Thấy gì qua việc UBND quận Bắc Từ Liêm cúng rằm nơi công sở
JB Nguyễn Hữu Vinh
26-2-2021
Sáng 26/2/2021, những cán bộ công chức có mặt và đến làm việc tại Ủy Ban Nhân Dân Quận Bắc Từ Liêm, đã rất ngạc nhiên và khó chịu khi Văn Phòng UBND Quận đang tiến hành cúng rằm tại Công sở.
Trụ sở UBND Quận Bắc Từ Liêm vừa mới được khánh thành hôm 19/1/2021 nhằm kịp để cơ quan Quận có thể “ăn tết nhà mới”. Công trình này được xây dựng trong thời gian hơn 1 năm, với diện tích khu đất 20.029 m2. Trong đó, diện tích xây dựng là 5.536 m2, với 1 tầng trệt, 4 tầng nổi, 1 tầng mái có tổng diện tích sàn khoảng 24.149 m2 với tổng mức đầu tư là hơn 370 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.
Trụ sở quận Bắc Từ Liêm được ca ngợi là một trong các trụ sở đẹp, đồng bộ, hiện đại, công năng sử dụng tốt, với gần 120 phòng làm việc cho hơn 40 đơn vị, gần 700 người lao động.
Việc cúng rằm của UBND Quận Bắc Từ Liêm được tiến hành tại phòng 406-N, một căn phòng rất lớn tại tầng 4 của trụ sở này. Đây là một căn phòng rộng rãi chỉ được sử dụng cho mục đích thờ cúng, ở đó đặt ban thờ với đầy đủ hoa quả, bưởi cam và hương khói cũng như trang trí như ban thờ một dòng họ, một gia đình và phía trên đặt bức tượng bán thân Hồ Chí Minh.
Trước hàng trăm người lao động, và là công sở nhà nước của hơn 40 đơn vị, việc UBND Quận tiến hành cúng rằm tháng giêng đã gây nhiều thắc mắc và ngạc nhiên, bất bình cho những người công tác cũng như những người có liên hệ tại đây. Nhiều câu hỏi được đặt ra sau những hành động này từ cơ quan công quyền của một Quận ngay ở Thủ đô.
Trái quy định và luật pháp
Trước hết, đó là việc UBND Quận Bắc Từ Liêm đã đi ngược với “Quy chế Văn hóa công sở”kèm theo Quyết định số 129 /2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Ở đó quy định rõ ràng: “Nghiêm cấm các hoạt động như: lập bàn thờ, thắp hương thờ cúng hay đun nấu trong phòng làm việc” mà đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực.
Tại văn bản này, tại Chương 3, mục 1 về việc bài trí trong công sở các cơ quan công quyền, chỉ có quốc kỳ, quốc huy. Ở đó không hề quy định việc bài trí tượng hoặc hình của Hồ Chí Minh. Càng không có một không gian riêng để làm ban thờ hoặc miếu thờ Hồ Chí Minh như ở UBND Quận Bắc Từ Liêm đang làm tại đây.
Tại văn bản số: 3420/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành ngày 02/10/2012, quy định chỉ đặt chân dung Hồ Chí Minh dưới quốc kỳ trong một số trường hợp nhất định quy định cụ thể, hoàn toàn không có việc đưa chân dung hoặc tượng Hồ Chí Minh để trá hình làm một phòng thờ cúng mang tính mê tín dị đoan ngay tại công sở.
Trước đây, báo chí đã lên tiếng phản đối rầm rộ về những văn phòng công sở đã bày biện cúng lễ hương khói như văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, Bộ này nại ra rằng đó là việc thờ cúng Hồ Chí Minh tại cơ quan và điều này đã không được dư luận cũng như các cơ quan chính phủ chấp nhận, rồi sau đó, Thủ tướng chính phủ đã phải ra văn bản “Quy chế Văn hóa công sở” nói trên.
Thờ cúng Hồ Chí Minh là đi ngược lại và phỉ báng chính Hồ Chí Minh
Ai cũng biết, Hồ Chí Minh là người cộng sản, đã được cấp thẻ đảng số 000.001, nghĩa là đảng xác định đó là người cộng sản đầu tiên của ĐCSVN.
