Đội tuyển Úc trên đất Việt, một đoạn vinh quang buồn
“Người ta bảo chúng tôi rằng nơi đây an toàn và rằng chiến tranh chưa thực sự lan tới Sài Gòn, nhưng nó cũng không cách xa mấy. Ban đêm chúng tôi leo lên sân thượng và trông thấy những viên đạn chỉ đường xẹt qua giữa bầu trời, nghe tiếng súng đì đùng từ xa vọng lại.”
Ron Corry, một thủ môn của đội tuyển Úc, kể về trải nghiệm ở khách sạn Caravelle trong chuyến du đấu tại Sài Gòn vào năm 1967.
NGOẠI GIAO BÓNG ĐÁ
Chuyện này khởi sự vào đầu năm, khi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ công du Úc.
Đấy là một chuyến công du mà ông Kỳ đã dày công sắp xếp, trong đó bao gồm điều tướng Nguyễn Hữu Có sang Trung Hoa Dân Quốc dự lễ khai trương đường bay Đài Bắc – Sài Gòn để ngăn ngừa tướng Có dấy loạn một khi ông Kỳ vắng nhà.
Chuyến đi của tướng Có rốt cuộc đã kéo dài tới ba năm ở Hương Cảng. Mãi khi quyền lực ông Kỳ suy yếu thì ông Có mới trở về.
Nhưng chuyện ông Có không mấy liên quan.
Chuyện ông Kỳ mới đáng kể.
Sang Úc, ông Kỳ gặp Thủ tướng Harold Holt vào tháng 1. Trong các cuộc gặp với phía Úc, ông Kỳ có lẽ đã gợi ý Úc cử đội tuyển bóng đá quốc gia sang dự Cúp Quốc khánh, dự kiến diễn ra vào tháng 11 cùng năm.
Phía Úc đồng ý ngay tắp lự, bất chấp thực tế là không có cầu thủ nào sẵn sàng đến một vùng chiến sự để giao đấu, chưa kể giải đấu sẽ diễn ra tại cầu trường nơi cách đấy hai năm bị Việt Cộng đánh bom làm chết 11 người và bị thương 42 người.
Dường như chính phủ của ông Holt, lúc bấy giờ đang bị chửi khá nhiều về sự can dự vào Chiến tranh Việt Nam, nhận thấy đây là dịp để vừa làm ngoại giao nhân dân vừa thắt chặt thêm tình quân dân thắm thiết. Thế là đi liền không nói nhiều.
Phía trên mình viết “dường như” là nhằm biểu đạt sự thận trọng, vì tài liệu cho thấy sự liên quan của chính phủ Úc trong chuyện này lại không được lưu.
Nhà sử học Roy Hay từ Đại học Deakin, tác giả sách “Cầu trường và Chiến trường: Úc và Việt Nam 1967-1972” trong đó đề cập chi tiết chuyến du đấu của đội tuyển Úc, cho biết:
“Vấn đề đã được bàn ở cấp Nội các, nhưng hồ sơ thảo luận không được chuyển tới Thư khố Quốc gia và giờ bị thất lạc rồi.”
ÁC MỘNG NƠI KHÁCH ĐIẾM
Sài Gòn năm 1967 hẳn nhiên không phải là một thành phố thanh bình. Dinh tổng thống bị pháo kích trong ngày đội tuyển Úc đặt chân tới.
Về sau, có thông tin cho biết một vài du kích quân Việt Cộng đã bị bắt trước khi kịp thực hiện vụ đột kích nhằm vào đội Nam Hàn ở cùng khách sạn với đội Úc.
Khách sạn Caravelle trong trí nhớ của các cầu thủ Úc là một nơi chốn đầy rủi ro. Stan Ackerley, cầu thủ gốc Anh từng thi đấu cho đội trẻ Manchester United, và một người nữa trong khi tìm cách bật quạt máy đã bị điện giật sém chết.
Một cầu thủ New Zealand tên Dave Taylor, mới 16 tuổi, không biết ăn uống thế nào đã đổ bệnh, suýt chết, phải nằm viện ba tuần, khi ra viện thì đồng đội đã quất ngựa truy tự bao giờ.
Đồ ăn là một nỗi ám ảnh khác.
“Một hôm chúng tôi được phục vụ một món ăn mà thoạt tiên mọi người cứ nghĩ là bò bít tết nên chén mạnh. Vài người thòm thèm bèn kêu thêm thì được cho biết đó là thịt chó. Trớ trêu thay, đấy là bữa ăn ngon nhất của chúng tôi.”
Kể lại chuyện trên không phải người Úc mà là tiền đạo 18 tuổi Earle Thomas của New Zealand.
Trở lại với đội tuyển Úc, họ được bố trí tập trên một cái sân lầy lội có tường cao hai mét. Các cầu thủ được cảnh báo nếu bóng bay ra ngoài cũng không được chạy ra nhặt để tránh vấp phải mìn.
Về sau thấy nguy hiểm quá nên đội Úc bèn leo lên sân thượng khách sạn Caravelle để tập chay.
Ron Corry kể rằng, trong thời gian ở lại Sài Gòn, đội Úc được bố trí đi thăm binh lính Úc đóng quân tại đây.
“Tôi có người bạn nhập ngũ và đóng tại Sài Gòn,” Corry kể. “Cậu ta tổ chức cho chúng tôi vào nhà ăn của quân đội và có một bữa ăn ra trò. Chúng tôi còn uống bia và xem phim.”
