Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Lan man vài suy nghĩ đầu xuân Tân Sửu

 

Lan man vài suy nghĩ đầu xuân Tân Sửu

Nguyễn Thái Nguyên

17-2-2021

Vì không hành nghề viết lách nữa nên không dám gọi là “khai bút” theo kiểu mấy bà bán hàng nơi chợ cóc chỗ tôi ở, đang hỏi ngày giờ tốt để “mở hàng” mà chỉ nhân dịp xuân về, Covid lung tung không đi đâu, không biết làm gì thì viết đôi lời cho có việc vậy.

1/ Tuy gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng đất nước ta đã đi qua năm Giáp Tý với nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cả về kinh tế cũng như phòng chống dịch bệnh. Dẫu là thế thì cũng không thể chủ quan mà đánh giá các thành tựu một cách thái quá thì thành ra tự ru ngủ mình trên vòng Nguyệt Quế thì ít mà trên khó khăn, yếu kém thì nhiều.

Chả lẽ chúng ta đã quên hay bây giờ không chấp nhận một thực trạng đáng lo ngại là tụt hậu ngày càng xa so với nhiều nước trong khu vực? Nhiều tệ nạn xã hội gây nhức nhối và tình trạng hư hỏng, suy thoái đạo đức rất nghiêm trọng…

Suốt cả thời gian trước và sau Tết đến hôm nay, đài báo ngợi ca hết cỡ thành công của Đại hội 13, theo đó là những thành tựu phát triển đất nước đến mức chưa bao giờ được như bây giờ. Ở một cảnh giới nào đó, chắc các vị vua như Lý Thái tổ, Lý Thái tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh tông… cũng đành chịu tài vượt mặt của hậu duệ của các ngài thời nay!

Vẫn biết sự so sánh nào cũng khập khiểng, nhưng phương pháp để so sánh mới là quan trọng. Nếu ta căn cứ vào sự phát triển của đất nước ta “theo chiều dọc” của lịch sử thì đương nhiên, chưa từng có bao giờ lắm máy bay, ô tô, xem máy, TV, tủ lạnh, đường cao tốc … như thời đại bây giờ thật. Nhưng so sánh như thế thì bất cứ nước nào cũng có thể đánh giá kiểu đó chứ không riêng gì Việt Nam.

Tạm gác sang bên chất lượng của sự tăng trưởng và phát triển thì vấn đề còn ở “chiều ngang” của lịch sử. Chúng ta đã đi như thế nào và hiện nay đang đứng ở đâu trong thế giới này? Dưới triều đại của vua Lê Thái Tông, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận: “Mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp”.

Sự đổi thay đến mức tuy không xưng Bá như thói bên nước tàu, nhưng cũng đã là một cường quốc hùng cứ một phương, đến mức “Các nước Trảo Oa, Xiêm La, Tam Phật tề (Vương quốc Srivijaya thuộc Sumatra), Chiêm Thành, Mãn Lạt Gia đều vượt biển sang cống” (ĐVSKTT).

Vào thời Hồng Đức, vua Lê Thánh tông không tự đánh giá mà nhân dân và các nhà sử học đời sau đánh giá cả cá nhân ông và triều đại của ông: “Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, thực là bậc anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được” (ĐVSKTT). Đất nước “thời vua Thái tổ Thái Tông. Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng thèm ăn” (Ca dao)…

Đất nước ta đã từng có những triều đại dưới thời phong kiến cực hưng thịnh mà triều đại Hồng Đức của Lê Thánh Tông là một trong số đó. Đánh giá nước Việt là một cường quốc hùng mạnh không chỉ so với triều Tiền Lê, Đinh, Lý mà các sử thần đã so sánh nước Việt thuở ấy với các nước châu Á, kể cả với “Thiên triều”. Mãi đến thời Nguyễn, nhà Sử học Phan Huy Chú ghi nhận: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là thời Hồng Đức”. Nếu bây giờ có một Phan Huy Chú thứ hai, chắc ông ấy cũng đánh giá như thế chứ không thể nói thời nay học hành, khoa cử là nhất được.