Đảng CSVN lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm cơ sở, làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự tồn tại. Ở đó không có ý thức về tâm linh, tôn giáo, thần thánh hoặc bất cứ những gì liên quan đến việc thờ cúng, hương khói.
Theo Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì “Tôn giáo là một hiện tượng tinh thần của xã hội và vì vậy, nó là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng khác với những hình thái ý thức xã hội khác, sự phản ánh của tôn giáo đối với hiện thực là sự phản ánh đặc thù, đó là sự phản ánh “lộn ngược”, “hoang đường” thế giới khách quan. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, “tôn giáo là những sự rút hết toàn bộ nội dung của con người và giới tự nhiên, là việc chuyển nội dung đó sang cho bóng ma”.
Chính vì thế, Chủ nghĩa Mác – Lenin chống lại bất cứ một người cộng sản nào tin vào việc ma quỷ, thần thánh… dẫn đến việc thờ cúng hoặc những vấn đề thuộc tâm linh con người. Chủ nghĩa Mác – Lenin thực hiện một cuộc cách mạng lâu dài, để tẩy trừ các tôn giáo, tâm linh, thần thánh ra khỏi thế giới cộng sản.
Vì thế, là người cộng sản, lại là người Cộng sản đầu tiên, Hồ Chí Minh không và chưa bao giờ đi theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào. Việc Hồ Chí Minh đã có thời vào nhà chùa ở Thái Lan, mang tên Thầu Chín, mang áo cà sa là thời kỳ 1928 khi ông hoạt động cách mạng trong bí mật. Ông ta đã giả dạng nhà sư, lợi dụng Phật giáo tại Thái Lan để che chắn các hoạt động bí mật của mình mà hoàn toàn không phải là một người đi theo Phật Giáo.
Trong đời sống hàng ngày khi còn sống, Hồ Chí Minh không bao giờ có chuyện thờ cúng, kể cả ông bà, cha mẹ tổ tiên, thần hay Phật. Trong hai chuyến khi quay về quê hương sau gần nửa thế kỷ xa nhà, ông ta vẫn không hề thắp hương hoặc có hành động nào trước Tổ tiên, ông bà, cha mẹ hoặc hoặc họ hàng anh chị em ruột đã khuất.
Không chỉ ông Nguyễn Sinh Khơm (Khiêm) là anh trai chết năm 1950 và bà Nguyễn Thị Thanh là chị ruột chết năm 1954 Hồ Chí Minh đã không về thăm viếng khi ốm đau, chôn cất khi từ trần mà ngay cả khi về quê cũng không một lần thăm viếng phần mộ hoặc chí ít là một nén hương tưởng nhớ.
Thậm chí, ngay cả mộ mẹ ông ta là bà Hoàng Thị Loan từ 1942 đã đưa về chôn tại Nam Đàn, chỉ cách 5km từ làng Kim Liên. Nhưng, Hồ Chí Minh đã không hề nhắc đến hoặc đến viếng thăm.
Trong nhà riêng, phòng ở và ngay cả ngôi nhà tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, không hề có ban thờ tổ tiên, ông bà hoặc bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào…
Thế rồi, ngay cả khi chết, Hồ Chí Minh đã không đi theo ông bà, tổ tiên hoặc lên cõi niết bàn, thiên đàng hoặc địa ngục mà chỉ “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lenin”.
Nhắc lại những điều này để chứng minh một điều chắc chắn: Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa “Tam vô”, đó là Vô gia đình, vô Tổ Quốc và vô tôn giáo.
Do vậy, việc đưa một người cộng sản suốt đời đã đi theo chủ nghĩa vô thần vào để thờ cúng là đi ngược lại tư tưởng cũng như đi ngược lại ý nguyện của chính Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là sự nhạo báng và sỉ nhục đối với Hồ Chí Minh, một người đã “suốt đời sống, chiến đấu, làm việc cho lý tưởng Cộng sản vô thần”.
Cũng không thể vịn vào lý do rằng Hồ Chí Minh là “lãnh tụ vĩ đại, là anh hùng dân tộc, là cha già dân tộc”, là nọ là kia theo những lời tuyên truyền của đảng để thờ cúng như một thành hoàng làng, một nhân vật vua chúa trong chế độ phong kiến xa xưa hay ít nhất là một thứ ma quỷ có thể làm người ta sợ hãi. Bởi đơn giản chính Hồ Chí Minh năm 1958 đã nói rằng ông ta “không phải là vua”.
