Thấy gì qua bản cáo trạng Phạm Đoan Trang?
20-10-2021
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội dài 15 trang, nội dung chủ yếu là liệt kê các bài viết online, offline và một số video, audio trả lời phỏng vấn một số cơ quan truyền thông nước ngoài, trên kênh Youtube của đối tượng Phạm Đoan Trang, đã được cơ quan chức năng xác minh là chính chủ. Ngoài ra, cáo trạng còn có cáo buộc Phạm Đoan Trang đồng sáng lập trang web Luatkhoa.org nhưng Bộ 4T lại không thể xác minh được đối tượng thành lập và duy trì trang web, nên tự trong bản cáo trạng cũng đã có sự thiếu căn cứ pháp lý!
Có một số điều đáng lưu ý trong bản cáo trạng này:
– Phạm Đoan Trang đã nhiều lần bị một số cơ quan chức năng của Hà Nội đề nghị Bộ Công an xử lý. Tức là có phân cấp quản lý phản động. Phạm Đoan Trang là phản động do trung ương quản lý, dù thực tế sau này công an Hà Nội khởi tố vụ án và bị can (chắc do Bộ chỉ đạo?)
– Mình rất bất ngờ khi cáo trạng không hề đả động đến NXB Tự Do và các cuốn sách do Phạm Đoan Trang là tác giả được xuất bản ở đây. Như vậy chứng tỏ là không đủ bằng chứng phạm tội trong việc phát hành sách? Tức là những việc bắt bớ, gây khó dễ, tuyên truyền trước đây liên quan đến NXB này cũng như các cuốn sách liên quan là trái pháp luật?
Mình dự đoán là chính việc xuất bản sách và có sự cung cấp tài chính cho việc này, do một số tổ chức nước ngoài, theo lời kể của Giám đốc NXB Tự Do, mới là lý do chính dẫn tới bắt bớ. Lưu ý là Phạm Đoan Trang đã bị cơ quan chức năng đề nghị Bộ Công an xử lý từ khoảng 2017, nhưng vẫn không bị xử lý, có nghĩa là trước năm 2020 Bộ Công an vẫn biết hết các hành vi “phạm tội” của Phạm Đoan Trang nhưng không xử lý. Chứng tỏ là có hai khả năng, một là Bộ Công an thấy lúc đó Phạm Đoan Trang không có tội, nhưng sau này lại thấy các hành vi đó là có tội! Hai là Bộ Công an “nuôi án”, tức là cứ kệ đối tượng “tích luỹ” tội, để sau này bắt.
Cả hai khả năng kia đều khá là kỳ cục đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi vì thông thường người ta chỉ xử lý các hành vi phạm tội đã xảy ra từ vài năm trước (hồi tố) khi các hành vi đó mới được phát hiện, cơ quan công an không biết. Nhưng đây họ đã biết, vì được cấp dưới báo cáo, như trong cáo trạng, nhưng không xử lý (không bắt).
– Công an không xử lý các bài viết trên trang FB Phạm Đoan Trang do Phạm Đoan Trang không nhận đó là trang FB của mình. Trong khi thực tế thời gian qua rất nhiều FBker đã bị xử lý vì các bài viết. Điều này khá khó hiểu vì lâu nay họ thường bất chấp việc người ta có nhận là chủ trang FB hay không. Vẫn xử lý bình thường.
– Máy tính Macbook của Phạm Đoan Trang không bị công an truy xuất dữ liệu do Trang không khai mật khẩu. Chứng tỏ khả năng bảo mật của loại máy này rất cao. Nếu dùng máy chạy windows thì password chỉ chặn truy cập hệ điều hành, còn dữ liệu trên HDD coi như là không có bảo mật. Chỉ việc cắm ổ cứng sang máy khác là truy cập dữ liệu thoải mái.
– Điều 88 (hình 2 cái còng tay, điều luật tượng hình) luật Hình sự cũ thực ra rất tù mù, mức án từ 3-12 năm cũng khá rộng. Nên việc xử án dự là sẽ như các vụ tương tự đã xử. Tức là luật sư cãi thì kệ luật sư, cứ kết án thôi, dù bằng chứng phạm tội rất không rõ ràng, rất khó để kết luận có tội. Do Phạm Đoan Trang không nhận tội, như một số người khác trước đây, nên khả năng sẽ bị xử kịch khung là 12 năm. Thường những vụ án kiểu này đã có bản án từ trước và nếu có giảm nhẹ thì phải do biến cố chính trị nào đó mà bị cáo được đem ra để trao đổi, do các tổ chức quốc tế hay nước ngoài can thiệp.
Rất tiếc là bài này viết đúng ngày Phụ nữ VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.