Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Ngày 17/2/1979, khởi đầu của chính sách đu dây

 

Ngày 17/2/1979, khởi đầu của chính sách đu dây

Jackhammer Nguyễn

17-2-2021

Ngày 17/2 lại đến với hàng chục triệu người Việt Nam. Một cảm xúc lẫn lộn rất khó tả trên không gian mạng, trên báo chí nhà nước và báo chí hải ngoại. Người Việt cảm thấy tự hào vì đã đuổi được kẻ xâm lược đông hơn mình, bực tức vì Hà Nội và Bắc Kinh vẫn giao hảo, vẫn ý thức hệ tương thông và không biết tương lai sẽ như thế nào.

Ngày 17/2/1979 quân đội Trung Quốc ồ ạt tấn công Việt Nam. Một tháng sau, họ bị đánh bật, nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài dai dẳng cho đến hiệp ước Thành Đô, năm 1990 mới chấm dứt. Mà thật ra chỉ chấm dứt trên đất liền, căng thẳng và xung đột trên biển vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Ngày 17/2/1979 là ngày khởi đầu cho học thuyết đu dây của ngoại giao Việt Nam cho tới nay. Đa số các nhà quan sát trong và ngoài nước đều cho rằng, 30 năm nay học thuyết đu dây, nghĩa là cố gắng giữ thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (phương Tây) được áp dụng xuyên suốt, được sự nhất trí hầu như tuyệt đối giữa các nhà lãnh đạo Hà Nội.

Học thuyết này cũng sẽ không thay đổi sau đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vừa qua.

Trước cuộc chiến 17/2/1979, đảng CSVN rất “kiên định lập trường ta địch”, hoặc là họ đứng phe này hoặc phe kia, chứ không đu dây. Các phe phái địa chính trị này, trong con mắt đảng CSVN bị chi phối mạnh mẽ bởi ý thức hệ. Họ đứng về “phe xã hội chủ nghĩa chống tư bản” khi cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu. Họ đứng về phe “kiên trì chủ trương đường lối, chống xét lại”, tức là về phía Bắc Kinh, chống Mạc Tư Khoa, trong rạn nứt đầu tiên của khối cộng sản. Sau đó họ lại “đứng về phía Liên Xô xã hội chủ nghĩa chống bọn bành trướng Bắc Kinh”.

Diễn biến của trận chiến biên giới bắt đầu ngày 17/2/1979 kéo dài hơn 10 năm chiến tranh giằng co sau đó, dạy cho đảng CSVN sự khôn ngoan địa chính trị, mà vì lý do ý thức hệ, họ không có trước đó. Cuộc đối đầu Việt – Trung này làm cho Hà Nội nhận ra rằng hiệp ước hữu nghị Việt – Xô mà họ ký trước đó, chỉ là mảnh giấy lộn.

Không có hành động quân sự nào của quân đội đồng minh Liên Xô ở biên giới phía Bắc của Trung Quốc, dù trước đó chỉ 10 năm, năm 1969, Hồng quân Liên Xô từng tấn công Bát lộ quân rất dữ dội trong một cuộc chiến biên giới ngắn nhưng đẫm máu. Cuộc tấn công đảo đá Gạc Ma của Trung Quốc năm 1988 diễn ra ngay trước mắt hải quân Liên Xô, đồn trú tại Cam Ranh.

Trước hiệp ước Thành Đô một năm, Đông Âu sụp đổ; sau Thành Đô một năm thì Liên Xô sụp đổ, nhưng Bắc Kinh vẫn tồn tại, sống hùng sống mạnh với vết máu Thiên An Môn trên mặt.

Tất cả những điều đó thúc đẩy Hà Nội ngày càng tin chắc rằng, đu dây là đúng.

Thật ra, thế giới quan của Hà Nội trước năm 1979 bị bó buộc lại trong một khung nhị nguyên ta – địch rất hẹp, do ý thức hệ mà ra, vì chính sách địa chính trị đu dây không hề hiếm trong lịch sử nhân loại.

