Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

15 người trốn trên xe đông lạnh: Dư luận xót xa, chính quyền nhẹ tay vì dân quá khổ

 

15 người trốn trên xe đông lạnh: Dư luận xót xa, chính quyền nhẹ tay vì dân quá khổ

    13/09/2021

    VOA tiếng Việt

    Mọi thứ chỉ thị, nghị định, nghị quyết… rồi tổ chức quân đội, công an, đảng, đoàn, thảy đều hoàn toàn bất lực trước con virus, chỉ để lại hậu quả làm chết dân, khiến dân phải tìm mọi cách bỏ trốn nơi chết chóc. Thế mà các quan ở nơi cao tột vẫn không nhận ra lỗi lầm của mình. Thử hỏi, hàng triệu liều vaccine của Mỹ và các nước đã được WHO công nhận, nếu vào đúng chỗ cần ưu tiên tiêm ngay từ đầu thì đâu đến nỗi xảy ra tình trạng công nhân phải bỏ chạy hàng loạt về quê, và các cơ sở sản xuất ở SG, Bình Dương… phải tan tác như hiện tại? Lỗi ở ai, sao không thấy có cái mông quan nào chịu nhúc nhích khỏi ghế cả vậy? CS vì dân vì nước đấy ư? Chế độ này là chế độ vì dân đấy ư?

    Bauxite Việt Nam

    Cảnh sát ở tỉnh Bình Thuận phát hiện 15 người trốn trong 1 xe tai nhằm đi qua trạm kiểm soát dịch, 12/9/2021.

    Cảnh sát ở tỉnh Bình Thuận phát hiện 15 người trốn trong 1 xe tai nhằm đi qua trạm kiểm soát dịch, 12/9/2021.

    Nhà chức trách tỉnh Bình Thuận phát hiện 15 người trốn trong thùng xe tải đông lạnh vào tối 12/9 để về quê. Dư luận bày tỏ xót xa về vụ việc. Trong khi đó, vào trưa 13/9, chính quyền Bình Thuận cho biết không áp dụng biện pháp cứng nhắc mà sẽ giúp 15 người về quê.

    Báo chí Việt Nam cho biết một tổ cảnh sát ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, quan sát thấy có điều đáng nghi vấn đối với một xe đông lạnh và yêu cầu lái xe cho kiểm tra vào tối 12/9. Khi mở thùng xe, cảnh sát phát hiện ở trong đó là 14 người lớn và 1 trẻ em “vã mồ hôi” và “có dấu hiệu khó thở”.

    Tin cho hay 15 người này xuất phát từ Đồng Nai trên 2 xe chở khách 7 chỗ để về quê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị. Để đi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở Bình Thuận, họ phải trả thêm tiền và chuyển sang trốn trong thùng xe tải đông lạnh, nhưng không thành công.

    Trong cùng buổi tối 12/9, cảnh sát ở Hàm Tân truy tìm và bắt giữ tất cả 3 lái xe liên quan đến vụ việc.

    Theo quan sát của VOA, vụ việc thu hút sự quan tâm, theo dõi lớn từ dư luận Việt Nam. Trên mạng xã hội, nhiều người viết rằng họ cảm thấy xót xa về việc có những đồng bào vẫn phải gian nan trên chặng đường hồi hương. Một số người bày tỏ “không biết nói sao” về tình cảnh được ví von là có những người phải “vượt biên” ngay trong đất nước của mình.

    Không ít người đưa ra nhận định 15 người đành mạo hiểm với mạng sống của họ là vì tình trạng phong tỏa kéo dài đã làm họ mất sinh kế, các nguồn dự trữ cạn kiệt nên buộc phải tìm đường về quê.

    Những người khác cho rằng vụ việc gợi lại sự kiện đau lòng hồi tháng 10/2019, trong đó, 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh khi vượt biên từ Pháp sang Anh.

    Vào trưa 13/9, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh biết tỉnh không buộc 15 người phải quay lại nơi xuất phát vì đây là những người “đang gặp hoạn nạn”.

    Vị phó chủ tịch đưa ra quan điểm rằng những người dân này “không còn chọn lựa nào khác” ngoài việc phải về quê tránh dịch, và vì vậy “việc buộc họ quay về nơi xuất phát vô tình sẽ đẩy họ vào khó khăn chồng chất hơn”.

    Báo Pháp Luật Tp.HCM và một số báo khác, trong đó có Thanh Niên và Tiền Phong, cho biết lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị cấp dưới là chính quyền huyện Hàm Tân cách ly 15 người và cho họ được ăn, nghỉ miễn phí.

    Tỉnh Bình Thuận cũng làm việc với các tỉnh liên quan để đưa những người kể trên về nhà, báo chí tường thuật.

    Các động thái của Bình Thuận nhận được những lời khen ngợi trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Nhiều người viết trên Facebook rằng họ “vỗ tay”, “hoan nghênh” cách giải quyết “đầy tình người”, “nhân văn”, “do dân, vì dân” và “linh hoạt” của tỉnh. Một số người nêu ý kiến rằng các tỉnh cần hành động theo tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”, không nên hành xử theo kiểu mỗi tỉnh là một “sứ quân”.

    Nguồn: voatiengviet.com

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.