Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Để đối phó với Trung Quốc thì chúng ta cần phải thay đổi

 

Để đối phó với Trung Quốc thì chúng ta cần phải thay đổi

Nguyễn Trường Sơn

17-2-2021

Cuộc chiến biên giới 1979 cũng giống như cuộc tương tàn Bắc Nam trước đó, cứ mỗi khi nhắc về thì lại khơi gợi những cảm giác chua chát, đắng cay, tủi hờn, và cả hậm hực.

Đó là bởi vì cách nhà nước che đậy lịch sử, không cho người dân được thảo luận về các cuộc chiến tranh đó một cách cởi mở và đa chiều. Cái gì cũng muốn áp đặt ý chí của mình vào. Cái gì không đúng ý mình thì kiểm duyệt.

Người ta đã nói nhiều về việc hòa giải dân tộc giữa những người Cộng Sản và Quốc Gia. Nhưng việc hòa giải đó vẫn chưa thể thực hiện được, âu cũng chỉ vì nhà nước không mặn mà với việc đó, bằng chứng là các động thái hòa giải vẫn rất hạn chế, nhỏ giọt như việc bỏ cấm một vài bài hát trước 75, chứ chưa phải là một chính sách quan trọng của chính phủ, và của đảng Cộng Sản.

Tương tự với nó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn dậm chân tại chỗ. Cách chúng ta nhìn nhận người láng giềng phương bắc ra sao cách đây hàng ngàn năm thì giờ vẫn vậy. Đó là bởi vì chúng chưa chưa từng có một nhà nước đủ tự tin để tuyên bố với người dân rằng từ nay trở đi chúng ta sẽ xây dựng quốc gia mình mạnh mẽ, làm tiền đề để xây dựng chính sách ngoại giao với Trung Quốc một cách bình đẳng hơn, tự chủ hơn.

Tâm lý của cả người dân lẫn nhà nước từ xưa đến nay luôn là ta yếu, địch mạnh, ta bị ăn hiếp và ta phải bật lại. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải thay đổi mối tương quan và thái độ này. Nhưng muốn thay đổi thì nước ta cần phải có một nhà nước hiệu quả và một chính phủ giỏi, thậm chí phải là hiệu quả và giỏi hơn Trung Quốc.

Nói đên đây mới thấy, cái vấn đề gốc rễ của nước ta vẫn là làm sao để xây dựng được một mô hình nhà nước phù hợp, và lựa chọn được một chính phủ tài năng. Nhưng làm sao để làm được điều đó trong khi đảng Cộng Sản vẫn độc quyền điều hành nền chính trị, không cho bất cứ ai ngoài đảng được tham gia vào việc nước, và suốt mấy chục năm qua vẫn tước đoạt quyền bầu cử tự do của dân chúng?

Về phần cá nhân mình thì tôi đã chán ngấy với cái tâm lý nhược tiểu vốn đã in sâu vào tiềm thức của xã hội chúng ta mỗi khi nói đến Trung Quốc. Tôi muốn chúng ta bang giao với họ một cách tự tin, tự chủ và khéo léo. Thay vì coi họ là kẻ thù, thì ta coi họ vừa là thách thức để cải thiện mình, nhưng cũng là cơ hội để phát triển. Thay vì hằn học mỗi khi nhắc đến họ, thì ta tỏ ra thương cảm cho người dân của họ vì họ không có tự do.

Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta không thể cứ thế này được. Chúng ta phải giải phóng mình trước sự kìm kẹp do chính mình tạo ra trước đã. Chẳng phải đảng Cộng Sản Việt Nam là do chính người Việt Nam tạo ra hay sao, vậy thì chỉ có người Việt Nam mới thay đổi được nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.