Bộ Chính trị và Gia Cát Lượng
1-9-2021
Phàm ở trên đời, khen ai chê ai là quyền của mỗi cá nhân. Cái quyền tối thiểu ấy mà không có thì con người ta chẳng có gì sất. Trong lịch sử thể chế này, đã có thời nhà cai trị bắt đám đông phải ngắm trăng tập thể, khi cán bộ bảo trăng đẹp thì mọi người phải khen đẹp, chê trăng mờ thì cũng ngậm ngùi rằng trăng mờ.
Viết vậy để nói rằng, dù chỉ là đứa dân đen nhưng tôi có ý thức tôn trọng quyền cá nhân của người khác. Họ phát ngôn, đánh giá, nhận xét, bày tỏ quan điểm, thậm chí chửi mắng, tôi đều tiếp nhận. Giày dép còn có size, kích cỡ khác nhau, nữa là người.
Hôm trước, tôi biên bài “Những chị Dậu thời nay” kể về cảnh khổ của người lao động tha hương chạy trốn dịch và cái đói. Không ít người nhào ra mắng mỏ, chê trách người chạy nạn vi phạm giãn cách, coi thường chỉ thị 16, xem thường đường lối chống dịch của chính phủ. Có người (chắc hưởng nhiều ơn huệ của chế độ) trịch thượng mắng tôi, ông đã làm được gì mà nói này nói nọ, có giỏi thì sao không đứng ra mà làm, người ta là Bộ Chính trị, là ban bí thư, là đầu não của đất nước, người ta ngu hơn ông chắc, người ta chờ ông chỉ bảo dạy dỗ chắc…, cứ thế mắng một thôi một hồi.
Theo các ông bà tận trung ấy, đã là Bộ Chính trị, ban bí thư, chính phủ, thủ tướng thì chỉ có đúng trở lên, sáng suốt, không sai, không cần ai góp ý, dân chỉ cần tuân chỉ, nghe theo, chấp nhận. Dù tôn trọng quyền cá nhân, nhưng tôi biết mình đang gặp phải kiểu người an phận, ỷ lại, dựa dẫm, hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ khác, có nói với họ cũng chả đi đến đâu. Họ không phải đám dư luận viên, hồng vệ binh, AK47, nhưng nhiều khi còn hung hăng hơn đám này.
Nghe họ đề cao tuyệt đối trí tuệ của Bộ Chính trị, sực nhớ về trí tuệ lừng danh thiên cổ Gia Cát Lượng.
Khổng Minh Gia Cát Lượng là bộ óc vĩ đại thời Tam quốc xưa, không chỉ Tam quốc mà của mọi thời. Nói tới ông, người ta chỉ nhấn về trí tuệ, cũng như Tây Thi thì đẹp, Hạng Võ thì khỏe. Một trăm cái Bộ Chính trị bây giờ cũng không bằng góc nhỏ Khổng Minh. Vậy nhưng ông ta cũng có lúc ê chề.
Khi kéo quân bắc phạt đánh nhà Ngụy, Gia Cát Lượng ỷ vào trí tuệ của mình, cứ theo lối riêng “cá nhân lãnh đạo, quần chúng chấp hành”. Viên tướng Ngụy Diên (một dạng quần chúng) thưa với ông ta, thừa tướng chỉ cần cho tôi 5 nghìn quân, tôi theo đường tắt qua hang Tý Ngọ, chiếm lấy Tràng An, khi địch trở tay không kịp, được đà đánh thốc tới Hàm Dương, chỉ 10 ngày là xong… Gia Cát Lượng cười bảo ngươi khinh trung nguyên không có người giỏi chăng, rồi quyết không theo lời Diên.
Tháng sau, khi Tư Mã Ý kéo quân tới, Ý bảo các tướng rằng chúng ta giữ được Tràng An là nhờ hồng phúc của chúa công, bởi Gia Cát Lượng bình sinh cẩn thận, không dám hấp tấp làm việc gì. Kỹ quá cũng hỏng. Phải tay ta, thì lúc địch không chút gì chuẩn bị, chỉ cần vài nghìn quân kéo ra hang Tý Ngọ, đến tắt Tràng An thì bình định được lâu rồi, Hàm Dương cũng nguy khốn, địch (tức đám chúng ta) chết không còn chỗ chôn. Hắn không phải kẻ vô mưu, nhưng sai lầm. Về sau nữa, khi chiếm được vị trí chiến lược Nhai Đình do Mã Tốc canh giữ, Ý cũng cười bảo Khổng Minh là người giỏi giang mà lại đi dùng thứ hư danh, tài năng tầm thường như Mã Tốc cầm quân, làm gì mà chẳng hỏng việc.
Điều ai cũng rõ, sau này Gia Cát Lượng bị thua và chết khi sự nghiệp dang dở, không hẳn do Tư Mã Ý tài giỏi khôn ngoan mưu mẹo hơn, mà có lẽ do chính những sai lầm ít ỏi mà ông ta đã mắc phải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.