“Mấy anh lính Úc ở đó dặn chúng tôi hễ nghe một tiếng súng thì đừng có lo; nếu nghe hai tiếng thì cần cảnh giác; nghe ba tiếng thì nằm xuống sàn ngay. Việt Cộng có thể phóng xe máy tới quăng lựu đạn.”
Cũng có một dịp, giữa các trận đấu, đội Úc được đi chơi Vũng Tàu bằng máy bay Caribou. Xuống đó, ngoài chuyện ăn uống, đội còn thi đấu một trận với lính Úc.
Báo Sydney Morning Herald hồi đó viết rằng trong chuyến đi, các cầu thủ được dặn đừng quan tâm tới mấy vết đạn trên thân máy bay.
ÔNG KỲ TREO THƯỞNG
Cúp Quốc khánh diễn ra từ ngày 4 đến 14 tháng 11 năm 1967 có 8 đội tham dự, chia thành hai bảng.
Bảng A gồm Việt Nam Cộng Hòa, Úc, New Zealand và Singapore; Bảng B gồm Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông và Nam Hàn.
Tại giải đấu, VNCH thắng Singapore 2-0, thua Úc 0-1 và thắng New Zealand 5-1; sau đó thua Nam Hàn 0-3 ở bán kết và thắng Malaysia 4-1 trong trận tranh hạng 3.
Đội tuyển Úc do HLV Joe Vlasits người Hungary dẫn dắt, sau khi không được dự World Cup 1966 bèn coi mấy giải đấu này là dịp để cho cầu thủ trẻ rèn chân đặng chuẩn bị cho World Cup kế tiếp.
Mục tiêu khiêm tốn vậy thôi nhưng rốt cuộc họ đã rời vùng chiến sự với chiếc cúp vô địch, danh hiệu quốc tế đầu tiên trong buổi bình minh của đội tuyển quốc gia xứ chuột túi.
Trong trận chung kết, họ thắng Nam Hàn 3-2, được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao cúp.
Giải Quốc khánh năm đó, đối với các cầu thủ Úc là một cuộc phiêu lưu kỳ lạ, nhưng với dân bản xứ lại là một sự kiện thể thao lôi cuốn. Họ kéo tới chật kín sân Cộng hòa, với lượng khán giả từ 20.000 tới 40.000 mỗi trận.
Trong trận đấu giữa đội Úc và chủ nhà VNCH, do đông khách quá nên lính Úc không chen chân vào xem được. Thế là các cầu thủ Úc bèn cố thủ trong phòng thay đồ, chỉ chịu ra sân khi người ta bố trí xong chỗ cho mấy anh lính đồng hương.
Trung phong Johnny Warren, đã qua đời vào năm 2004, nhớ lại khi đi trong đường hầm ra sân, các cầu thủ Úc phải lách qua đám đông ken dày hai bên, khiến ai cũng lạnh gáy vì biết đâu trong đấy có vài ông Cộng quân trà trộn. Về sau, người ta kể rằng Việt Cộng quả thực có mặt rất đông trên khán đài, nhưng chỉ để xem bóng.
“Tôi vẫn nhớ tóc gáy mình dựng đứng lên khi đi từ đường hầm ra,” Warren kể.
Trận đấu diễn ra trong thế giằng co gay cấn, trên mặt sân đầy bùn do Sài Gòn dạo ấy thỉnh thoảng mưa rơi. Đến phút 35, thủ quân 24 tuổi Johnny Warren bèn ghi bàn cho đội khách.
Thấy đội nhà bị dẫn trước, vào giờ giải lao, ông Nguyễn Cao Kỳ, lúc bấy giờ vừa mới lên chức Phó Tổng thống được vài hôm, bèn vào phòng thay đồ gặp HLV và cầu thủ treo thưởng sáu tháng lương nếu thắng.
Nhưng rốt cuộc ông Kỳ đã không mất đồng tiền thưởng nào do đội VNCH thua.
Tan trận, đội Úc phải nán lại sân chờ khán giả về hết mới dám ra xe nhưng vẫn không tránh được cảnh bị ném đá.
NỖI BUỒN CÒN LẠI
Tham dự cúp Quốc khánh 1967, đội Úc được phía Việt Nam tài trợ vé máy bay và chỗ ở.
Mỗi cầu thủ nhận được mức lương 50 đô la Úc mỗi tuần, kèm thêm 10 đô la phụ cấp trong chuyến đi. Liên đoàn Bóng đá Úc có đòi Bộ Ngoại giao tài trợ 10.000 đô la nhưng đến nay không có thông tin là họ có đòi được hay không.
Không thấy tiền thưởng, các cầu thủ bèn giữ lấy áo đấu coi như là tự thưởng cho mình.
Cho đến mãi gần đây, các cầu thủ Úc tham gia giải đấu đó vẫn còn rất tâm tư. Họ bảo rằng trong khi văn công Úc sang Việt Nam hát múa cổ vũ cho lính thì được thưởng huy chương, còn chiến công mang tính mở đường của họ thì cứ rơi vào quên lãng. Theo họ thì văn công biểu diễn trong các căn cứ quân sự nên an toàn hơn các cầu thủ bóng đá nhiều.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đội Úc đời mới với những cầu thủ giàu sụ lại đến Việt Nam vào năm 2021.
Lần này họ đấu trên sân Mỹ Đình, giữa một thành phố đang căng thẳng không phải bởi đạn bom mà là do dịch bệnh.
_____
*Nguồn tham khảo:
https://thefootballfaithful.com/australia-soccer-vietnam-war-1967/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.