Museum.

Để có tiền dùng vào việc tu sửa ngôi nhà, ông Lộc đã bán căn nhà của mình, góp chung với số tiền từ quỹ bất vụ lợi Immigrant Resettlement and Cultural Center (Trung tâm Tái Định cư và Văn hóa Di dân). Hiện nay, hoạt động của bảo tàng bao gồm từ việc tìm kiếm những hiện vật lịch sử, hướng dẫn khách thăm bảo tàng, duy tu nhà cửa… đều dựa trên sự đóng góp thiện nguyện của một số người Việt ở San Jose.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tương lai của tòa nhà được dùng làm bảo tàng, ông Lộc cho biết rằng, vào năm 2020, tòa nhà của Viet Museum đã được thành phố San Jose xếp vào loại cảnh quan lịch sử (landmark), điều đó bảo đảm sự tồn tại của bảo tàng trong dài hạn. Nhưng bảo tàng có được nhiều người Việt biết đến hay không là một vấn đề quan trọng hơn.

Theo ông Phạm Phú Nam, một cộng sự gần gũi của ông Lộc, hàng năm có khoảng 7000 người thăm viếng Kelly Park nói chung, nhưng không có con số bao nhiêu người thăm Viet Museum. Ông Nam cho rằng, không có nhiều người trong cộng đồng người Việt ngay tại San Jose biết về bảo tàng này.

Tôi hỏi ông Nam rằng, liệu điều đó có làm cho một phần lịch sử quan trọng của Việt Nam nói chung, cộng đồng người Việt hải ngoại nói riêng, bị phai nhạt hay không? Ông Nam trả lời ngay rằng, ông không lo ngại điều đó, vì những thế hệ người Việt trẻ tuổi tại hải ngoại chắc chắn cũng tìm về nguồn cội của mình. Ông kể, một anh sinh viên gốc Việt trong đoàn khách từ Đại học Stanford (không xa San Jose) viếng bảo tàng, đã bật khóc, và cho biết rằng cha mẹ mình là thuyền nhân, và lần đầu tiên anh được biết về bảo tàng này.

Ông Nguyễn Đức Cường, người từng là tổng trưởng phụ trách kỹ nghệ và thương mại thời Việt Nam Cộng hòa, hiện cư ngụ tại San Jose và là một người cộng tác với bảo tàng, cho biết, nhóm của ông đang chuẩn bị một kế hoạch “số hóa” (digitization) bảo tàng để cho người Việt khắp năm châu biết đến dễ dàng hơn.

Những cố gắng kể trên tạo nên một cảm xúc lạc quan cho tôi sau buổi thăm bảo tàng. Cảm xúc ấy đẩy lùi một chút sự bi quan của tôi trước đây, tuy nhiên sự lo ngại vẫn còn đó.

Trong đại gia đình của tôi cư trú rải rác khắp vùng vịnh San Francisco, trong đó có nhiều người sống ở San Jose, không có bao nhiêu người biết đến sự tồn tại của bảo tàng thuyền nhân. Những người thuộc thế hệ một rưỡi, hay thế hệ thứ hai, không ai biết đến, mà họ đều là những người có liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, và số đông là thuyền nhân.

Thành phố San Jose hiện nay là thành phố có đông người Việt nhất bên ngoài Việt Nam. Số người Việt tại đây, cũng như trên toàn nước Mỹ, hay hải ngoại sẽ tăng lên, một phần do những người di cư đến từ Việt Nam, theo diện hôn nhân, đoàn tụ gia đình. Trong số những người mới đến này, rất ít người biết được rằng Việt Nam đã từng có những… thuyền nhân, dù trang lịch sử ấy vẫn còn chưa ráo mực.

Trong tất cả những sách sử thời Việt Nam cộng sản hiện nay, không có một dòng nào nói về việc có gần 1 triệu người Việt bỏ nước ra đi bằng đường biển, tạo nên thảm trạng thuyền nhân có một không hai trong lịch sử nhân loại. Theo những con số thống kê khác nhau, có khoảng 75% dân Việt sinh ra sau năm 1975. Họ được dạy rằng, có một cộng đồng người Việt ở hải ngoại luôn hướng về tổ quốc xã hội chủ nghĩa (sic). Nhưng tại sao có cộng đồng ấy, thì không có một lời giải thích. Cũng không có một dòng nào nói về những trại tù cải tạo khắc nghiệt từng giam giữ hàng trăm ngàn người của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong sử sách thời cộng sản. Các vết tích về những trại này đang dần dần biến mất.

Lịch sử thuyền nhân Việt Nam là một chương rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam, càng quan trọng hơn đối với lịch sử của người Việt hải ngoại. Việc duy trì lịch sử đó trong tâm khảm của những thế hệ người Việt là điều không dễ dàng, nhất là khi phải đối mặt với một chủ trương xóa bỏ lịch sử từ trong nước. Thế hệ thuyền nhân không thể sống đời để “ăn cơm nhà, vác ngà voi” nhằm duy trì sự sống còn của lịch sử đó. Lịch sử đó phải sống với những thế hệ tiếp theo.

Nhưng liệu có bao nhiêu người được may mắn biết về chương sử này để phải bật khóc như người sinh viên gốc Việt nọ, từ đại học Stanford? Liệu những buổi dạo chơi cuối tuần trong công viên Kelley có đủ thời gian cho họ ghé mắt qua bảo tàng thuyền nhân, vẫn còn đầy bề bộn, vẫn còn chưa giống một bảo tàng?

Rời bảo tàng, cô bạn đồng nghiệp đi cùng làm tôi giật mình khi cho tôi biết rằng, không có bao nhiêu tài liệu về cộng đồng người Việt tại San Jose trong thư viện thành phố này.

Tôi giật mình, nhưng có lẽ những người chủ trương xóa bỏ lịch sử từ bên kia đại dương sẽ hài lòng khi nghe điều đó.

_____

Một số hình ảnh tác giả chụp từ Viet Museum ngày 18/10/2021:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.