Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Nguyên tắc “Vô luật bất hình” đối với vụ án liên quan đến Hội thành Truyền giáo Phục hưng

 

Nguyên tắc “Vô luật bất hình” đối với vụ án liên quan đến Hội thành Truyền giáo Phục hưng

“Ổ dịch”, báo chí đã không ngoa khi gọi về nơi phát hiện ra đến 60 ca nhiễm Covid được cho rằng có nguồn gốc tại Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng. Rõ ràng, ở đó đã phát sinh tình trạng lây nhiễm với mật độ lớn và đưa họ vào danh sách dài đến hàng chục vạn nạn nhân Covid tính trong phạm vi lãnh thổ.

Lây nhiễm với mật độ lớn là một sự thật về phương diện y tế. Nhưng lây nhiễm với mật độ lớn có khiến người trong cuộc trở thành tội phạm hay không lại là vấn đề thuộc về phương diện luật pháp khi thỏa mãn những điều kiện định sẵn trong Bộ luật Hình sự.

Đó chính là nguyên tắc “Vô luật bất hình” trong pháp luật hình sự. Hiểu nôm na “Không có điều luật cấm thì không có tội”. Vậy thì, Bộ Luật Hình sự đã quy định những điều cấm nào trong việc lây lan dịch bệnh?

Tại điều 240, điều luật làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự đối với Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng quy định về tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, thì các hành vi bị cấm được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, như sau:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Đương nhiên, các thành viên của Hội Thánh không liên quan gì đến các điểm a, b nêu trên. Chỉ còn lại điểm c về “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.

Điểm c được hướng dẫn theo Công văn số 45/TANDTC-PC V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành ngày 30/03/2020, gồm các điểm a, b, c và d tại mục 1.1, như sau:

a) Trốn khỏi nơi cách ly.

b) Không tuân thủ quy định về cách ly.

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly.

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Tương tự, các thành viên của Hội Thánh cũng không có vi phạm gì liên quan đến việc cách ly, khai báo y tế.

Do họ không vi phạm vào những điều cấm được quy định trong điều 240, thì theo nguyên tắc “Vô luật bất hình”, họ không thể là chủ thể của tội danh ghi trong điều luật ấy được. Điều đó đã là một sự thực khách quan không thể thay đổi, cho dù có cất công điều tra đến mức nào đi nữa. Thế nên, căn cứ pháp luật để khởi tố hình sự vụ án theo điều 240 Bộ luật Hình sự thật hết sức “mong manh”. Việc cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự là điều cần thiết.

Với tư cách là luật sư trong vụ án, chúng tôi đã kiến nghị đến cơ quan chức năng giải quyết vụ án theo hướng ấy. Điều còn lại là chờ vào quyết định của họ.

_____

*Tham khảo:

“Vô luật bất hình”, tên Latin “Nullum Crimen Sine Lege” là một nguyên tắc pháp luật cổ có từ thời Nhà nước La Mã. Cổ luật Việt Nam cũng chấp nhận nguyên tắc này và được minh thị đầu tiên trong bộ Quốc Triều Hình Luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) từ thế kỷ 15 dưới thời nhà Lê.

Trong luật pháp của chính quyền Sài Gòn cũ và đa số các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận quan điểm học thuật hình sự xác định yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, gồm 03 yếu tố: Yếu tố tinh thần, yếu tố vật chất và yếu tố luật định. Trong đó, yếu tố luật định chính là áp dụng nguyên tắc Vô luật bất hình.

Luật pháp hình sự Việt Nam hiện nay và một số nước XHCN trước đây ảnh hưởng bởi quan điểm của Liên Xô về học thuật hình sự đưa ra quan điểm 04 yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, gồm: Chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.