Việc đưa Hồ Chí Minh, một người hoàn toàn vô thần, không phải là vua, là thần thánh hay ma quỷ lên ban thờ và buộc mọi người khác trong hệ thống công quyền phải làm một việc mà nhiều khi trái với ý muốn của họ là điều không thể chấp nhận được, là đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh mà đảng đang ra sức kêu gọi học tập làm theo.
Việc làm đó cũng hoàn toàn trái với luật pháp và hiến pháp quy định. Bởi trong cơ quan công quyền như UBND Huyện Bắc Từ Liêm có hơn 700 cán bộ, công nhân viên chức và những người liên quan đến công tác, làm việc. Tất cả họ không phải ai cũng theo tín ngưỡng thờ cúng, càng không phải ai cũng thừa nhận việc thờ Hồ Chí Minh là đúng đắn. Đặc biệt là với các đang viên đảng CSVN thì đó cũng là sự ngang nhiên sỉ nhục họ, sỉ nhục cái lý tưởng mà họ đã thề nguyền theo đuổi và phấn đấu khi vào đảng.
Cuộc khủng hoảng lòng tin và sự lợi dụng Hồ Chí Minh cho mục đích cá nhân
Báo chí đã nêu hiện tượng này rất nhiều trước đây. Trên tờ báo Thanh Niên, số ra ngày 05/11/2006 có bài viết về chuyện hương khói ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã viết rằng: “nghề “làm quan” ngày nay có nhiều rủi ro: đi thờ, đi cúng các nơi, ngay cả dùng xe công, báo chí, dư luận cũng dị nghị, thế thì làm một nơi thờ cúng ngay tại Bộ cũng rất tiện”. Như vậy, việc bày đặt cầu cúng ngay tại cơ quan làm việc, công sở chỉ nhằm mục đích phục vụ sự u mê và mê tín, dị đoan của một số quan chức nhà nước trước việc mua quan, bán chức ngày càng căng thẳng khó khăn, cũng như việc đấu đá phe nhóm trong nội bộ đảng, nhà nước đã làm cho chính những cán bộ chạy chọt, mua bán được chức quyền không hề yên tâm.
Và trong cơn khủng hoảng, hoang mang về niềm tin, họ đã phải cậy nhờ đến thần thánh, tâm linh và ma quỷ.
Đó là sự thể hiện việc mất lòng tin vào cuộc sống hiện nay, cũng như mất niềm tin, định hướng sống mà không biết bấu víu vào đây nên các cán bộ, đảng viên đã phải đi tìm một niềm tin ở thế giới khác với thế giới mà họ đang sống, đang luôn giơ tay xin thề sẽ phấn đấu suốt đời cho lý tưởng đó.
Dư luận xã hội đã mổ xẻ, phân tích rất nhiều về hiện tượng người cộng sản vô thần đã là đặc trưng cho loại hình “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong cả hệ thống đảng Cộng sản từ cao đến thấp. Ở đó, một mặt họ tôn thờ chủ thuyết vô thần cộng sản, họ thề nguyền tin tưởng, hy sinh và phấn đấu cho lý tưởng vô thần ấy. Mặt khác họ lại bí mật hoặc công khai lao theo những trò mê tín, dị đoan như từ bói toán, xin quẻ, cúng sao giải hạn, cầu đồng hoặc xin ấn Đền Trần, vay trả Bà Chúa Kho, cầu cúng chỗ nọ chỗ kia từ gốc đa cho đến mép ruộng, từ nơi riêng tư đến nơi công công cộng. Hàng năm, chỉ riêng việc chính phủ và các tỉnh phải nhắc đi nhắc lại việc cấm cán bộ mang xe công đi chùa, đi lễ đền nọ phủ kia đã chứng minh điều đó.
