Đối thoại với ông Trương Nhân Tuấn về mô hình quốc gia dân chủ
Jackhammer Nguyễn
15-2-2021
Tôi vừa đọc được bài của tác giả Trương Nhân Tuấn trên trang Tiếng Dân, mang tựa đề, “Nước Mỹ nào có thể giúp dân Việt trong cuộc đấu tranh gian khổ của họ?”
Ông Tuấn là một tác giả được nhiều người biết đến trên nhiều diễn đàn khác nhau, bài của ông viết thể hiện sự suy nghĩ rất nhiều về vấn đề mà ông muốn chia sẻ cùng đồng bào ông. Và điều đáng nói hơn hết là bất cứ bài viết nào của ông cũng có một mục đích là đi tìm cái gì tốt nhất cho 90 triệu người dân Việt hiện nay.
“City on the Hill” – Thành phố trên đồi
Bài mới nhất mà tôi vừa đề cập cũng không ngoại lệ. Hai ý chính của bài này, theo tôi, thứ nhất là tổng kết ngắn gọn những đổ vỡ của nước Mỹ trong mấy năm qua, rồi từ đó nói với người Việt rằng, cái nước Mỹ đang hồi sinh với chính quyền Biden-Harris chính là nước Mỹ mà những người mong muốn tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam phải nhìn vào.
Quan điểm của tôi cũng không khác với ông Tuấn trong vấn đề này và chúng ta không bàn cãi ở đây nữa về sự huyễn hoặc của một số đông (vâng, rất đông) người Việt Nam, trong đó có nhiều khuôn mặt đang sống ở trong nước, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, dựa vào một nhân vật quái dị (nhưng bất tài) của lịch sử Hoa Kỳ là Donald Trump, trong suốt bốn năm qua và cả hiện nay.
Nhưng có một ý tôi không được đồng ý với ông Tuấn, xin trích nguyên văn: “Chỉ có mô hình quốc gia Mỹ, quốc gia được xây dựng trên những giá trị nền tảng, dân chủ tự do và pháp trị, mới có thể hội đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia lý tưởng”.
Trong phát biểu này, theo tôi có hai phần: Thứ nhất là “những giá trị nền tảng”, thứ hai là “mô hình quốc gia”. Nếu tôi hiểu đúng, thì những giá trị nền tảng có nghĩa là những tư tưởng về pháp quyền, tư tưởng quyền con người,… theo một góc nhìn nào đó là khá trừu tượng.
Trong khi mô hình quốc gia thì cụ thể hơn, chẳng hạn như tổ chức lập pháp như thế nào, đảng phái chính trị như thế nào, hệ thống an sinh xã hội ra sao, giáo dục công cộng có được đặt ưu tiên hay không,…
Tôi dễ dàng đồng tình với ông Tuấn ở những yếu tố trừu tượng, tuy nhiên về chuyện mô hình quốc gia thì tôi thấy có mấy vấn đề như sau:
Khi ông Tuấn nói, chỉ có mô hình quốc gia Mỹ thì có phải ông hàm ý đó là mô hình dân chủ nhất?
Nếu đúng như vậy, tôi hoàn toàn không đồng ý với ông ở điểm này. Hàng tỷ người trên trái đất này hiện đang sống trong những thể chế dân chủ, kể cả những quốc gia có truyền thống chuyên chế lâu đời ở châu Á như Đài Loan (tôi không cho nó thuộc Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hay ông Tuấn muốn nói rằng trong tất cả những mô hình dân chủ thì mô hình Mỹ là tốt nhất? Tôi nghĩ, những người Mỹ đang lo lắng về quốc gia của mình, trong đó có tổng thống Biden, có thể không đồng ý với điều này. Ông Biden vừa nói sau phiên tòa thượng viện: “Nền dân chủ rất mong manh”.
Tôi cũng không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng rõ ràng là người Nhật, người Úc, người châu Âu,… vẫn hài lòng với mô hình quốc gia của mình.
Mô hình Mỹ đã đưa một kẻ dân túy cơ hội bất tài là Donald Trump lên cầm quyền, làm cho đất nước đổ vỡ tan hoang. Nhưng Trump chỉ là chất gia tốc cho sự đổ vỡ. Mô hình quốc gia Mỹ đã làm cho xã hội Mỹ phân hóa giàu nghèo một cách kinh khủng trong mấy chục năm qua, nằm giữa hai bờ Đông – Tây phồn thịnh là vùng quê nghèo khó.
Mô hình quốc gia Mỹ với nền kinh tế tân bảo thủ làm cho hệ thống bảo hiểm y tế trở nên vô cùng rối rắm và không hiệu quả, mặc dù đất nước sở hữu những thiết bị y tế hiện đại nhất thế giới.
Mô hình này cộng với sự bất tài của Donald Trump làm cho nước Mỹ thất bại thê thảm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm vừa qua.
Nước Mỹ, với thiết chế dân chủ đủ mạnh đã vượt qua được cơn khủng hoảng có tên là Trump vừa qua, nó vẫn sẽ là “City on the Hill” sáng lòa, nhưng nó rất lớn, khó lòng so sánh được với Việt Nam với những vấn đề cụ thể rất khác biệt về địa lý, tự nhiên, dân tộc, địa chính trị…
Những quốc gia nhỏ bé
Việt Nam là một quốc gia nhỏ và chật chội, nghèo tài nguyên. Mô hình dân chủ hóa đất nước đầu tiên là thể chế Việt Nam Cộng hòa, ít hay nhiều xuất phát từ mô hình Mỹ đã thất bại. Tất nhiên, khi đem Việt Nam Cộng hòa ra đây so sánh thì rõ ràng là không công bằng, vì thể chế đó vừa phải chiến đấu xây dựng nền dân chủ, vừa phải đối đầu với sức mạnh phản dân chủ kiểu toàn trị Cộng sản mà nhân loại, cho đến lúc đó chưa biết rõ ràng về nó.
Ngoài những mô hình dân chủ Á Đông mà tôi nói ở trên, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, khá gần với đất nước Việt Nam, chúng ta còn biết đến những nền dân chủ nhỏ bé khác, ở đó, dân chúng sống hạnh phúc. Người ta không nghe nói đến họ, vì họ cứ lẳng lặng mà sống hạnh phúc. Tôi có thể đề cập hai nước nhỏ bé là Costa Rica ở Nam Mỹ và Botswana ở phía Nam châu Phi.
Chúng ta biết rằng, cả một châu Mỹ Latin mênh mông cho đến nay vẫn là một bi kịch, thể hiện rõ nhất qua các cuộc đảo chánh triền miên của các đại tá, của văn hào Garcia Marquez (ông Trump có lẽ muốn bắt chước các đại tá này). Những đoàn người tỵ nạn dài dằng dặc hướng đến biên giới Hoa Kỳ, trong dòng người đó, người ta không thấy có người Costa Rica, một quốc gia dân chủ, không cần có cả quân đội.
Tại châu Phi, nơi thường gợi lên những hình ảnh khốn cùng, nước Botswana nổi lên như một quốc gia dân chủ, không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, hứa hẹn sự phồn thịnh cho nền kinh tế.
Cuối cùng xin thưa rằng, bài viết này không có ý định tìm kiếm một mô hình quốc gia cho Việt Nam, chỉ xin làm rõ vài điều không đồng ý với tác giả Trương Nhân Tuấn. Mô hình quốc gia dân chủ sẽ do 90 triệu người Việt Nam quyết định.
Xin cảm ơn ông Trương Nhân Tuấn cho tôi cơ hội bàn chuyện với một người đồng cảm, trong những ngày đầu xuân này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.