Ngay bên cạnh Việt Nam, Vương quốc Thái Lan nhờ đu dây giữa hai đế quốc thuộc địa Anh và Pháp mà thoát cảnh bị ngoại bang đô hộ, và hiện nay, tương tự như Việt Nam họ cũng đu dây giữa Bắc Kinh và Washington.

Các quốc gia nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng như Việt Nam, chẳng hạn Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ,… đều thực hiện chính sách đu dây từ lâu.

Một yếu tố quan trọng góp phần vào chính sách đu dây của Hà Nội cần được nói đến là, sự thất bại của Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, trong đó hạm đội 7 của Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ, dù Sài Gòn là đồng minh chống Cộng một thời của Mỹ.

Hà Nội hiện nay hiểu rõ Washington hơn Sài Gòn ngày xưa, và họ cũng hiểu Mạc Tư Khoa nhiều hơn sau năm 1979. Việt Nam không tin cường quốc nào.

Liệu chính sách đu dây này kéo dài tới bao giờ, và nó có thật sự bảo vệ cho Việt Nam?

Rất khó trả lời cho câu hỏi này. Một mặt, quan hệ kinh tế Việt – Trung lớn đến mức không thể phủ nhận được, đối với bất cứ người nào cầm quyền tại Hà Nội. Mặt khác, ảnh hưởng của quyền lực mềm từ Mỹ và phương Tây lên xã hội Việt Nam ngày càng mạnh, tạo nên một áp lực lớn từ dưới lên, muốn rời xa Bắc Kinh.

Cho tới nay Hà Nội khá thành công trong chính sách đu dây, trong đó có lúc cương, lúc nhu với Bắc Kinh, theo như nhận xét của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trả lời ông Nguyễn Lương Hải Khôi của Tạp chí nghiên cứu Việt – Mỹ, Đại học Oregon.

Chính sách của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh là một chính sách hai mặt khá hiệu quả. Ngoài mặt, mối quan hệ ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản vẫn được đề cao, có thể vuốt ve được tự ái của Bắc Kinh muốn đóng vai cường quốc, nhưng bên trong là sự nghi ngờ rất sâu sắc của Hà Nội. Thể hiện rõ chính sách hai mặt này là việc Hà Nội âm thầm đóng cửa biên giới, không cấp visa cho người Trung Quốc lúc bắt đầu đại dịch Covid-19, các nhóm hacker Việt Nam được cho là có liên quan đến chính phủ xâm nhập website Sở Y tế Vũ Hán để tìm kiếm thông tin.

Câu hỏi tiếp theo là, liệu với cuộc đối đầu Mỹ – Trung có khả năng leo thang, Hà Nội có bắt buộc phải chọn phe?

Lời lẽ bài Hoa ồn ào của chính quyền Trump trong bốn năm qua được sự cổ vũ nhiệt tình của dân chúng Việt Nam, và cả các viên chức ngoại giao cấp thấp, tuy nhiên Hà Nội vẫn đủ khôn ngoan, âm thầm hưởng lợi từ sự ồn ào đó mà không làm phật lòng Bắc Kinh. Ngoài ra họ còn nhân cơ hội lơ là về nhân quyền của Trump để tiêu diệt các nhóm đối kháng trong nước.

Nay nước Mỹ trở lại với chính sách đối ngoại cố hữu là liên kết các đồng minh cùng giá trị dân chủ, duy trì sức ép về các vấn đề nhân quyền, liệu Hà Nội sẽ dạt về Bắc Kinh hơn?

Tôi nghĩ rằng họ đã quen những áp lực như vậy, và trên hết là mối nghi ngờ phương Tây muốn thay đổi chế độ của họ không còn nữa, sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Họ vẫn tiếp tục chơi con bài đu dây cho tới chừng nào vẫn còn đối đầu Mỹ – Trung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.