Thần tài là ai?
21-2-2021
Người Việt có tục thờ thần tài, theo thời gian “phong trào” này ngày một nở rộ và sinh ra lắm biến thể, góp phần làm thành một bức tranh tín ngưỡng đậm màu mê tín.
Thần Tài là ai?
Phạm Lãi là danh sĩ thời Xuân thu Chiến quốc. Là người thông tuệ, học thức và có vai trò quan trong giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Sau khi Việt Vương trở thành bá chủ thời hậu Xuân Thu, Phạm Lãi thoái lui đi đến nước Tề khai hoang buôn bán. Nhờ sự thông minh, trí tuệ hơn người ông trở thành đại phú. Ông là người trọng nghĩa khinh tài, tiền của làm ra mang đi bố thí, ông được người đời tôn làm Thiên tài Tinh quân (Nam lộ Tài thần), và thờ ông với tên gọi Thần Tài như ta vẫn dùng đến ngày nay (có thể tra cứu từ nhiều tư liệu phong phú trên internet).
Như vậy, Thần Tài có nguồn gốc Trung Hoa. Và thờ Thần Tài là việc chuyên chở tinh thần BIẾT ƠN một người rộng lượng đã luôn sẵn sàng xả bỏ tài sản để cứu giúp người khác mà không hề so đo toan tính; đồng thời là một cách nhắc nhở chính mình về việc HÀNH THIỆN giúp người. Thờ Thần Tài, ban đầu mang một ý nghĩa giáo dục tích cực như thế; nhưng theo thời gian, người ta đã quên mất cái “dụng ý” ban đầu ấy, và chuyển sang mưu cầu. Thờ cúng lúc này đã dựng Thần Tài lên thành một ông thần có năng lức ban phát tiền vàng của cải, và sự cầu xin chính là tâm thế duy nhất của ngày 10.1 (âm lịch) ngày nay.
Từ một giá trị ban đầu, lòng tham đã biến một nghi lễ giàu tính nhân văn thành một hành vi mê tín dị đoan; từ một cách tự giáo dục đã trở nên một sự sa đọa điển hình của tinh thần.
Nếu trong trời đất này có một ông thần nào như thế thì ông ta đích thị là kẻ chẳng ra gì. Đó sẽ là điển hình của một ông quan thích ăn hối lộ và đầy thói thiên vị. Một kẻ mà ai cúi lạy và mang quà tới cùng những lời đường mật thì sẽ được ban tiền vàng, ai không nhớ tới thì bị lãng quên hay bị trừng phạt thì đạo lý ở đâu? Quy luật của thiên nhiên hóa ra là thứ tầm phào?
Của cải và sự giàu có, ban đầu phải đến từ lao động và trí tuệ của con người, không thể khác được. Đó là một thứ nhân – quả, là đạo của tự nhiên. Nó nhắc ta tự lực, tự tin, tự chủ.
Theo Phật giáo, bố thí (sự chia sẻ vô tư) có 3 loại: tài thí (cho đi tiền của), pháp thí (cho đi sự hiểu biết) và vô úy thí (cho đi sự an ổn). Bố thí của cải thì được giàu sang, bố thí sự hiểu biết thì được trí tuệ, bố thí sự an ổn thì được hạnh phúc, luật nhân quả là như thế. Tóm lại, dù nhìn ở góc độ thế gian hay Phật pháp thì sự giàu có vẫn là kết quả của chính hành động nơi bản thân mỗi người. Mục đích cao nhất của nó là làm làm lợi mình- lợi người để cùng tạo lập một cộng đồng nhân ái và hạnh phúc.
Thờ Thần Tài đã đi vào tình trạng u mê. Nó là biểu hiện của tệ sùng bái vật chất, thờ “thần tài” đang chính là thờ “Tiền”. Tiền trở thành giáo chủ của “tôn giáo Thần tài”, người ta chỉ còn một niềm tin ấy, tin vào tiền bạc. Từ thờ Thần Tài, đến dùng mọi thủ đoạn để có được tiền chỉ còn là một sợi chỉ mỏng manh, đôi khi vô hình. Như thế, “thờ Thần tài” không những không có được tiền mà còn là nguồn cơn sâu xa của nhiều khổ đau trong đời sống và xã hội.
Chỉ có tôn thờ trí tuệ, lòng từ ái và tinh thần dũng cảm mới mang lại hạnh phúc thật sự cho con người. Trong bối cảnh xã hội VN chuyên chế này, chỉ có thờ CÔNG LÝ và sẵn sàng tranh đấu cho công lý mới là kẻ có lý trí tỉnh táo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.