2/ Đất nước mình đang có nhiều thứ suy yếu, tụt hậu so với thiên hạ, thậm chí có mặt còn băng hoại đến mức rất đáng lo ngại, thì riêng lĩnh vực thi ca lại phát triển rầm rộ, đúng là chưa bao giờ được như thế, kể cả thời của ông vua hay chữ, yêu thơ phú như vua Lê Thánh Tông hay vua Tự Đức cũng không là gì. Người người làm thơ, nhất là rất đông bọn về hưu, trước hay sau tôi, đều bỗng nhiên trở thành nhà thơ cả. Họ cũng bỏ tiền, kể cả những lão nghèo, in lấy vài ba cuốn thơ để “tặng bạn bè” những lúc gặp mặt, chứ nếu bán thì chắc không ai mua.

Nói khí không phải, tôi sợ nhất là những lúc được tặng thơ và nghe bạn đọc thơ! Nội dung thì không đáng quan ngại vì có đọc bao giờ đâu, nhưng ngại nhất là mấy ông “xin ý kiến” thì quả là không phải với bạn yêu, nói không đọc thì không nỡ mà nói dối thì lại thẹn với chính mình.

Viết như thế này, nói như thế này, chắc nhiều “nhà thơ” bạn bè không vừa lòng. Đầu Xuân mới xin cho tôi hai chữ đại xá vậy.

Ngày xưa, hình như cũng có một thời đoạn lắm nhà thơ làm khổ nhau nên mới có giai thoại về mấy ông bạn đồ Nho với nhau: Chán ngấy với ông bạn hay làm thơ, hay khoe thơ mà thơ không ra gì. Mấy ông bạn quen tìm ra một phép trị rất là… văn. Ông ta đến nhà bạn cùng vài ba người khác và bảo với ông bạn hay làm thơ, rằng bỗng nhiên trời cho ông một khả năng kỳ lạ: Không cần đọc mà chỉ ngửi cũng biết được tác phẩm gì.

Ông “nhà thơ” không tin nhưng ông bạn này bảo cứ bịt mắt tôi lại rồi đưa tôi sách gì là tôi ngửi biết ngay. Bán tín bán nghi, ông nhà thơ làm theo rồi lật đật vào nhà lấy một cuốn sách ra cho bạn ngửi. Sách vở của ông này thì có bao nhiêu, lại cùng đọc quen lắm rồi. Ngửi một lúc thì ông ta phán đây là cuốn Tam quốc Diễn nghĩa. Chính xác, nhưng ông nhà thơ thắc mắc thì ông bạn bảo tôi ngửi thấy toàn mùi binh đao khói lửa khét lẹt!

Vẫn chưa tin, ông vội vào lấy một cuốn khác. Lần này ngửi nhanh hơn và phán ngay đây là cuốn Thủy Hử. Lại đúng, vì ông ta ngửi thấy mùi thịt chó lão Lỗ Trí Thâm đang ăn. Nghi là đã quen sách của mình, lão bèn vào nhà lấy ra một tập sách mỏng hơn, còn thơm mùi giấy. Lão bạn ngửi lâu hơn rồi phán đây là bản thảo thơ của ông! Không sai.

Nhà thơ kinh ngạc hỏi sao ông biết thì ông bạn này nói tôi ngửi thấy mùi thum thủm mắm tôm! Không thấy chuyện kể thêm, nhưng chắc kể từ đó thì cả tình bạn và thơ đều biến mất và mọi người cũng đỡ khổ vì thơ hơn.

3/ Lãnh đạo đất nước mình có nhiều vị làm thơ là chuyện bình thường. Không kể các đời vua như Lê Thánh Tông hay Tự Đức mà Bác Hồ, Trường Chinh, Tố Hữu, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ… đều vừa làm công việc của người lãnh đạo vừa thỉnh thoảng lại làm thơ. Riêng Bác Hồ, năm 1941 về nước thì Tết Nhâm Ngọ năm 1942, Bác đã làm thơ chúc Tết. Ngoại trừ 3 năm bị chính quyền Trung Hoa Dân quốc quản thúc ở Quảng Tây và 3 năm Bác chúc tết bằng thư, còn 21 bài thơ chúc Tết với cương vị là Chủ tịch nước.