Mặt khác, ai cũng thấy một điều này, đó là mọi đảng viên khi vào đảng đều giơ tay thế rất cao hứng rằng: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị…”. Còn Cương lĩnh chính trị của đảng thì ghi rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng” và nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lenin là vô thần, duy vật. Thế nhưng, ngay cả những nhân vật cao cấp nhất của đảng như Trần Đại Quang, khi chết đã lôi hàng trăm sư quốc doanh cầu siêu niệm chú nhằm được “siêu thoát” mà không chịu đi theo “Cụ Các Mác, cụ Lenin” như Hồ Chí Minh. Hoặc Nguyễn Bá Thanh, trước khi chết là một người Cộng sản bất chấp tội ác với người dân, nhưng khi chết mới lòi ra một pháp danh và cầu cúng linh đình hẳn hoi, công khai.
Thế rồi từ bí mật, những người cộng sản đã thi nhau lập đền thờ từ văn phòng công sở cho đến Phủ chủ tịch, văn phòng Trung ương Đảng.
Tất cả những điều đó được bao biện rằng đó là “ý nguyện của mọi người trong cơ quan”, đoàn thể… điều này cũng na ná như cái mà Bộ chính trị nói rằng: “Thể theo nguyện vọng của tất cả quần chúng nhân dân”, nên đảng đã quyết tâm đi ngược lại lời dặn trong di chúc của Hồ Chí Minh để không hòa táng hay chôn xác ông ta. Mặc dù nhân dân chẳng bao giờ được hỏi một nửa câu và ông ta vẫn muốn thiêu hoặc chôn xác mình để theo tín ngưỡng dân gian thì “sẽ được siêu thoát” nhưng đảng không đồng ý.
Tạm kết
Việc nhiều cơ quan công quyền, nhiều trụ sở của nhà nước bị biến thành nơi thờ tự, nơi cầu cúng, nơi thỏa mãn nhu cầu mê tín dị đoan của một số cá nhân có chức có quyền tại các cơ quan nhà nước là một hiện tượng không chỉ bây giờ mà cả hàng chục năm trước đã diễn ra.
Thế rồi sau đó có nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn để thực hiện cái gọi là Văn hóa Công sở… chỉ là việc nước đổ lá môn.
Nhiều cơ quan, từ lén lút đến công khai vẫn cứ tiến hành những việc biến nơi công sở thành nơi thờ cúng, thực hiện mê tín dị đoan và thể hiện sự coi thường chính các cơ quan cấp trên. Oái oăm thay, đây chính là những cơ quan công quyền và họ đều là những đảng viên có chức, có quyền mới có thể ngang nhiên tự tung tự tác làm những việc mà những thường dân có muốn cũng chẳng cách nào làm được.
Ngoài việc biến những không gian công sở được đầu tư bằng tiền dân với cả hàng tỷ đồng đầu tư thành nơi hoạt động mê tín dị đoan trái pháp luật và đi ngược lại tư tưởng, chủ trương của đảng, phỉ báng Hồ Chí Minh. Hành động đó còn là sự coi thường tính mạng người dân ở những nơi, những chỗ mà những học sinh bé bỏng phải phơi mình giữa giá rét để ngồi học bài với chiếc áo mong manh bốn bề trống hoác. Đó là sự xa hoa, lãng phí những đồng tiền máu xương, mồ hôi nước mắt của người dân đã đóng những đồng thuế để xây nên những ngôi nhà khang trang cho họ tùy nghi sử dụng.
Và trên hết, nó nói lên những điều không thể chối cãi sau đây:
– Đó là bản chất của người cộng sản vốn xưa nay vẫn dối trá từ bản chất, vốn nói xuôi làm ngược ngay từ trong lời thề nguyền khi gia nhập đảng vô thần.
– Đó là sự thể hiện một cuộc khủng hoảng tư tưởng, khủng hoảng đường lối của Đảng CSVN, khi mà cái gọi là Chủ nghĩa Mác – Lenin chỉ là cái thây ma thối rữa vẫn được dựng lên làm bình phong, làm khiên đỡ mà chẳng hề có chút nào tác dụng.
– Đó cũng là biểu hiện của sự coi thường Hồ Chí Minh, một nhân vật được đảng dày công tô vẽ thành thần tượng, thành huyền thoại, thành thánh thần của người cộng sản. Những điều đó chẳng lừa bịp được ai, ngay cả những đảng viên cộng sản vốn luôn vâng dạ và miệng leo lẻo về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.