Cái van xả mang tên Trương Vĩnh Trọng
Jackhammer Nguyễn
24-2-2021
Báo chí Việt Nam liên tục mấy ngày qua đưa tin về ông Trương Vĩnh Trọng, cựu phó thủ tướng vừa qua đời, khóc than có, ca ngợi có. Mỗi tờ báo có cả chục bài, mấy trăm tờ báo “lề đảng”, chắc phải có hàng trăm bài về ông Trương Vĩnh Trọng.
Có thể một số người dân Bến Tre biết ông Vĩnh Trọng là ai vì họ là đồng hương với ông, nhưng đa số người Việt Nam, với những vất vả mưu sinh hàng ngày, có thể không biết, vì khi đương chức ông giữ những vị trí sau hậu trường, ít xuất hiện, không nổi đình đám như các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, hay Nguyễn Bá Thanh…
Nội dung các bài báo “lề đảng” thể hiện một sự trân trọng đối với ông Vĩnh Trọng, rằng ông là một nhân vật thanh liêm. Và mỗi khi có một nhân vật thanh liêm như vậy qua đời, cái trân trọng đó lại nổi lên một cách rất bất thường.
Một nhân vật rất nổi tiếng, qua đời hơn hai năm trước là ông Đỗ Mười, từng là tổng bí thư, thủ tướng một thời, nhưng đâu có nhận được sự trân trọng như thế. Dĩ nhiên trong hàng trăm bài đó, có những bài tát nước theo mưa, nhưng tôi không nghĩ toàn bộ đều là những kẻ khóc mướn, như bài viết “Ông Trương Vĩnh Trọng và những kẻ… khóc mướn”, của tác giả Thu Hà, đăng trên trang Tiếng Dân.
Công bằng mà nói, ông Trương Vĩnh Trọng cũng là một nhân vật có khả năng và khiêm tốn, như nhà quan sát Đinh Kim Phúc từ trong nước nhận định, khi nhớ lại việc ông Trọng khai trong lý lịch về trình độ học vấn của mình một cách thật thà, không sính bằng cấp như đại đa số các cán bộ đảng hiện nay.
Công việc quan trọng nhất mà ông Trọng làm trước khi về hưu là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, một cơ quan có nhiệm vụ bình định vùng Tây Bắc rất phức tạp về những vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Ban chỉ đạo Tây Bắc, nay đã giải tán, đã từng là một bước thử thách quan trọng cho những cán bộ cao cấp còn trẻ thăng tiến, như các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc đều từng đứng đầu ban này.
Nhưng tôi cũng không phủ nhận việc so sánh rất chính xác của Thu Hà là con trai ông Trọng, Trương Vĩnh Tùng, nào có khác gì Lê Kiên Thành, con trai cựu tổng bí thư quyền lực ngút trời một thuở là ông Lê Duẩn. Cả hai ông con trai đều vinh danh phì da cả. Có thể ông Trọng sạch, nhưng cũng thuộc vào tầng lớp quý tộc đỏ, giai cấp mới, như ông Duẩn, và con cái các ông cũng đều là ‘thái tử đảng’ cả.
Nhưng điều quan trọng nhất sau khi những bài “viết để tưởng nhớ” này qua đi, người có suy nghĩ sẽ đặt câu hỏi: Ôi, các ông ấy trong sạch quá, nhưng sao đất nước đục ngầu làm vậy?
Đọc qua tiểu sử cuộc đời ông Trương Vĩnh Trọng, ta thấy ông làm những việc có liên quan đến kỷ luật nội bộ của Đảng, thế thì tại sao sau khi ông về hưu rồi, một ông Trọng khác là ông Nguyễn Phú Trọng lại phải thành lập một cái lò vĩ đại để chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ đảng như vậy?
Ông Trương Vĩnh Trọng cũng không thể nhìn thấy ngoài những điều mà đảng cho ông nhìn, cho nên ông đồng ý rằng, nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một kế hoạch tệ hại về kinh tế lẫn môi trường, lẫn an ninh quốc gia. Tôi thật sự tin, ông Trọng cho rằng bauxite Tây Nguyên là tốt, chứ không phải ông biết nó xấu mà nói càng, tức là ông rất tin vào cái Đảng của ông.
Ông Trương Vĩnh Trọng, cũng như một số nhân vật tương tự như ông, phải “học tập và làm theo” những chỉ thị của Đảng thôi, không thể nào khác. Mà trong guồng máy cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay, họ đông chứ không ít, chẳng hạn như mới đây có bài viết về ông Tư Nhung, cựu Bí thư Tỉnh ủy An Giang, hay gần đây có một người cũng vừa qua đời, là cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc, ông Lộc còn đi khá xa là dấn thân (dù mới được chút xíu) vào việc đấu tranh, đòi bỏ sự độc tôn cai trị của Đảng.
Những người như thế tôi so sánh họ với các cụ đồ nho ngày xưa, họ không thể nào vượt qua được cái vòng kim cô mà Đảng đội lên đầu họ. Họ có thể lấy được nước mắt những người hàng xóm vì sự tử tế của họ trong cuộc sống hàng ngày khi về hưu, được thuộc cấp quý mến khi còn tại vị, nhưng điều họ làm được lớn nhất cho đất nước này chỉ là như thế, và đôi khi họ bị lợi dụng làm một cái van xả những bức bối trong xã hội, khi họ qua đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.