Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Ôi chùa! Ôi sư!

 

Ôi chùa! Ôi sư!

I- Ôi chùa!

Cuộc đời tôi luôn gắn với Nhà Chùa. Ngay từ khi mới sinh, cha, mẹ tôi đã bán tôi (cũng như các anh, chị, em tôi) cho Nhà Chùa. Đó là chùa Am – Diên Quang Tự, do bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, vốn là Hoàng hậu của Vua Trần Duệ Tông mở đất dựng chùa từ năm 1428-1433 ở xã Phụng Công – tổng Đồng Công nay là xã Hòa lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Việc bán này cũng mang tính hình thức, tức là cha, mẹ tôi vẫn nuôi dạy chúng tôi như bình thường. Tuy nhiên, tất cả các anh, chị, em chúng tôi vì đã được làm con nhà Chùa nên chúng tôi phải gọi cha, mẹ mình là “chú” (tức em của bố), “mự” (tức vợ của chú).

Ngày tôi còn là đứa bé chăn trâu thường xuyên thả trâu trước bãi tha ma trước của Chùa. Đó là một bãi tha ma rộng cỡ hơn chục mẫu. Hồi ấy hễ ai chết cũng đem chôn ở bãi tha ma đó. Vì vậy bất kể ai qua bãi tha ma dù là ban ngày cũng đều sợ ma bắt. Riêng tôi thì kể cả trưa tròn bóng hoặc tối sậm mặt người vẫn vô tư một mình thả trâu ở đó, thậm chí còn nằm lăn ra bãi cỏ ngủ ngon lành.

Hồi 1975-1976, sau khi “phục viên” từ Quân đội về quê ôn thi đại học, tôi thường lấy nhà Chùa này làm nơi ngồi học cho yên tĩnh. Kết quả Năm 1976 tôi thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội với tỷ lệ cạnh tranh 1/35 thí sinh.

Năm 1981-1987 tôi công tác ở Hà Nội, nhà ở gần Làng Nhân chính. Ở đó có một ngôi chùa nhỏ, ít người thăm viếng nên rất yên tĩnh. Năm 1987, tôi được chọn đi thi nghiên cứu sinh. Đó là một cuộc “công cua” rất “khốc liệt” mà tôi đã có dịp kể trên Facebook. Nhà nghèo, con nhỏ nhưng tôi quyết tâm thi bằng đỗ để được sang Liên Xô.

Tôi đã chọn ngôi chùa nói trên để làm “căn cứ địa”. Có những hôm tôi ngồi học từ sáng đến chiều tối mà chỉ uống nước vối do Sư thầy trụ trì ở đó cung cấp cho. Kết quả tôi cũng “chiến thắng” trong kỳ thi này. Mà sự chiến thắng của tôi cũng có đôi chút kỳ lạ.

Tôi từng tâm sự rằng trong các kỳ thi tôi không lo kiến thức mà chỉ lo chữ viết của mình quá xấu. Phần lớn các thầy chấm bài của tôi đều chỉ đọc qua đoạn nào đọc được, còn thì lướt qua rồi cho điểm cỡ trung bình, tức 5-6 điểm.Ấy vậy mà lần ấy bài làm Triết học của tôi được 9/10 điểm. Các bài khác cũng được từ 7 trở lên. Tôi thầm nghĩ chắc các thầy giáo chấm bài đã được “ai đó” giúp đọc được chữ viết của tôi chăng?

Khi còn công tác ở Bộ Tư pháp, cứ mỗi lần đi địa phương tôi đều quan tâm tìm hiểu xem ở địa phương ấy có chùa nào? Nếu gần nơi nghỉ là tôi sẽ đến thắp hương. Một lần tôi đến một tỉnh miền Trung công tác, qua trò chuyện thì được một cô cán bộ của Sở Tư pháp cũng là người rất có tâm với nhà chùa và dẫn tôi thăm một ngôi chùa ở gần đó.

Đó là một ngôi Chùa rất cổ và rất giản dị. Điều đặc biệt là ở Nhà Chùa này không hề thấy một “Thùng công đức” nào như phần lớn các chùa khác thường có. Để gặp được Sư Thầy tôi và cô gái kia cũng phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ đứng chờ gữa sân trời nắng chang chang trong lúc Sư Thầy “nghỉ trưa”. Tôi biết chắc rằng không phải Sư Thầy nghỉ trưa đâu mà là muốn thử lòng chúng tôi đấy thôi. Nhưng tôi lại rất thú vị về sự chờ đợi đó.