Tuy Bác khiêm tốn mà nói rằng: “Mấy lời thân ái nôm na. Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” (Thơ chúc Tết Xuân Giáp Thìn-1964). Thơ chúc Tết của Bác đã trở thành một di sản không chỉ mang tính văn học mà còn mang tính chất như một thể loại “Kệ” trong các Kinh sách của Phật giáo. Rất kiệm lời nhưng có giá trị rất cao mang tính tổng kết những triết thuyết, những chủ trương lớn trong từng giai đoạn.

Càng về sau, thơ chúc Tết của Bác càng như một “Dự ngôn” tiên tri về triển vọng của đất nước, về chủ thuyết cần ứng phó với thời thế, đặc biệt là bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu, năm 1969. Vì thế, xét trên nhiều phương diện, thơ chúc Tết của Bác trở thành một bảo vật, mang tính chất tâm linh trong lòng người dân nước Việt. Chính vì lẽ này, dù là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói “học theo Bác Hồ” nhưng theo thiển ý của tôi thì ông Trọng không nên nhại thơ của Bác, đặc biệt là các bài thơ chúc Tết đã nói ở trên.

Trong quan hệ xã hội của văn hóa người Việt, chuyện mượn thơ, mượn câu văn của người để nói lên nỗi niềm của mình là chuyện bình thường và cũng thể hiện trình độ văn hóa của người dùng (Phổ biến nhất ở nước ta xưa là “Vận Kiều” của cụ Nguyễ Du mà mấy ông Tổng thống Mỹ vẫn thích “vận Kiều” khi đến Việt Nam).

Khi xưa, vua Lê Thánh Tông nói với Thái phó Nguyễn Xí và các quan đầu triều như Nguyễn Như Đỗ, Trần Phong, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Cư Pháp rằng: “Tông miếu xã tắc an hay nguy là ở mấy người các khanh thôi… Ta nghe Tư Mã Quang có nói: ‘Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình; Kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn’.” Vua Lê Thánh tông đã mượn lời người xưa để nói việc nay, là để răn dạy triều thần rằng: “Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi. Các ngươi chớ quên điều ấy”.

Còn như “mượn” mà làm sai lạc nguyên bản thì không còn tính chân thật nữa. Thường thì cách “mượn” này chỉ dùng trong những trường hợp không nghiêm túc. Một ví dụ khá nổi tiếng xưa, khi Nguyễn Công Trứ làm bài thơ vịnh Cây Vông ở nhà đại thần Hà Tôn Quyền (Bài thơ này nay còn để ở nhà thờ cụ Nguyễn Công Trứ ở làng Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), các quan dự tiệc rất khó xử với bài thơ “châm chích” của Nguyễn Công Trứ thì Hà Tôn Quyền đã nhanh trí đọc câu trong “sách Thánh hiền”: “Quân tử bất khả ố kỳ vân chi trứ” (Phàm là bậc quân tử thì không chấp nhặt những thứ lòe loẹt bên ngoài). Nhưng Hà Tôn Quyền đã không dùng nguyên văn câu này mà thay đổi nó thành ra câu: Quân tử bất khả ố kỳ vân chi…quý ngài!

Nguyễn Công Trứ cũng không vừa, ông liền đọc ngay câu cũng trong sách Thánh hiền: “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền”. Nhưng không dùng nguyên tác mà cũng biến thành “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng… quan lớn” thì quả là không còn chút gì gọi là “mượn” hay “vận” được nữa.

Là một cử nhân văn chương, ông Trọng không quá khó để làm vài câu thơ phù hợp với cảnh, với người lúc thăm và chúc Tết Hà Nội hay chúc Tết nhân dân đêm Giao Thừa, không nên nhại thơ chúc Tết của Bác như thế gây phản cảm trong lòng người nghe.

Nguyễn Thái Nguyên, Xuân Tân Sửu, 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.