Gần hai tiếng đồng hồ tiếp kiến Sư Thầy tôi rất tâm đắc. Tôi ngỏ lời mời Sư Thầy một chuyến viếng thăm các chùa lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh… Sư Thầy bảo đã đi hết rồi. Hỏi dò Sư Thầy về nhận xét các chùa ở phía Bắc. Sư bảo ngoại trừ một vài chùa vẫn giữ được nét nguyên bản, còn thì bị “biến dạng” cả rồi! Sơn đỏ, vàng nhiều quá! Hỏi về các sư trụ trì nơi các chùa đó thì Thầy tìm cách “đánh trống lãng”. Tôi biết mình vừa phạm vào một điều cấm kỵ của Nhà Phật.

Tôi là một anh công chức bình thường, sống bằng đồng lương nên không thể có nhiều tiền để “cúng dường” cho nhà chùa như hiện nay người ta vẫn làm. Mỗi khi vào chùa tôi cũng bỏ ít tiền lẻ vào thùng công đức. Cũng có khi dư dả thì tôi bỏ ra một đôi triệu vì nghĩ rằng mình là “con nhà Phật”.

Nhưng tôi rất không thích cái lối nhà chùa cấp “Chứng nhận công đức” cho những người “cúng dường”. Nghĩ rằng Đức Phật, Người nhìn thấy cả sáu cõi, thấu hết tâm can của từng người chứ đâu phải như cơ quan nhà nước cứ phải ghi rõ vào Danh sách ai? Cúng cái gì? Bao nhiêu? để “chấm công” cho họ.

“Sổ ghi công đức”, “Giấy chứng nhận công đức” khác nào gia chủ sau khi xong việc thì xé từng chiếc phong bao ra, hai ba người cùng kiểm đếm xem ai “đi” bao nhiêu tiền, để rồi ghi nhớ cái tình của họ đối với mình. Đó là thứ “văn hoá con buôn” của người Việt Nam hiện nay.

Trong khoảng hai chục năm trở lại, Tết nào vợ chồng tôi cũng về quê (ngoại trừ Tết năm nay không về được vì đại dịch COVID). Tết nào cũng vậy, cứ sáng mùng một Tết là tôi lên Chùa – nơi tôi được nhận làm con của Phật. Nhưng khoảng dăm bảy Tết trở lại đây tôi như người bị mất nhà. Ngôi chùa mà tôi coi như nhà của tôi đã được (bị) người ta tôn tạo, làm mới đến mức tôi không nghĩ đó là chùa.

Có lần tôi phàn nàn với bác Huyến (Đoàn Tử Huyến) rằng trông nó giống như trụ sở của một cơ quan nhà nước thuộc hạng “máu mặt“ ấy. Bác Huyến bảo: Từ ngày chúng nó xây mới lại chùa, tao có lên đó bao giờ đâu!

Còn nhớ một Tết nào đó cách nay khoảng dăm năm, khi vợ chồng tôi lên thắp hương chùa thì bị một đám người đứng ở sân chùa cản lại, bảo rằng: Huyện ủy đang thắp hương trong chùa. Tôi hỏi: Huyện ủy là cái gì? Là ai? mà dám độc chiếm chùa, ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng của người dân được Hiến pháp ghi nhận?

Thấy tôi nói cứng nên bọn người ấy phải nhường. Nhưng cũng từ đó tôi tự nhiên mất cảm tình với nhà chùa. Cũng từ đó tôi không còn hứng thú đi chùa, dù bất cứ chùa nào, ở đâu? Không đi chùa nhưng trong tâm tôi luôn luôn kính Phật.

Có câu: PHẬT TẠI TÂM nên tôi không lo bị Phật trách phạt mình không đi chùa. Câu niệm Phật “Nam mô Adi Đà Phật! Nam mô Quán Thế âm Bồ Tát” luôn thường trực trong tôi mỗi ngày. Các cụ nói: “Có thờ có thiêng” là không sai. Tuy nhiên những kẻ tà ác, tham lam… thì đừng niệm Phật làm gì cho uổng công.

Thời gian gần đây (từ khi nghỉ hưu) tôi giành nhiều thời gian tìm hiểu về “Huyền học” thì lại càng tin tưởng hơn về thế giới tâm linh và nhận ra cái sự “thô thiển” của những thứ lý luận của loài người mà mình đã bỏ công một đời đi theo nó. Tôi cảm thấy kinh tởm cái cách mà chúng ta / tôi từng dùng cái khái niệm “GIÁC NGỘ” trong Kinh Phật vào đời sống thường ngày như: “giác ngộ cách mạng”, “giác ngộ giai cấp” v.v… Đúng là sự ngạo mạn, ngông cuồng của những kẻ ngu dốt.

_____

Một số hình ảnh chùa Am – Diên Quang tự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.